Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về vai trò cầm quyền của Đảng ta

PGS.TS Phạm Xuân Hằng| 02/03/2015 06:32

(HNM) - 85 năm - một chặng đường đấu tranh gian lao, kiên cường của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhìn lại, có thể thấy rõ ba giai đoạn đấu tranh không ít hy sinh, mất mát nhưng nhiều thắng lợi huy hoàng, mang đậm những dấu ấn lịch sử và tầm vóc thời đại.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt. Ảnh: Vũ Long


1. Xóa nỗi nhục mất nước để khẳng định mình: Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm đắm trong đêm trường nô lệ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Tuy đã thực sự chiếm được nước ta, nhưng thực dân Pháp vẫn duy trì chế độ phong kiến với những quyền lực hạn chế về quân sự, ngoại giao, kinh tế. Thực dân Pháp rất tâm đắc với hệ thống cai trị lạc hậu và khắc nghiệt của chính quyền phong kiến làng, xã, vì lợi cho chúng. Sống dưới hai tầng áp bức, bóc lột thực dân và phong kiến, đời sống của nhân dân thôn quê cơ cực, họ ly hương đến nhà máy, hầm mỏ, đồn điền làm phu kiếm kế sinh nhai. Nhưng ở những nơi đó, cuộc sống còn cơ cực muôn phần dưới đòn roi, báng súng...

Trong cảnh nước mất, nhà tan, cuộc đời người dân bị bế tắc, không lối thoát, nhiều sĩ phu yêu nước đã đứng lên phất cờ chống thực dân, phong kiến rất kiên cường, anh dũng. Tuy phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX không đi tới đích, nhưng để lại những tấm gương và bài học xương máu cho các lực lượng yêu nước kế sau.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình, quê hương giàu lòng yêu nước, thấu hiểu nỗi cơ hàn của dân mất nước, người thanh niên Nguyễn Văn Ba đã rời Tổ quốc, trao tuổi thanh xuân của mình cho cuộc kiếm tìm con đường cứu nước giữa muôn vàn gian khó trong cuộc sống của lớp người cùng khổ ở nhiều nước. Người đã tìm ra phương hướng để đi và gặp được chủ nghĩa Lênin mà Người thấy có thể giúp Người cùng các đồng chí của mình xác định được vai trò của một lực lượng chính trị, đủ sức dẫn dắt nhân dân tranh đấu. Con đường ra đi của người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Ba đã trưởng thành Nguyễn Ái Quốc.

Từ nhận thức mới, Người bắt tay chuẩn bị các nhân tố cốt lõi cho cuộc đấu tranh thông qua huấn luyện, tạo các “hạt giống đỏ” tại Quảng Châu (Trung Quốc). Nhiều thanh niên yêu nước đã đến Quảng Châu dự lớp huấn luyện của Người để tiếp nhận làn gió tư tưởng mới về giải phóng dân tộc. Để tập trung lực lượng cách mạng, năm 1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người đã thống nhất các lực lượng cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam, có Chính cương, Điều lệ hoạt động. Sự kiện này minh chứng cho phong trào yêu nước Việt Nam đã trưởng thành, đi từ tự phát đến tự giác. Khi phong trào cách mạng bắt đầu nâng tầm về chất thì cuộc thử thách Xô viết Nghệ - Tĩnh đã diễn ra và để lại những bài học quý giá cho việc xây dựng lực lượng. 15 năm hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam trải qua nhiều thử thách cam go, vừa đấu tranh, vừa trưởng thành về tư tưởng và tập hợp lực lượng. Đảng đã phát động phong trào tới mọi tầng lớp lao động, yêu nước trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Khi thời cơ đến, sức dân như nước vỡ bờ. Cho nên, chỉ với 5.000 đảng viên được nhân dân ủng hộ, Đảng ta đã làm nên sự biến đổi to lớn mang ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại ở Việt Nam, đó là Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lật nhào chế độ phong kiến tồn tại nghìn năm trên đất nước ta, đồng thời giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Người dân Việt Nam từ kiếp đời nô lệ bị áp bức bóc lột đã trở thành người nắm vận mệnh đất nước và làm chủ bản thân. Một giá trị dân quyền và nhân quyền đã hình thành. Đó là giá trị cơ bản của con người, là cơ sở để khẳng định “Dân vi bản” (Dân là gốc).

