“Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ và đứng dậy...”, đôi câu thơ của nhà văn Phùng Quán dường như cũng đúng với Bùi Thanh Hà, tác giả của các tập thơ “Trái tim biết hát” (NXB Văn học, 2018), “Người đàn bà gánh mùa thu trên vai” (NXB Văn học, 2018), “Những đóa hoa khẽ hương” (NXB Phụ nữ, 2024) và tập bút ký - tản văn “Dòng sông khao khát” (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Nữ nhà thơ từng chia sẻ: “Văn thơ luôn tiếp thêm cho tôi sức mạnh. Tôi viết như một cách thiền để cân bằng thực tại chưa được như ý, giúp tôi mỉm cười trước mọi nghịch cảnh mà bước tiếp...". Tập thơ “Những đóa hoa khẽ hương” gồm 122 thi phẩm được chị viết trong những ngày sát cánh cùng người bạn đời yêu dấu đang phải từng phút từng giây chống chọi lại cơn bệnh hiểm nghèo tái phát dồn dập.
Dường như, trước lằn ranh tử sinh, người ta càng thấy những khoảnh khắc của cuộc sống vô cùng quý giá. Bùi Thanh Hà cũng vậy, trước cơn bệnh của chồng, chị càng ý thức, càng nâng niu trân trọng những tháng ngày hiện tại lẫn những kỷ niệm quá khứ. Ghi dấu từng nơi chốn đã đi qua, nhớ lại từng cảnh sắc đã cùng nhau trên mọi nẻo đường, tri ân tình cảm mẹ cha, vợ chồng, bè bạn,... chị chỉ muốn mượn thơ để tỏ bày. Trong “Những đóa hoa khẽ hương” chị đã đưa vào rất nhiều bóng dáng kỷ niệm, mang đầy hình ảnh, thanh âm, xúc cảm: "Không gặp anh chỉ thấy cội bồ đề nghiêng mắt lá/ Hàng vạn nụ cười nguyên trinh khói trầm thơm lan tỏa/ Hương trầm mềm ngọn gió/ Giọt buồn lăn trên mi/ Tiếng tim thì thầm buốt nhói gọi người đi" ("Em đến nghĩa trang Trường Sơn").
Sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thương (Bắc Giang) nhưng bao năm nay gắn bó với Hà Nội, nên những gì thuộc về Hà Nội luôn ngự trị trong tim của người con gái làm thơ. Chị viết về Hà Nội với những câu thơ đằm thắm, nhẹ nhàng, đúng như tính cách con người chị - một người phụ nữ đoan trang, tinh tế, như: "Bầu trời xanh mắt ngọc/ Nắng đậu lung linh cầu Thê Húc/ Gió thơm mái phố lúc chiều buông"; hay: "Hương sen cũ vẫn ủ thơm lòng gió/ Có tiếng cười lạc trong cây cỏ/ Tiếng thơ gieo chầm chậm tiễn hoàng hôn". Chị luôn tự hào về mảnh đất Thăng Long hào hùng tự ngàn xưa: "Em có nghe gió thời gian thầm thì kể chuyện/ Rồng đá bay lên cùng mây trời quấn quyện/ Tiếng lịch sử âm vang từ lòng đất ấm chân người/ Bao triều đại đi qua gió thổi mây trôi/ Chỉ còn lại lòng dân sống mãi với đất trời sông núi".
Tôi đặc biệt thích dòng thơ viết về hai đấng sinh thành của chị với những lời yêu kính chân thành: "Nếu ai hỏi về tình yêu/ Con sẽ chỉ vào cha mẹ/ Hai mái tóc ngắn dài quện nhau khe khẽ kể màu mây...". Ngày cha khuất núi, chị xa xót nhìn mẹ, thấu hiểu nỗi đau nghẹn ngào: "Ngày ba bữa mẹ khóc, cười nói chuyện cùng di ảnh/ Mẹ mở những trang thư mỏng mảnh, cánh bồ câu bay lên/ Dường như cha vẫn ở bên lắng nghe lời mẹ hát/ Lắng nghe những trang văn dịu dàng mẹ đọc/ Những bông bưởi trắng ngần ngọt ngào chợt tỏa ngát hương”!
Có cấu tứ chắt lọc, ý thơ cô đọng và biểu đạt nội tâm sâu sắc, “Những đóa hoa khẽ hương” của Bùi Thanh Hà thể hiện một cốt cách thơ rất riêng. Cốt cách dịu dàng, tinh tế của người phụ nữ mềm mại nhưng khi đối diện những thử thách trong cuộc sống vẫn mạnh mẽ, tự tin, lạc quan. Để rồi vẫn tha thiết với cuộc đời, với thơ ca “Ôm hương gió trời thầm lặng ngỏ lời thương”.
Nhà thơ Bùi Thanh Hà tên thật là Bùi Thị Thanh Hà, sinh năm 1962, tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện chị là giảng viên đại học, sống và làm việc tại Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.