Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) hôm qua thông báo mất liên lạc với Envisat, vệ tinh theo dõi trái đất lớn nhất trong lịch sử loài người.
Envisat là vệ tinh theo dõi địa cầu lớn nhất mà con người từng chế tạo. Ảnh: larousse.fr.
Những người điều khiển Envisat không nhận được dữ liệu từ Envisat từ ngày 8/4, khi nó bay qua Thụy Điển, và tới nay nỗ lực kết nối lại liên lạc của họ với vệ tinh vẫn chưa đạt kết quả, BBC đưa tin.
Envisat - có khối lượng 8,2 tấn và chiều dài 10,5m - được phóng lên quỹ đạo vào tháng 3/2002 cùng 10 thiết bị để theo dõi các đại dương, băng, đất và không khí của địa cầu. Được thiết kế để hoạt động trong 5 năm, song Envisat vẫn theo dõi trái đất tới tận ngày 8/4. Theo kế hoạch của ESA, Envisat sẽ ngừng hoạt động vào năm 2014.
Dữ liệu của Envisat đã được sử dụng trong 4.000 dự án khoa học tại 70 nước, bao gồm nhiều nghiên cứu đáng chú ý về biến đổi khí hậu. Nó từng chụp ảnh vụ tràn dầu trên vịnh Mexico vào năm 2010. Các nhà khoa học cũng sử dụng dữ liệu về các dòng hải lưu trên đại dương của Envisat để dự doán mức độ phát tán chất phóng xạ trong Thái Bình Dương do cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện Fukushima của Nhật Bản vào năm 2011. Envisat là công cụ quan trọng để các nước đối phó nạn đánh bắt cá trái phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.