Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẻ đẹp của buổi sáng cuộc đời

Hải Giang| 06/03/2015 07:10

(HNM) - Lần đầu tiên Nguyễn Nhật Ánh ra mắt tác phẩm mới của mình bắt đầu ở Hà Nội với truyện dài

Nếu gói lại toàn bộ diễn biến cốt truyện "Bảy bước tới mùa hè" thì có lẽ những con chữ không làm đầy một vốc tay. Nhưng lạ là những lan man quanh nhóm bạn lớp 8, lớp 10 gặp lại nhau trong kỳ nghỉ hè hơn 2 tháng ấy thật sự đã trải gần 300 trang sách một cách vừa xúc động, vừa hài hước và đầy những xốn xang.



Khoa từ thị trấn về nghỉ hè ở quê ngoại. Nó gặp lại đám bạn cũ là Mừng (mồ côi cha mẹ phải nghỉ học) rồi Ninh, Bông, nhỏ Đào... và đặc biệt là nhỏ Trang - con bé hàng xóm chuyên bị Khoa bắt nạt. Thế nhưng, lạ là mùa hè năm nay đã không diễn ra như những mùa hè trước mà có điều gì đó thật mới mẻ tràn ngập trong lòng Khoa và cả Mừng... Khổ sở bày tỏ nỗi lòng với nhỏ Trang và nhỏ Đào, Khoa và Mừng đã bày ra không biết bao nhiêu trò bi hài mà chỉ có tuổi mới lớn mới nghĩ ra được...

Có thể nói "Bảy bước tới mùa hè" viết về những rung động đầu đời của tuổi "nhất quỷ, nhì ma". Cái tuổi vừa mới đây thôi còn hùng dũng với triết lý "con trai chơi với con trai" đến một ngày khi gặp nhỏ hàng xóm mà mình hay cốc đầu bỗng "giật thót một cái và hấp tấp quay mặt đi chỗ khác". Nhà văn viết cho thiếu nhi nổi tiếng của Nga R.Phraerman trong tác phẩm "Chó hoang Dingo hay câu chuyện về mối tình đầu" cũng đã khắc họa những biến đổi kỳ diệu về thứ tình cảm có một không hai ấy. Và ông từng nói: "Tôi cũng như nhiều nhà văn khác từ lâu bị hấp dẫn bởi thứ tình cảm nảy nở vào "Buổi sáng của cuộc đời" kia…".

Quả thật, tuổi dậy thì là tuổi khó khăn nhất trong cuộc đời. Phải hiểu làm sao cho cái nỗi buồn của tuổi mới lớn, như anh chàng Khoa trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh nói thì "nó lớn đến mức rơi binh một tiếng" và "nhận ra khi buồn thật buồn, con người ta buồn đến từng sợi tóc. Tóc cũng biết buồn, lạ ghê!". Dù lớn lên ở thành phố hay ở nông thôn, ở đồng bằng hay ở miền núi, mỗi chúng ta chắc hẳn đều trải qua khoảnh khắc của buổi sáng cuộc đời đầy rung cảm ấy. Có thể vì thế mà văn Nguyễn Nhật Ánh liên tục cuốn hút người đọc chăng?

Tuy nhiên, "Bảy bước tới mùa hè" không chỉ có ba cái chuyện của "thích qua thích lại" của tuổi ương ương, trong đó còn hàm chứa những thông điệp ý nghĩa khác về tình người - sự chân thành sẻ chia và yêu thương là gốc rễ cho tình yêu nảy nở. Chính tình yêu sẽ là thứ làm cho người hung dữ trở nên dịu dàng, nhân hậu, bao dung. Dì Liên hay cằn nhằn của Khoa và thầy Tám hay "thượng cẳng tay hạ cẳng chân" cuối cùng nên duyên với nhau là một chi tiết bất ngờ, thú vị mang thông điệp tình yêu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Văn học viết về thiếu nhi khó nhất là không gượng ép, với trẻ thì dường như phải đủ sức để làm bạn chúng trước khi muốn "giáo dục" chúng. Và với độc giả trưởng thành thì xem ra cũng không thể "giả vờ hồn nhiên". "Bảy bước tới mùa hè" có nhiều mẩu đối thoại khiến ta bật cười khi gặp lại tuổi thơ ta trong đó. Và lại cũng có nhiều trang văn muốn cay cay sống mũi. Có thể nói, qua "Bảy bước tới mùa hè", một lần nữa chúng ta mừng khi có một Nguyễn Nhật Ánh khiến độc giả trẻ đến từ sáng sớm tinh mơ để xếp hàng mua sách. Nhưng cũng đòi hỏi cần có một nền văn học cho thiếu nhi và viết về thiếu nhi được bạn đọc chờ đón những hàng dài. Mà tấm lòng và văn tài nước ta hình như không phải là quá hiếm?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp của buổi sáng cuộc đời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.