GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam:
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận, khi đoàn kiểm tra đi thẩm định điều kiện thành lập trường, mở ngành, có trường đã đưa tới kiểm tra ở một địa điểm, nhưng sau đó lại tiến hành đào tạo tại nơi khác, nên đã để lọt các cơ sở đào tạo không bảo đảm chất lượng. Theo tôi, Bộ phải xem xét nghiêm túc lại đoàn kiểm tra. Tại sao với đầy đủ thành phần của cả Bộ, của cả địa phương như vậy lại để các trường đánh lừa dễ dàng như thế. Đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm như thế nào khi để xảy ra điều này? Ngoài ra, phải xem xét cả cách kiểm tra nữa. Tại sao có trường xin thành lập thì rất khó khăn, cả chục năm vẫn không được thành lập trong khi nhiều trường không bảo đảm đủ điều kiện mà vẫn được thành lập nhanh chóng?
Cử tri cho rằng chương trình học quá nặng gây áp lực với học sinh tiểu học. Ảnh: Nguyệt Ánh |
TS Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Nguyễn Trãi
Xung quanh vấn đề được chất vấn nhiều nhất, liên quan đến chất lượng đào tạo, tôi nghĩ vấn đề mấu chốt là chương trình đào tạo. Việc giảng dạy trong các trường ĐH không khơi dậy niềm đam mê học hỏi, sáng tạo. Cách truyền đạt chủ yếu vẫn là thầy đọc, trò chép, thiếu sự tương tác hai chiều. Đặc biệt, chương trình xa thực tiễn, không hướng nhiều vào kỹ năng thực hành, ứng dụng và giải pháp. Đó là lý do khiến các nhà sử dụng không hài lòng với chất lượng SV ra trường hiện nay.
Vấn đề gây bức xúc là sơ sót khi cho phép mở ngành, thành lập trường. Theo tôi, việc thẩm định đã quá chú trọng vào "hồ sơ đẹp" nên rất vất vả để kiểm soát. Tôi cho rằng cơ chế thẩm định, đánh giá quan trọng nhất chính là chất lượng đào tạo thông qua số SV ra trường có việc làm và làm được việc hay không.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn (phường La Khê, quận Hà Đông):
Tôi chưa đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Bộ trưởng đã thừa nhận rất nhiều yếu kém của ngành mình, nhiều vấn đề thực hiện chậm và không được cải thiện sau một thời gian khá dài, nhưng không đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá, cách tân cho ngành mình phụ trách. Phải chăng, ngành GD-ĐT đã né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện khách quan, vì tôi thấy Bộ trưởng không nhắc đến yếu tố quản lý nhà nước, yếu tố con người trong khâu điều hành các hoạt động của ngành?
Chị Lê Hồng Hạnh (phường Bồ Đề, quận Long Biên):
Có một vấn đề bức xúc nhiều năm nay, nhưng tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận mới chỉ trả lời qua loa, chưa thực sự thấu đáo, đó là nạn dạy thêm, học thêm tràn lan. Những ai có con đang theo học tại các trường tiểu học mới thấy hết nỗi khổ của học sinh. Các em đang phải đối mặt với chương trình học quá nặng; trung bình mỗi ngày, một học sinh bậc tiểu học phải học từ 10-12 tiếng. Ngoài thời gian học bán trú, học chính khóa tại trường, ngày nào các em cũng phải học từ 1-2 tiếng tại nhà vào buổi tối để hoàn thành lượng bài tập được giao. Tất cả là do chương trình học quá nặng, yêu cầu về kết quả học tập ngày một cao, khiến các em phải gánh chịu tâm lý, áp lực nặng nề trong học hành, thi cử.
Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Tại phiên chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã công bố thêm nhiều thông tin liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên, câu trả lời vẫn chưa thực sự đáp ứng được những câu hỏi mà các đại biểu đặt ra. Liên quan đến câu chuyện lãi suất cá nhân tôi cho rằng, với tình hình lạm phát có chiều hướng giảm xuống, lãi suất huy động sẽ buộc phải giảm theo. Như vậy, lãi suất cho vay cũng phải giảm tương ứng và đặc biệt, cần ưu đãi cho các DN hoạt động tại những lĩnh vực cần được ưu tiên, hỗ trợ như: xuất khẩu, nông nghiệp, DN nhỏ và vừa. Với những loại hình cho vay khác nên áp dụng lãi suất thỏa thuận để cân đối quyền lợi của ngân hàng, người gửi tiền, DN. Về đề án tái cơ cấu ngân hàng, theo tôi cần phải bảo đảm những yếu tố: an toàn hệ thống, quyền lợi của người dân và thực hiện song song với việc sắp xếp lại DN nhà nước.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội:
Mặc dù Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã cung cấp những thông tin liên quan đến giá điện, giá xăng dầu song, xung quanh câu chuyện hình thành giá hai mặt hàng thiết yếu này vẫn còn nhiều điều bất hợp lý, thiếu minh bạch. Về giá điện, lượng tổn thất của ngành điện nhiều năm qua vẫn giữ nguyên ở mức 8-9% là bất hợp lý. Bởi với trình độ công nghệ ngày càng cao thì lượng tổn thất điện năng phải được tiết giảm tương ứng và phù hợp. Đối với giá xăng dầu, cá nhân tôi cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu phải đưa ngay về Bộ Tài chính quản lý nhằm minh bạch hóa việc quản lý, sử dụng quỹ này, không thể kéo dài tình trạng DN tự trích quỹ bình ổn, tự quản lý, nhưng hiệu quả chưa thực sự như mong muốn.
Ông Nguyễn Văn Hòa (phường Kim Liên, Đống Đa):
Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề về điều hành giá, giá điện, xăng dầu; việc đầu tư ngoài ngành và lỗ lãi của ngành điện. Đối với giá bán điện hiện nay, quan trọng nhất là phải phá bỏ sự độc quyền trong kinh doanh. Nếu không làm tốt điều này, thì điệp khúc tăng giá điện sẽ còn tiếp tục và không biết bao giờ mới dừng lại.
Đối với vấn đề xăng dầu, trái với kỳ vọng của người dân về những lời nói và hành động kiên quyết của ông khi mới nhậm chức, về việc làm minh bạch hóa các vấn đề liên quan đến giá xăng, lỗ lãi của kinh doanh xăng dầu, thì những câu trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn chưa thực sự thỏa mãn được yêu cầu và cử tri vẫn còn nhiều thắc mắc. Người tiêu dùng cần phải biết giá điện và giá xăng thực tế là bao nhiêu và Nhà nước phải bù lỗ thế nào? Không thể nói chung chung là "Nhà nước không trợ giá thì giá điện và giá xăng đã ở mức rất cao". Cần phải công khai, minh bạch kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, từ đó có những thông tin minh bạch hơn về giá, làm cơ sở cho những điều chỉnh và quyết sách mới về giá xăng, dầu, điện trong thời gian sắp tới.
Ông Vũ Ngọc Côn (Công ty cổ phần Thương mại Công nghệ Phú Đô, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân):
Bộ trưởng Vương Đình Huệ trấn an rằng mức nợ công của chúng ta vẫn ở ngưỡng an toàn và một trong những cơ sở để nói như vậy là thời hạn phải trả cho các khoản vay dài từ 30-40 năm. Song, hiện nay, nhiều dự án, công trình sau khi sử dụng vốn vay không mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa kể trong quá trình triển khai còn bị thất thoát. Như vậy, nếu ngay từ khi đưa đồng tiền vay này vào hoạt động, không có sự kiểm tra sát sao thì về lâu dài có thể sẽ không bù được số tiền đã vay và nợ công vẫn không thể an toàn. Vấn đề thứ hai là việc Nhà nước đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để bình ổn các mặt hàng thiết yếu, nhưng người đáng được hưởng mức giá bình ổn lại rất hạn chế, còn lợi nhuận vẫn rơi nhiều vào khâu lưu thông, trung gian. Theo tôi, đây là nghịch lý xuất phát từ cách quản lý chưa tốt của cơ quan chức năng, bởi khâu lưu thông, bán lẻ chưa được kiểm soát chặt chẽ…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.