Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vân vi hậu trường

Hoàng Định| 06/10/2013 05:57

(HNM) - Giải chạy Báo Hànộimới ra đời năm 1974, trong một tình huống khá

Ông Trịnh My mảnh người nhưng khỏe mạnh, lịch lãm, đến những nơi "cao vời" khó tiếp xúc như các đội bóng đá Thể Công, Trường Huấn luyện, Công an Hà Nội, Đường sắt… hay cơ sở huấn luyện bên thể thao người ta đều trọng thị. Không hiểu sao ấn tượng của tôi về phóng viên của các tờ Thời mới, Thủ đô Hà Nội - tiền thân của Hànộimới hiện nay - như các ông Trương Uyên, Hoàng Giáp, Nguyễn Đức Mưu… đều rất đáng nể: Tri thức quảng bá, đàng hoàng, sành sỏi; rơi rớt lại từ thuở báo chí còn là "quyền lực thứ tư" chăng?



Ông Nguyễn Đắc Thọ - Giám đốc Sở Thể dục thể thao hồi đó kể trong một lúc ngồi làm việc hay chuyện gẫu gì đó với ông Trịnh My, có một câu "rơi" ra: "Sao chúng ta không làm một cái giải riêng, cho những người bình thường, vẫn tập luyện hằng ngày nhỉ…". Cái ý tưởng ở dạng nghi vấn ấy ai nói, chưa biết, lập tức được cả hai bên "túm" lấy, phát triển lên, đẩy thành hành động cụ thể, để đến bây giờ đã thành hoạt động hằng năm không thể thiếu ở quy mô thành phố, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Có thể hình dung phóng viên thể thao Hànộimới về báo cáo Ban biên tập, rằng giải nâng cao không thiếu gì nhưng là của những anh được nuôi ăn tập, giờ lập ra sân chơi riêng cho những "gà nhà", "gà phố" nó có sức hấp dẫn khác, sát sạt "ứng" vào lời khuyên quốc dân đồng bào tập thể dục của Cụ Hồ. Và bên kia, phía Sở Thể thao, là cơ hội đẩy mạnh phong trào rèn luyện ở hang cùng ngõ hẻm cho ai ai vô danh, được cơ quan tuyên truyền của thành phố đứng tên ắt có tiếng vang.

Đất nước chưa thống nhất nhưng đã qua đận binh lửa. Hiệp định Paris ký bảo đảm một sự an ổn nào đó trong cuộc sống. Hàng họ ít, thực phẩm, dinh dưỡng vẫn hiếm hoi theo tem phiếu, nhưng người ta đã tập trở lại. Chạy chân trần, vận quần cộc "săng may ô" (vì "Một yêu anh có may ô"), xỏ đôi ba ta Thượng Đình mỏng dính đã là sang, cứ thế đã có thể xóm nọ đua với xóm kia. Thể dục quay lại với người bình thường như một tín hiệu của ổn định, bình thời. Vào cữ năm 1974, báo chí chưa có nguồn thu quảng cáo mạnh mẽ như bây giờ mà đã chung tay chung sức cổ động cho mục đích nâng cao sức khỏe nhân dân là rất đáng quý. Sở Thể dục thể thao cử Phòng thể thao quần chúng (thường gọi là phòng Phong trào) đứng ra "làm cái", bình thường đốc thúc các quận, huyện tiến hành theo kế hoạch, đến kỳ chung kết cấp thành phố, đầu tháng mười hằng năm "thỉnh" Bộ môn Điền kinh bên phòng Nâng cao vào làm chuyên môn. Sau này ông Nguyễn Đắc Thọ nghỉ, giám đốc mới là Hoàng Vĩnh Giang cũng "lò" điền kinh, theo phong trào càng sát.
* *
*
Tôi về Hànộimới năm 1981, tức là giải sang kỳ thứ tám. Ông Nguyễn Văn Thụy (Hoàng Tuấn) một tay kiêm cả thể thao, công trình công cộng, y tế, làm không hết việc. Từ tháng sáu, bảy đến tháng chín là lúc phải đi cùng phòng Phong trào bên Sở Thể thao kiểm tra cơ sở, dự giải cấp quận, huyện. Vào loại trẻ, "chỉ" theo dõi giáo dục, tôi được sếp lùa luôn vào những cuộc ấy. Còn một lý do "phải" cười lăn ra: ông Thụy ngần ấy năm làm báo "ăn mòn bát thiên hạ" mà cứ bước lên xe là ngất ngư, bao nhiêu hoạt bát "đi sơ tán" cả. Lãnh đạo phòng Phong trào là các ông Hải "công gô" (to khỏe, một bàn tay cầm được quả bóng đá), Dũng, Trịnh Hiển, khi đến một xí nghiệp, nông trường hay đơn vị công an, bộ đội, thường dõng dạc biểu dương tinh thần rèn luyện, mong các đồng chí cố gắng tập theo gương Bác Hồ vĩ đại. Phần mình, ấp úng, tôi cố trốn nói năng (dù mang tư cách đại diện cơ quan chủ giải), nhưng nhiều vụ không thoát được, phải ra bắt tay, trao cờ cho vận động viên. Có một cái được trong những chuyến đi là biết nhiều nơi nhiều chỗ khó vào, tỷ như Trại giam Xuân Phương, Đài phát thanh Đông Dương. Và cũng có lộc, như quả bưởi đỏ Ba Trại, cặp gà công nghiệp xí nghiệp Phúc Thịnh… được vợ yêu lắm lắm. Nhưng đến cái áo phông màu cánh sen thì không diện được, ai biết bây giờ nó lại đang là mốt.

