Theo dõi Báo Hànộimới trên

Về Phú Xuyên thăm làng nón lá

Phạm Thị Nết| 23/03/2015 11:31

(HNMO) - Từ một cô gái làng Chuông ( xã Phương Trung, Thanh Oai, HàNội), bà Phạm Thị Nhàn lấy chồng ở Phú Xuyên, Phú Châu và mang nghề nón lá truyền thống của quê hương bà về đây từ năm 1943. Sau hơn 60 năm phát triển, làng nghề đã lan rộng ra nhiều nơi và mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, con gái bà Phạm Thị Nhàn là người dạy nghề cho nhiều người xã khác khi cụ Nhàn qua đời



Nghề may nón là nghề thủ công nhẹ nhàng nhưng phải trải qua nhiếu công đoạn. Từ lấy lá trên rừng tới chẻ nứa, vót vanh, là lá, quay nón, may, tra nhôi… được một cái nón hoàn chỉnh cũng mất nửa ngày. Phải là những người phụ nữ chăm chỉ, khéo léo lắm mới làm được các công việc ấy nhưng nơi đây từ trẻ em đến người già ai ai cũng thành thạo.

Nhà chị Bùi Thị Lương, khu Năm, thôn Phú Xuyên có 5 người thì bốn người biết làm nón. Ngoài chị và người cô ruột hơn 60 tuổi là hai người may chính thì còn có hai đứa con chưa đến chục tuổi mà bàn tay đã thoăn thoắt phụ đỡ. Mỗi ngày gia đình chị làm được 6 cái nón với với giá 50.000/chiếc, trừ kinh phí mỗi tháng cũng thu nhập được khoảng 6.000.000 từ nghề may nón. Chị Lương cho biết: “Hai cháu nhà tôi rất thích phụ giúp may nón, việc học vẫn là chính nhưng chúng yêu nghề tryền thống của quê hương tôi cũng thấy mừng”

Cả 3 thế hệ nhà chị Lương đều tham gia may nón


Nhờ nghề may nón có thu nhập ổn định, nhiều người dân nơi đây đã mua được xe, góp tiền làm được nhà, trẻ em có thể kiếm thêm tiền mua sách vở. Hiện nay, gần 100% các hộ gia đình ở thôn Phú Xuyên đều tham gia nghề may nón lá. Nhiều chị em ở xã Vật Lại, Phú Phương cũng tranh thủ lúc nông nhàn lên Phú Xuyên học nghề về phát triển ở nhiều làng khác trên địa bàn huyện.


Nón lá Phú Xuyên giờ không chỉ là mặt hàng bán lên các tỉnh miền núi nước ta như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn mà còn là mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và Lào. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, đội Tám, thôn Phú Xuyên, một người chuyên thu mua nón lá cho biết: “Mỗi tháng chúng tôi xuất cả vạn cái nón đi Trung Quốc và Lào. Mẫu mã nón đẹp và nhẹ nên được rất nhiều khách hàng ưa chuộng”

Năm 2000, làng Phú Xuyên được Nhà nước công nhận là “làng nghề truyền thống”. Theo đó, năm 2009, Nhà nước đầu tư 100 triệu đồng cho đề án “Tăng cường và phát triển làng nghề”. Cho đến nay, nghề nón truyền thống không chỉ phát triển sâu rộng trong thôn xã mà còn được phổ biến ở nhiều nơi tại huyện Ba Vì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Phú Xuyên thăm làng nón lá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.