(HNM) - Bản tin thời sự 19h00 ngày 23-12 của Truyền hình Trung ương đưa tin: Một số doanh nghiệp, ngân hàng kinh doanh vàng miếng đang đứng trước một thử thách lớn, chưa tìm ra lối thoát khả dĩ cho những thiết bị, công nghệ đúc vàng miếng hiện đại, nhập từ nước ngoài, mỗi dây chuyền nhiều tỷ đồng,
Nghe giãi bày về tình cảnh khốn khó của những người đúc vàng, chẳng hiểu sao tôi bỗng nhớ tới câu chuyện với đứa cháu gái ở quê lúc trưa qua điện thoại. Số là nó biết tôi có uống rượu, lại yêu nó, nên nó, lần đầu tiên, hỏi tôi cần rượu không? Loanh quanh một hồi thì ra mẹ nó nấu rượu nên nó marketing. Vừa tốt nghiệp đại học, chưa có việc, ăn bám mẹ ngượng nên nó nhớ ngay ra chú…
Thương nó, nhưng vốn dân "cá gỗ" nên tôi không khách khí:
- Nếu giá một lít, kể cả vận chuyển từ trong nớ ra, quá bốn chục thì không được.
Nó mừng quýnh:
- Trước thì 45 nghìn một lít, giờ chỉ 30 nghìn thui. Còn vận chuyển chắc một can hai chục lít chỉ mấy chục.
Những người đúc vàng khốn khó vì mất việc, mất nguồn thu nhập thường xuyên để nuôi gia đình. Khốn khó hơn là họ xưa nay chỉ biết mỗi đúc vàng, công việc không phổ biến lắm trong xã hội, nay biết làm gì để sống. Mấy nghìn người suốt 6 - 7 năm trời sống bằng nghề đó, giờ tính sao? Thách thức với các doanh nghiệp đúc vàng còn lớn hơn - lo cho người thất nghiệp đã vất vả, lo bảo quản, bảo dưỡng số thiết bị, dây chuyền trị giá hàng tỷ đồng (của Agribank rẻ nhất đâu 5 tỷ, còn những nơi khác cả chục), không khéo bán đồng nát chẳng đắt. Đúng là khổ thân, tiền mất tật mang; đã bị mẩn ngứa còn phải ôm rơm.
Cháu tôi vừa kể vừa cười: Chú biết không, cả làng, cả xã giờ nấu rượu, chẳng biết ai bán cho ai. Thì lúa gạo xuống giá quá, bán cũng dở, để không xong, đành nấu rượu.
Thế đấy, mấy nghìn người đúc vàng, "đóng góp" suốt 6 - 7 năm giờ mới khó chút đã kêu lên tận trời, lại được tiếp sóng phủ khắp nước, những đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành giúp đỡ để người có việc, thiết bị không bị bỏ phí. Còn mấy chục triệu nông dân, hàng nghìn năm chỉ biết có cuốc cày, được mùa cũng khổ, mất mùa càng khổ hơn, mà biết kêu vào đâu, mấy ai kêu hộ nhanh thế không? Hay họ phải tự tìm ra cách để vượt qua thách thức, tự cứu mình, dù không phải là cách tốt nhất. Biết đến khi nào những người đúc vàng, mới dám tự cứu mình, không còn kêu gào Nhà nước? Chỉ có vậy họ mới thôi làm những chuyện ăn xổi, mới thôi nhập những "thiết bị, dây chuyền hiện đại" trị giá nhiều tỷ đồng mà qua hình ảnh trên TV thì đúng là những bếp điện may xo, những máy đúc vàng trông thô sơ, nhếch nhác, bẩn thỉu không khác gì cái cối xay thịt ngoài chợ. Chỉ có vậy thì Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (và những ngân hàng khác có nhiệm vụ tương tự) mới thôi chạy theo vàng miếng lợi mình mà thực hiện đúng trách nhiệm ban đầu của họ là lo cho nông thôn, nông dân nước ta thực sự phát triển, để nông sản chính của nước ta là hạt gạo thực sự trở thành vựa vàng no ấm chứ không phải là những hũ chìm bất đắc dĩ mà nông dân buộc phải làm để tự cứu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.