Thắng lợi này chứa đựng những giá trị sau:

- Con đường từ Nguyễn Văn Ba qua Nguyễn Ái Quốc mà thành Hồ Chí Minh với sự kiện Cách mạng Tháng Tám thắng lợi cho thấy, vai trò lãnh tụ của Hồ Chí Minh đã được thể hiện xứng đáng với yêu cầu của lịch sử dân tộc, đáp ứng khát vọng cháy bỏng của nhân dân Việt Nam.

- Đảng Cộng sản Việt Nam, gồm những đảng viên có nhân cách, có ý chí tự tôn dân tộc, có lòng yêu nước thương nòi thực sự bằng cuộc đời chiến đấu hy sinh của bản thân, nên lực lượng dù ít (5.000 đảng viên), nhưng Đảng ta rất mạnh vì cơ sở là dân, ý Đảng lòng dân hòa quyện sắt son, máu thịt trước sự tồn vong của dân tộc. Không có điều này, Cách mạng Tháng Tám không thể thành công.

- Đường lối chính trị của Đảng đáp ứng khát vọng của nhân dân là yếu tố làm nên sức mạnh vô địch. Vào thời điểm lịch sử, lời kêu gọi của lãnh tụ mang hồn cốt tiếng gọi non sông như “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Thời cơ đến, sức mạnh ấy trỗi dậy, muôn người như một, tự giác đứng lên theo lời hiệu triệu của non sông để tự giải phóng mình và bảo vệ thành quả cách mạng của mình. Khí thế ấy không thế lực nào ngăn cản được.

Trong đấu tranh chống thực dân, phát xít, phong kiến, những đảng viên chân chính thực sự xả thân vì nước, vì dân nên Đảng Cộng sản mới có một đường lối chính trị đúng đắn, hợp lòng dân và cũng làm sáng lên vai trò cá nhân lãnh tụ Hồ Chí Minh. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam với lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng nhân dân Việt Nam rửa được nỗi nhục mất nước. Vai trò của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam đã được định vị, được nhân dân suy tôn bằng chính sự chiến đấu, hy sinh tự nguyện của họ.

Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân; nhân dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng. Ảnh: Thanh Hải


2. Làm nên Điện Biên Phủ và mùa Xuân đại thắng: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Linh hồn của cuộc biến đổi lịch sử Cách mạng Tháng Tám đã có nhiều cố gắng tìm cách giành độc lập dân tộc bằng hòa bình, nhưng thực dân Pháp dã tâm chiếm nước ta một lần nữa. Đất nước lâm nguy, lời non sông lại vang dậy: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cả nước muôn người như một bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chín năm chống thực dân Pháp. Bằng ý chí sắt đá và lòng quả cảm, quân dân cả nước không quản hy sinh, gian khổ đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giành độc lập nửa nước, đánh dấu sự kết thúc chế độ thực dân cũ trên đất nước ta, mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

Không có nơi đâu lại bị kẻ thù nhòm ngó nhiều như đất nước ta. Thực dân Pháp rút, đế quốc Mỹ lại nhảy vào can thiệp và rồi gây ra cuộc chiến tranh tàn ác, khốc liệt nhất giữa thế kỷ XX, mang lại đau thương cho dân tộc Việt Nam và cho cả nhân dân Mỹ. Đây là cuộc đối đầu lịch sử khốc liệt giữa đạn bom, chất độc da cam với trí tuệ, ý chí và lòng người của cả một dân tộc có chính nghĩa. Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, toàn dân Việt Nam đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, trong đường cày “ba đảm đang”, trong “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tay bút, tay súng” cùng đồng bào miền Nam thành đồng Tổ quốc đi tới mùa Xuân đại thắng năm 1975, thu giang sơn về một mối, chấm dứt chế độ thực dân mới trên đất nước ta.

Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến cứu nước thật là vĩ đại và đã để lại những bài học có giá trị lịch sử lâu dài cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước:

- Đường lối trường kỳ kháng chiến, tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, ý Đảng lòng dân hòa quyện máu thịt, sắt son tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để cả đất nước vượt qua chính mình mà chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là giá trị của đường lối đúng xuất phát từ quan hệ lòng dân - vận nước.

- Đảng và Nhà nước ta lúc đó có những “công bộc” xuất sắc, cháy bỏng lòng yêu nước, thương dân, không cam chịu nỗi nhục đất nước bị xâm lược, đã gương mẫu hy sinh vì đất nước, nói đi đôi với làm bằng hành động cứu nước thực tế, không mảy may thu vén chút lợi quyền cá nhân và gia đình, dòng tộc, mà toàn tâm dốc lòng vì dân, vì nước. Họ thực sự là những tấm gương của “Dĩ dân vi thượng” nên có sức cuốn hút, lan tỏa rất rộng lớn, được nhân dân noi theo bằng hành động cứu nước thực tế. Đây là giá trị của vai trò con người, con người - lãnh đạo, quản lý, nhân tố quyết định thắng lợi của mọi công việc.

Từ năm 1930 đến 1975 là hai thời đoạn lịch sử vẻ vang của Đảng ta, để lại những giá trị lịch sử mà hôm nay còn mang tính thời sự. Đó là: Vai trò của lãnh tụ (mà nay là người đứng đầu); vai trò của đường lối và vai trò của các “công bộc” các cấp.

3. Đổi mới dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc: Trong gần 30 năm đổi mới, ba vai trò đầu tàu của người đảng viên cộng sản đã được phát huy và góp phần quyết định tạo ra những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, mang tầm vóc thời đại. Thế và lực của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Nhưng bên cạnh những thành tựu vẻ vang đó, lại sinh ra không ít lực cản từ ngay trong lòng đội ngũ tiên phong của dân tộc (Nhận định của Hội nghị TƯ 4, khóa XI). Và những lực cản đó lại gây ra những hệ lụy đối với đất nước, dân tộc: Phát triển không bền vững, ảnh hưởng không nhỏ tới nội lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh khu vực và thế giới biến đổi khó lường. Như thế, tiến trình đổi mới cũng đã và đang chỉ ra những hệ lụy được nảy sinh trong 30 năm qua, từ thể chế đến con người trong cuộc. Gần đây nhiều lãnh đạo, học giả trăn trở về vấn đề phải mạnh dạn đổi mới thể chế và nhân sự.

Hiện tượng “một bộ phận không nhỏ” là lực cản lớn nhất đối với phát triển đất nước hiện nay chẳng những làm băng hoại nền tảng đạo đức cách mạng, làm suy yếu nội lực quốc gia mà còn làm giảm sút niềm tin nơi các đảng viên chân chính và nhân dân. Một hệ lụy vô cùng nguy hiểm là mỗi khi có một cán bộ cao cấp bị xử lý hoặc thiếu gương mẫu thì xã hội nhìn nhận “một bộ phận không nhỏ” là những con người đạo đức giả. Cuộc đấu tranh giành lại niềm tin nơi dân bằng chỉnh đốn Đảng còn nhiều gian nan. Phải chăng, để đẩy lùi, ngăn chặn tận gốc nạn tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm, Đảng ta phải mạnh dạn đổi mới ngay bản thân hệ thống của mình.

