Văn nghệ

Hạnh Mai và tình yêu không tuổi

Đặng Huy Giang 24/04/2025 - 06:07

Nhà thơ Hạnh Mai từng xuất bản các tập thơ “Đám mây bay qua”, “Điều bất chợt”, “Lời thầm” và “Tình yêu không tuổi” - chuyên đề thơ tình yêu.

Ngay từ bài thơ đầu tiên, bản lai diện mục của “Tình yêu không tuổi” đã hiện ra thông qua bốn câu thơ đầy chất tự sự: “Không trẻ nữa nhưng tình yêu không tuổi/ Bạc tóc rồi còn dỗi hờn nhau/ Không trẻ nữa nhưng tình yêu nông nổi/ Trăm năm rồi vẫn sợ mất nhau...”.

Đọc những câu thơ này, càng thấy rõ: Bản chất tình yêu, về cơ bản, là không chia sẻ, không thay đổi mấy theo thời gian, và nói theo cách Hạnh Mai đấy là “Nỗi niềm dâng như sóng xô bờ”. Bài thơ là điểm nhấn của tập thơ và không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại chọn để đặt tên cho cả tập thơ.

Sau “Tình yêu không tuổi”, đến “Tình heo may” thì tình yêu được chuyển hướng sang “tình nhớ” hoặc “nhớ tình”. Bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi: “Lâu rồi không gặp/ Mình nhớ ta chăng?”, rồi “giữa mênh mông đời” trong tình cảnh: “Chiều nay quán cóc/ Ta ngồi cô độc” đến nỗi “Buồn vui đáy cốc/ Ta ngồi nhâm nhi”, bất giác có một liên tưởng lạ mang chất tương tác, tương sinh thật thú vị: “Mình như cơn gió/ Lang thang bên trời/ Ta thành giọt nước/ Theo mình bay hơi”.

Trong tập thơ, Hạnh Mai còn có hai liên tưởng lạ nữa. Đấy là “Giữ diều” và “Nến”. Đây là hai trải nghiệm của Hạnh Mai. Nếu “Giữ diều” hay ở chi tiết: “Bứt dây diều ở trên mây/ Ta ngồi dưới đất cầm dây... giữ diều”, thì “Nến” lại hay ở tổng thể. Chất liệu làm nên một cây nến gồm nến và một sợi dây trong thân nến, có đủ hai yếu tố ấy thì mới làm nên cây nến. “Nếu em là cây nến thơm” thì anh là “sợi chỉ mòn bên trong”, và khi “Lửa tình phút chốc cháy bùng/ Hai ta tan chảy đến không còn gì”. Từ còn gì đến không còn gì, tưởng là hết nhưng lại không hết. Bởi đến lúc không còn gì mới là lúc lửa tình cháy bùng, mà cái hay nhất của lửa là hủy diệt mà cũng là sáng tạo, sinh theo cách diệt, diệt để mà sinh, như quan niệm của Nietzsche - triết gia người Đức.

Ở thể loại lục bát Hạnh Mai có những đơn vị thơ đáng nhớ: “Đôi khi bỏ máy lặng thinh/ Để còn nghe tiếng lòng mình đổ chuông”, “Người đi vui chốn phù vân/ Ta phong gói những mùa xuân đợi người”, “Người gieo một chút thờ ơ/ Mà trong ta chết một bờ yêu thương”, “Một mình ăn cũng cô đơn/ Lệch đôi đũa gắp miếng buồn lên nhai”...

Trong bài thơ “Trước cửa tòa”, Hạnh Mai có hai câu lục bát thật thấm thía, cũng thật thân phận khi nói về duyên tình buộc phải dứt bỏ: “Duyên tình là thứ phù vân/ Giữ làm chỉ mãi cái phần không nhau”. Trong “Ru anh”, chỉ bằng hai câu lục bát thôi, Hạnh Mai đã diễn tả được sự hết lòng, sự tận hiến cho tình yêu, vì tình yêu thật ấn tượng bằng một cách nói cũng ấn tượng không kém: “Em ru nước chảy bèo trôi/ Dẫu cho mắc cạn vẫn đôi chúng mình”. Trong “Cơn giông trái mùa”, tình cảm vợ chồng như vẫn được giữ gìn một cách cố hữu, dẫu có giận hờn nhau thì lòng vị tha vẫn lớn lao hơn tất cả: “Thế rồi sống mũi cay cay/ Nhặt lên chén nước... rót đầy hơn xưa”.

Nên nhớ đối với người làm thơ, thơ lục bát dễ làm nhưng khó hay, việc quá lệ thuộc vào hình thức, vào vần điệu, nhiều khi xa rời ý tưởng mà nội dung theo đuổi. Những vần thơ lục bát kể trên cho thấy làm thơ lục bát là sở trường, hợp với điệu tâm hồn và tạng người của Hạnh Mai.

Thơ trong “Tình yêu không tuổi” là thơ của một người đàn bà có đời sống và có cá tính mạnh. Có lúc, chị có khát vọng rất lạ: “Kiếp này làm vợ hiền ngoan/ Kiếp sau xin được đổi sang làm chồng”. Mà trong thơ, cá tính sáng tạo là rất quan trọng. Chẳng thế mà học giả Phan Kế Bính lúc sinh thời từng xếp tính tình (cá tính) là quan trọng bậc nhất, sau mới đến tư tưởng, khả năng trau dồi ngôn ngữ đối với mỗi người khi cầm bút làm thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạnh Mai và tình yêu không tuổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.