(HNM) - Múa rối nước Bình Phú, huyện Thạch Thất - một sáng tạo độc đáo có từ lâu đời, từng là nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân nhưng lại đang bị mai một ngay tại nơi nó sinh ra.
Ao Đình, xã Bình Phú bị lấn chiếm và ô nhiễm môi trường. |
Các cụ xã Bình Phú kể lại, nghệ thuật múa rối nước ở đây được truyền lại từ thời Lý, phản ánh cuộc sống sinh hoạt, lao động và mong ước một cuộc sống no đủ, thanh bình của người dân. Từ xưa, cứ ngày mồng năm đến mồng bảy tháng ba, để tưởng nhớ Thủy tổ (tương truyền, mồng bảy là ngày Từ Đạo Hạnh - vị Thủy tổ nghề - hóa Phật), dân làng Bình Phú lại tổ chức biểu diễn rối nước. Thời gian trôi đi, rối nước truyền thống Bình Phú tồn tại, sống cùng với con người nơi đây qua các thế hệ và nhận được sự ngưỡng mộ, trở thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo của Hà Nội.
Phó Trưởng thôn Phú Hòa, xã Bình Phú, Nguyễn Văn Tước cho biết, rối nước ở đây thường được biểu diễn vào ngày xuân, trong các lễ hội hoặc sự kiện lớn của đất nước, của địa phương. Thông qua các câu chuyện được nghệ sỹ phường rối thể hiện, người xem cảm nhận được sắc thái của hội làng, nơi gửi gắm mọi khát vọng trần thế, những ước mơ bình dị cho cuộc sống. Giữa thiên nhiên thơ mộng, khán giả được chiêm ngưỡng loại hình nghệ thuật mà trong đó có đất, nước, cây xanh, mây gió, lửa, khói vương tỏa, có cả mái đình với những hàng ngói đỏ... thật gần gũi.
Thế nhưng giống nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo ở một số làng quê của Hà Nội, số phận rối nước Bình Phú cũng long đong. Ông Nguyễn Bá Chỉnh, cán bộ văn hóa xã Bình Phú cho biết, phường rối của địa phương từng tham gia biểu diễn chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sang cả Đài Loan (Trung Quốc), Italia biểu diễn và được mến mộ, đón nhận nhiệt tình, nhưng số buổi biểu diễn mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những thời điểm, rối nước Bình Phú tưởng chừng "chết hẳn" do không có nguồn thu để tổ chức biểu diễn. Nỗi lo về sự mai một của nghệ thuật này đè nặng lên đôi vai già yếu của một số nghệ nhân tâm huyết. Bằng sự đam mê, ước vọng bảo tồn giá trị văn hóa của cha ông, họ đã cố gắng để môn nghệ thuật này sống được trong lòng người dân. Nhiều buổi lưu diễn, mặc dù giá rét, các cụ Nguyễn Hữu Đương, Nguyễn Hữu Đoàn, Nguyễn Hữu Bình, tuổi đã cao vẫn không quản ngại, nhiệt tình biểu diễn. Cụ Nguyễn Hải, thôn Hòa Phú cho hay, khi diễn, thấy người xem reo hò tán thưởng, các cụ thấy khỏe ra, cho dù có những buổi lưu diễn, sau khi trừ hết chi phí, thù lao chỉ đủ đi đường. Thế nhưng, chỉ tâm huyết của những người làm nghề thôi chưa đủ. Hiện tại, ao Đình - nơi biểu diễn rối nước của địa phương, đang bị lấn chiếm trái phép nghiêm trọng (kể cả xây nhà ở), phá vỡ cảnh quan kiến trúc, gây ô nhiễm môi trường song chưa được chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm. Chúng tôi cũng được biết, vì không tìm được đội ngũ kế cận và thiếu sự quan tâm của các ngành chức năng, phường rối Bình Phú hiện đang lâm vào ngõ cụt.
Không lẽ ở nơi có nghề cổ truyền, có đủ điều kiện tổ chức mà việc thường xuyên được thấy những chú Tễu ngộ nghĩnh, vui nhộn xuất hiện mở màn buổi biểu diễn rối nước mỗi khi tết đến xuân về của người dân Bình Phú lại chỉ là mong ước?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.