Trước hết, không thể phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng ta. Nếu quan niệm rằng, Đảng chỉ lãnh đạo Nhà nước và xã hội là đồng nhất với cầm quyền thì chưa đầy đủ và minh bạch. Đương nhiên, không cầm quyền thì không lãnh đạo Nhà nước và xã hội được. Nhưng lãnh đạo chỉ là phương thức thể hiện cầm quyền trong giới hạn chính trị, chưa toát lên được trách nhiệm pháp luật trong phạm trù cầm quyền, như thế là chưa minh bạch. Từ năm 1930 đến 1945, khi chưa giành chính quyền, Đảng ta mới chỉ lãnh đạo những người lao động đứng lên chống thực dân, phong kiến và làm cuộc biến đổi chính trị trong lịch sử dân tộc. Nhưng từ Cách mạng Tháng Tám đến nay đã 70 năm Đảng ta đã cầm quyền thực sự. Hiệu quả cầm quyền như thế nào là vấn đề cần được nghiên cứu. Quá trình 30 năm đấu tranh chống thực dân cũ và mới (từ năm 1945 đến 1975), Đảng đã chứng tỏ năng lực cầm quyền có hiệu quả của mình.

30 năm đổi mới, không thể phủ nhận được rằng, thực tại xã hội và lòng dân hôm nay là tấm gương phản chiếu năng lực và trình độ cầm quyền của Đảng ta. Trước sự biến đổi khó lường của tình hình thế giới, trước yêu cầu xây dựng nội lực quốc gia để bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc, để không tụt hậu so với khu vực và thế giới, đất nước ta không thể không tiếp tục đổi mới chính trị sâu sắc hơn, trước hết là đổi mới thể chế cầm quyền.

Có thể hiểu rằng, vai trò cầm quyền của một đảng chính trị được thể hiện qua quyền lực chính trị trên thực tế. Đó là quyền lực định hướng phát triển Nhà nước và xã hội. Đã nhiều năm, Đảng và Nhà nước đều có chủ trương tinh giản nhân sự bộ máy, nhưng bộ máy vẫn cồng kềnh, kéo theo nhân lực gia tăng, gánh nặng ngân sách lớn, hoạt động chồng chéo, tiến độ chậm, hiệu quả không cao.

Trước thực trạng đó, song hành với đổi mới thể chế kinh tế là đổi mới thể chế cầm quyền của Đảng. Phải chăng, lúc này cần thiết phải bàn thảo về đổi mới từ phương thức lãnh đạo như hiện nay với trách nhiệm chính trị là chủ đạo sang thể chế cầm quyền với trách nhiệm pháp lý là chính.

Trước hết, cấu trúc lại hệ thống bộ máy Đảng gọn nhẹ, đủ năng lực thực thi quyền lực chính trị được hiệu quả hơn và thể chế hóa vai trò của những đại biểu của Đảng tham gia cầm quyền. Đảng cần có quy định cụ thể về trách nhiệm người đứng đầu trong bộ máy của Đảng. Những đảng viên được Đảng giới thiệu sang bộ máy Nhà nước thì vai trò của họ phải được thể chế hóa, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không chịu trách nhiệm chính trị chung chung. Trong điều kiện đổi mới hôm nay, một vấn đề đã được hiến định là “Mọi tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, cần được cụ thể hóa để hiện thực hóa bổn phận cầm quyền của Đảng. Có như thế, Đảng mới thể hiện tính minh bạch chính trị cầm quyền. Và cũng chỉ có như thế, Đảng mới tạo cơ sở để “chịu sự giám sát của Nhân dân” (Hiến pháp 2013).

Trong vấn đề này, trách nhiệm người đứng đầu trong các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội phải được Đảng quy định cụ thể; trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước phải được thể chế hóa. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu chu đáo. Lâu nay, hay nói “trách nhiệm người đứng đầu”, nhưng cụ thể như thế nào và phạm vi nào thì chưa rõ.

Cấu trúc quyền lực cầm quyền một cách khoa học, thiết thực sẽ làm cho trách nhiệm cầm quyền của Đảng đối với sự phát triển Nhà nước và xã hội có trách nhiệm hơn, minh bạch hơn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Về vai trò cầm quyền của Đảng ta

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.