(HNM) - Tới thôn Trung Hà, xã Thái Hòa, Ba Vì (Hà Nội), nghe người dân kể về những đổi thay của cuộc sống nơi đây trong vài năm qua, có lẽ mọi sự chú ý sẽ dồn về một góc nhỏ mang tên xóm Vạn - "bến bờ hạnh phúc" của những người quanh năm lênh đênh, trôi nổi trên sông Đà, sông Hồng nay đã được… lên bờ.
Những ngôi nhà cao tầng “mọc” lên từng ngày ở xóm Vạn, xã Thái Hòa. |
Quá khứ hãi hùng…
Hồi tưởng lại quá khứ lam lũ, nhọc nhằn, ông Lê Văn Thức, một người dân xóm Vạn đã 73 năm làm nghề đánh cá, kể lại: Ngày trước, dân chài chúng tôi cực lắm! Nước sạch phải mua. Mỗi khi mưa bão, nước sông động mạnh, bè phao chao đảo là cả xóm lại sống trong sợ hãi.
Các cháu không được đi học, đơn giản chỉ vì… có nhà đâu mà đi học. Hơn 50 hộ dân không một nhà nào có được "tấc đất cắm dùi", cơ ngơi của họ là con thuyền hay một bè phao, cuộc sống của họ, đời này sang đời khác cứ nối nhau trôi nổi trên một dải sông Đà. Bố mẹ đâu thì con đó, chẳng mấy khi dừng một chỗ đến dăm ngày, phương tiện kiếm sống chỉ là mấy tay lưới. Cuộc sống cứ thế, đầy may rủi, hôm nay có ăn nhưng chẳng ai biết ngày mai thế nào, vì trước mặt họ chỉ là nước sông nửa năm trắng xóa, nửa năm đục ngàu. Trôi dạt đến đâu, được ít cá tôm nào thì dạt vào bờ bán đến đấy, mua vội chút gạo, mớ củi rồi lại vội trở về cái "giang sơn riêng" là lòng thuyền vỏn vẹn mấy mét vuông. Làm trên sông, ăn trên sông, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trên sông… Mỗi khi trời nổi dông bão là một phen cận kề cái chết. Những con thuyền mỏng manh bị gió quăng quật tơi bời, những mui thuyền ọp ẹp, rệu rã dưới mưa, chút ít đồ đạc nhờ thủy thần mà sắm được không chỉ bị "ngài" đòi lại hết mà khủng khiếp hơn, còn lấy theo cả con người.
Ông Chu Ngọc Toản, Trưởng thôn Trung Hà cho biết, vài năm về trước 3/4 trẻ em ở độ tuổi đến trường không được đi học, 1/4 còn lại không học hết cấp I. Do sinh hoạt thiếu vệ sinh nên sức khỏe của người dân không được bảo đảm, tỉ lệ chết trẻ do bệnh tật khá cao. Sống trong cảnh nghèo đói, không khi nào người dân xóm Vạn thôi mơ ước về một cuộc sống trên bờ.
Bến bờ hạnh phúc hôm nay
Theo chân ông Chu Ngọc Toản đến thăm xóm Vạn, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là một dãy nhà tầng sực mùi vôi mới nối nhau dọc theo bờ sông. Nhiều cửa hàng tạp hóa, dịch vụ phục vụ đời sống đã xuất hiện. Những khoảng sân vườn trước nhà chật kín bởi những tấm lưới đánh cá khổ lớn nằm la liệt. Ông Toản cho biết, những căn nhà ở đây trị giá từ 200 đến 400 triệu đồng, nội thất khá đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt. Giờ đây, những người dân xóm Vạn đã được sống trong mái nhà kiên cố. Trẻ em được cắp sách tới trường, được ăn no, mặc ấm, được tắm lên mình mạch nước ngầm trong mát, cười vui rộn ràng. Trong hai năm 2006 và 2008, UBND xã Thái Hòa đã cấp 50 suất đất giãn cư dọc theo đê cho nhân dân, mỗi suất rộng 130m2 đến 180m2. Hiện nay, xóm Vạn có 65 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Song vẫn còn 17 hộ chưa lên được bờ vì chưa có đất.
Điều đáng nói, ở xóm Vạn đã xuất hiện nhiều gia đình khá giả, nhiều hộ dành dụm làm ăn mua thuyền lớn để chuyển nghề bởi nguồn lợi từ cá ngày một ít do nước sông cạn, ô nhiễm nên khó bám trụ được với nghề cá. Hiện nay, nhiều hộ dân xóm Vạn đã năng động hùn vốn cùng nhau mua sắm các thuyền nan lớn để buôn bán dịch vụ và vật liệu xây dựng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, mới xây xong cuối năm 2010, ông Lê Văn Thức tâm sự: Trước đây bố mẹ ông sinh 9 người con trên chiếc thuyền nan nhỏ, cuộc sống rau cháo qua ngày, giờ đại gia đình ông đều đã lên bờ, các con ông ai cũng có nhà cửa đàng hoàng nên phấn khởi lắm. Trong xóm còn có gia đình ông Ngô Văn Phổ, gia đình bà Nguyễn Thị Lụa sắm được thuyền trị giá hơn 2 tỷ đồng để chạy buôn bán vật liệu xây dựng, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình mà nhiều lao động khác trong xóm.
Để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xóm Vạn, từ nhiều khóa nay, xóm Vạn đều có người trúng cử vào HĐND cấp xã. Ông Lê Văn Hoàng, đại biểu HĐND xã Thái Hòa hai khóa liên tiếp tâm sự, trong những năm qua, bà con xóm Vạn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng, có hộ đặc biệt khó khăn được xây nhà đại đoàn kết, các chế độ chính sách như cấp đất giãn dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân… nên cuộc sống của bà con ngày một ổn định.
Chia tay xóm Vạn, dù biết rằng, những khó khăn, thử thách vẫn còn canh cánh với người dân xóm nhỏ này. Ước mơ của họ là đưa nốt gần 20 hộ còn đang lênh đênh kiếm cơm trên sông được chính quyền cấp đất để có điều kiện an cư lạc nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.