Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vào cuộc với trách nhiệm cao nhất

Đỗ Quỳnh Chi| 18/12/2022 06:13

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thống nhất thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3-1 đến hết 15-3-2023. Mục đích là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi đạo luật quan trọng này.

Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trung ương: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan nhà nước ở địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu cũng là đối tượng được lấy ý kiến sắp tới.

Qua thảo luận tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và một số diễn đàn, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn những nội dung cần được nghiên cứu làm rõ. Đó là các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại; nguyên tắc “bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất; quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh. Đó còn là việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm; nguyên tắc và phương pháp định giá đất...

Thời gian để Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) không còn nhiều (dự kiến là tháng 10-2023). Vì thế, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp cần khẩn trương thống nhất các nội dung đã được góp ý tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV để xây dựng kế hoạch, tổ chức lấy ý kiến nhân dân. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cùng cấp định hình trước kế hoạch lấy ý kiến nhân dân tại địa phương. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các nhà khoa học, quản lý chuyên ngành, cơ quan nghiên cứu để có thể đánh giá được tác động của Luật Đất đai với những vấn đề liên quan đến số đông cũng như chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao… Vì thế, đợt lấy ý kiến sắp tới cần trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, nhằm xây dựng được đạo luật tốt nhất, khả thi nhất. Với yêu cầu đó thì công việc chuẩn bị từ bây giờ phải khẩn trương, bằng trách nhiệm cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vào cuộc với trách nhiệm cao nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.