60 năm trước, vào hồi 15 giờ chiều ngày 7-5-1945, nước Anh tuyên bố chiến tranh đã hoàn toàn kết thúc. Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng đã ở tư thế sẵn sàng công bố việc đánh bại Đệ tam Quốc xã (chế độ phát xít Đức 1933-1945) tiếp theo sự đầu hàng của một viên tướng Đức ở Pháp. Thực hiện cam kết giữa Anh với các quốc gia đồng minh, Thủ tướng Anh đã trì hoãn việc công bố chiến thắng lại một ngày.
Hồng quân Liên Xô chiếm thủ đô Berlin
Tướng Mỹ Dwight David Eisenhower, Tướng Walter Bedell Smith trợ lý của Eisenhower và Tướng Alfred Jodl, đại diện cho Bộ tư lệnh tối cao Đức đã ký văn kiện đầu hàng hồi 2h41 phút sáng ngày 7-5-1945 tại nhà thờ nằm ở thành phố Reim phía Bắc nước Pháp, dưới sự kiểm soát của quân đồng minh. Đến buổi trưa, bài diễn văn của Thủ tướng Anh đã được soạn thảo xong. Tuy vậy thay vì tuyên bố chiến thắng được phát đi trên kênh BBC vào giữa buổi chiều và trong bản tin cuối ngày lúc 18 giờ là sự im lặng hoàn toàn của các phương tiện thông tin Anh và châu Âu.
Theo hồ sơ của đài BBC, Tướng Mỹ Eisenhower đứng đằng sau sự chậm trễ này. Ông cho rằng Thủ tướng Churchill cần phải đợi cho đến khi Luân Đôn, Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va cùng đồng thời đưa ra tuyên bố hòa bình. Stalin chờ đợi sự xác nhận bại trận của người Đức tại Béc-lin, lúc đó đang nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Hồng quân Liên Xô và các đồng minh của ông cũng buộc phải đợi đến thời điểm đó. Sự trì hoãn này được thực hiện theo các quy định trong Hội nghị Casablanca năm 1943, nhằm loại trừ các quốc gia ký những Hiệp ước đơn lẻ với nước Đức bại trận. Tuy vậy tại Luân Đôn người dân đã tiến hành ăn mừng không chờ cho đến khi có lời tuyên bố chính thức. Dọc tòa nhà Quốc hội, trên một đại lộ rộng lớn chạy dài từ nhà Quốc hội đến Quảng trường Trafalgar, nhiều đám đông người Anh nhảy múa reo hò ngay trên phương tiện đi lại của họ theo dòng xuôi ngược về phía Văn phòng Thủ tướng trên phố Downing. Ngay gần kề rạp xiếc Piccadilly, hàng ngàn người đổ về quảng trường, họ nhảy múa, vẫy cờ và ca vang bài quốc ca của Anh “God save the King” hô vang những khẩu hiệu ca ngợi chiến công chung của Liên Xô và đồng minh !. Một ngày sau đó, các tờ báo của Anh chính thức công bố ngày lễ trọng đại mới của nước Anh và của tất cả các quốc gia tham chiến ở châu Âu và thế giới.
Tờ Nhật báo Herald cũng đăng dòng chữ “Xin chào buổi sáng ! Đây là ngày chiến thắng phát xít, châu Âu hòa bình, nước Đức đã thất bại”. Tờ Times đăng “Ngày chiến thắng phát xít chính thức được công bố hôm nay” và các nhật báo khác của châu Âu đăng dòng chữ đầy khát khao: “Chiến thắng phát xít, trên khắp thế giới”. Các báo hàng ngày cũng đăng sự kiện tuyên bố ký văn kiện đầu hàng của Tướng Đức Jodl. Thủ tướng Churchill đã xuất hiện trước toàn quốc muộn hơn 24 giờ so với dự kiến, phát biểu ngay tại phố Dowing, nơi 6 năm trước người tiền nhiệm của ông Neville Chamberlain tuyên bố nước Anh lâm chiến với nước Đức vào ngày 3-9-1939. Sau khi phát sóng bài phát biểu của Thủ tướng Anh, Churchill đã bước ra ban công của tòa nhà chính phủ trước đám đông nói: “Đây là chiến thắng của tất cả các bạn”, “Chúa sẽ phù hộ cho tất cả chúng ta”.
60 năm sau, hơn 50 nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới đã tới Nga để tham dự lễ kỷ niệm đánh dấu 60 năm chiến thắng phát xít Đức. Hành động này là biểu hiện sự thừa nhận những chiến công hiển hách của Liên Xô trước đây trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức. Trong hơn 50 nhân vật đứng đầu các quốc gia thế giới này có Tổng thống Mỹ George W.Bush, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo từ Anh, Pháp và Đức... Khoảng 20.000 cảnh sát sẽ được huy động trên các tuyến phố của thủ đô Mát-xcơ-va, khoảng 2.000 quân thuộc đội đặc nhiệm Bộ Nội vụ cũng sẽ được triệu tập. Một số lượng lớn nhân viên an ninh FBI cũng được huy động để bảo vệ sự kiện này. Vào ngày tổ chức lễ kỷ niệm, 9-5, tất cả những thường dân, lái xe và dân chúng đi các phương tiện công cộng không được phép vào trung tâm thành phố vì những loại phương tiện như xe điện ngầm có thể sẽ là mục tiêu đánh bom liều chết của các thành phần khủng bố đã xảy ra nhiều lần trong vài năm gần đây. Chỉ những người có thẻ đặc biệt bao gồm 6.000 nhà báo sẽ được tham dự. Quảng trường Đỏ cũng giới hạn số lượng những người tham gia khoảng 8.000 người. Các nhà chức trách cũng lo lắng về mối đe dọa tấn công khủng bố đặc biệt kể từ khi Bộ trưởng An ninh Nga cho biết các cơ quan an ninh đã thu thập được những thông tin tình báo cụ thể về kế hoạch tấn công khủng bố. Những thông tin tình báo thu thập được cho biết bọn tấn công khủng bố như Shamil Basayev đã lên kế hoạch tấn công vào Mát-xcơ-va.
Phó ban tổ chức Vladimir Kozhin, đồng thời là quan chức cấp cao trong Điện Krem-li yêu cầu lên kế hoạch đề phòng. Tất cả những biện pháp cần thiết sẽ được triển khai tại tất cả các sân bay và đoàn xe hộ tống các nhân vật cấp cao gồm Tổng thống Mỹ George W.Bush, Tổng thống Pháp Jacques Chirac và Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.