Ông Thụy về hưu, tôi càng phải đi khỏe. Nhiều bận nhăn nhó đây là việc chung của báo chứ không phải chỉ của Ban Văn hóa xã hội, các ban khác nên cắt người đi nữa kẻo giải mang tên cơ quan mà không có người dự nó không phải nhẽ. Nhưng Ban biên tập nhất định không "thủng". Việc chỉ dãn ra khi kéo ông Huy Giang về làm phóng viên thể thao.
* *
*
Giải có thâm niên sâu, phát triển ra, càng nhiều việc. Một trong những chuyện lo to nhất là chạy kinh phí thưởng cho cuộc thi chung kết cấp thành phố. Từ cơ cấu cho học sinh phổ thông, giải thêm nội dung cho các đại học, cao đẳng. Phần "người lớn", ngoài người lao động, lực lượng vũ trang (thường nằm trong đội hình quận, huyện) nhiều năm "đẻ" tiếp phần nâng cao, mời đội tuyển tỉnh này thành kia dự. Phải nói là "oách" chứ, mô hình Hànộimới đã được nhiều báo địa phương học theo. Nhưng méo mặt. Giá trị giải năm sau không thể kém năm trước, mà chạy tài trợ hay rút từ quảng cáo sang đâu có sẵn. Nhiều hôm sát ngày thi chưa có dự trù thưởng. Thế mà cuối cùng đâu vẫn vào đấy được. Ai mà ngờ được những năm sau này báo có cả một ban thường trực lo, gọi tài lực rất "đắt". Tôi nhớ có kỳ Ban biên tập đau đầu, vài doanh nghiệp nhảy vào nhưng đều muốn "tài trợ độc quyền" hay "tài trợ chính" gì đấy, phải phân xử, chọn lựa không dễ.

Sang chuyện tuyên truyền. Năm nào cũng họp báo mời đồng nghiệp. Nhưng phận mình "phong trào", giải không "sao", nói vài câu hết chuyện. Ông Yên Thao - Trưởng ban Văn xã, rất hóm, đứng dậy đề nghị thi chạy giật lùi, vận động viên cầm gương xe máy tránh va vào nhau. Ông Hoàng Tuấn đáp: "Ông này là sếp vo tròn bóp bẹp thế nào tôi phải chịu, nhưng thi nội dung này nhất định không thực hiện được". Được cái mình là anh cầm cái, có gì đồng nghiệp dễ thể tất. Như Báo Thể thao - Văn hóa năm nọ chỉ in ảnh đánh đích anh Ngọc Trường (đã quá cố) chụp ảnh với chú thích khiêm tốn "Người về sau lại được giải nhất". Tất nhiên giải năm đó được "điều chỉnh" theo ảnh.

Trước ngày thi chung kết thành phố, cơ quan đã phải tề tựu cờ cúp, phần thưởng, để sáng hôm sau mang sang vườn Lý Thái Tổ sớm. Lời khai mạc thường do phóng viên thể thao soạn, nộp trước để thông qua. Tổng biên tập Hồng Lĩnh có lần quên, may còn bản khác, chạy Vespa về cơ quan lấy kịp. Có năm Hànộimới kết hợp với nhà in làm một đội "dẹp đám", anh Phan Tường cao lớn "đẹp trai ngời ngời" cầm cờ chạy đầu. Năm khác mời hẳn phóng viên thể thao các báo làm một đội đình đám ra phết.

Về chuyên môn, tôi không nhớ được nhiều, vì do Bộ môn Điền kinh bên Sở Thể thao lo. Khi đi kiểm tra trường học, thấy các em không tập đã thi, hoặc chạy hưởng ứng trong ngày chung kết nó hình thức lắm, những ý kiến kiểu ấy thường đưa ra rồi bỏ. Chỉ biết việc phức tạp nhất là tính thành tích đồng đội. Ai bỏ cuộc, quận, huyện nào có người nhất nhì nhưng lại cả về bét, không tính chính xác thì tổng hợp lại thế nào cũng bị kiện. Bản thân tôi viết mẩu "Đem trâu thi với nghé" nói chuyện huyện nọ cử vận động viên đang ăn lương thành phố vào đội mình, bị ông trưởng phòng thể thao huyện dằn hắt mãi. Bộ phận chuyên môn bên kia có em Hằng nhảy cao vừa xinh vừa "chân dài đến nách", là một tiêu điểm cho phóng viên ảnh "tác nghiệp" giữa hai đợt chạy. Trọng tài thường về muộn do cứ phải so đọ. Quan khách, các bộ phận khác về khách sạn Phú Gia, đã thưởng thức xong tiêu chuẩn là đĩa phở xào và cốc bia hơi, ngất ngư ra về rồi mà giải vẫn chưa quyết định được để chiều công bố. Nhiều hôm bên báo không đợi được (còn bao nhiêu tin, bài cho hôm sau cơ mà), đành gửi lại khách sạn, các anh chị chấm xong sang ăn. Kể cũng vất. Nhưng được cái vui, vui nữa là thời tiết sang thu đẹp hẳn, cơ quan ngay Bờ Hồ mà mình tản bộ còn ngẩn ngơ.
* *
*
Giờ thì Giải chạy Báo Hànộimới đã sang tuổi tráng niên. Bộ máy đã tinh thục, nội dung phong phú, nguồn tài lực tổ chức dồi dào. Những lập cập, nghèo túng của thưở ban đầu có lẽ đã hết hoặc ít hẳn. Nhắc lại cái thời ấy, những tên tuổi khai sinh giải, thật đáng mừng cho quy mô hôm nay. Họ, dù không còn hay đang sang đoạn nhi tính thứ hai của đời người, đã để lại cho những người "vô danh" tập luyện hằng ngày một sân chơi có thể gọi là xứng đáng, tất nhiên không thể đình đám như Giải bóng bàn Hànộimới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vân vi hậu trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.