Khi hợp nhất Hà Nội - Hà Tây, đã có không ít những băn khoăn về bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa Thăng Long, trong sự song hành với văn hóa xứ Ðoài.
Tuy nhiên, thực tế sau năm năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô cho thấy, quá trình hợp lưu hai dòng văn hóa lớn đã làm giàu thêm bản sắc của văn hóa Thủ đô.
Lễ hội làng Ða Sĩ (Hà Ðông). |
Ðiểm nổi trội nhất của Thăng Long - Hà Nội là văn hóa đô thị, kế đến là những nét đẹp văn hóa vùng ven đô, những nét đẹp trong ứng xử của đời sống đô thị... Trong khi đó, cơ tầng của xứ Ðoài là văn hóa làng, với những sắc thái riêng. Có nhiều thí dụ về sự khác biệt ấy, ví như cùng là những làng cổ, nhưng làng cổ Ðông Ngạc của Hà Nội khác xa làng cổ Ðường Lâm cả về kiến trúc, không gian cũng như nếp sống... Ðã có những lo lắng được đặt ra khi sáp nhập hai tiểu vùng văn hóa, liệu những tiêu cực của đô thị có tràn về làng quê xứ Ðoài, rồi những cái tập tục chưa văn minh ở nông thôn sẽ được "di cư" lên đô thị?
Thế nhưng, khi nói về sự sáp nhập này, nhà nghiên cứu Giang Quân đã nhận định, văn hóa Hà Nội chỉ có "được", chứ không "mất". Bởi hai tiểu vùng văn hóa này vốn giàu có, đa dạng và sẽ tiếp tục làm giàu cho văn hóa Hà Nội. Năm năm hợp nhất Hà Nội - Hà Tây là quãng thời gian chưa dài, nhưng đủ minh chứng cho nhận định trên là đúng đắn. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội (trước đây) được biết đến với những di tích nổi tiếng như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu phố cổ, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, làng cổ Ðông Ngạc... Văn hóa phi vật thể của Thủ đô cũng rất giàu có, trong đó, nổi bật nhất là nếp sống văn minh, thanh lịch của người dân. Với việc mở rộng địa giới hành chính, văn hóa Hà Nội có thêm những nét đặc trưng mới. Có thể kể đến các danh thắng như: chùa Hương, chùa Thầy, chùa Tây Phương, làng cổ Ðường Lâm... Ðặc biệt, xứ Ðoài nổi tiếng với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian như: rối nước, hát dô, chèo tàu... Về lễ hội, nếu như Hà Nội trước đây có hội Gióng, thì xứ Ðoài có tín ngưỡng thờ Thánh Tản Viên. Hà Nội vốn có nhiều nghề thủ công truyền thống, được dân gian ca tụng là đất "khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ" thì nay, con số làng nghề được nhân lên gấp bội, khi "đón" thêm nhiều làng nghề của "đất trăm nghề".
Trước khi hợp nhất, Hà Tây (cũ) có 3.053 di tích. Việc tu bổ các di tích được tỉnh Hà Tây quan tâm, song nguồn lực kinh tế còn hạn hẹp. Về với Thủ đô, những khó khăn này được giảm bớt. Chỉ trong ba năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thành phố dành khoảng 1.000 tỷ đồng để tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích. Thành phố xác định, ưu tiên đầu tư những công trình có giá trị và ưu tiên vốn ngân sách cho khu vực gặp khó khăn trong công tác xã hội hóa. Những huyện ngoại thành, nhất là một số huyện của Hà Tây (cũ), thu nhập của người dân chưa cao, trong khi việc tu bổ mỗi công trình hết hàng tỷ đồng, nếu không có vốn ngân sách do thành phố cấp, người dân biết trông cậy vào đâu khi di tích xuống cấp? Năm 2012, các huyện của Hà Tây (cũ) đã được thành phố bố trí nguồn kinh phí đáng kể để tu bổ di tích. Huyện Ứng Hòa được bố trí 30,5 tỷ đồng, huyện Thường Tín đạt gần 31 tỷ đồng, huyện Hoài Ðức hơn 68 tỷ đồng... Từ đây, nhiều di tích quý ở xứ Ðoài được khôi phục, dần trở thành những khu du lịch hấp dẫn.
Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô còn đem lại nhiều lợi thế. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Ðại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 21A, 21B được xây mới, cải tạo khang trang, nhiều tuyến xe buýt được kết nối, việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn trước rất nhiều. Nhờ thế, từ trung tâm thành phố, chỉ đi hơn một giờ đồng hồ là có thể đến thăm làng cổ Ðường Lâm, hay những quần thể di tích ở huyện Ba Vì, hoặc chỉ mất vài chục phút đi xe buýt, hành khách có thể đến được những di tích ven Ðại lộ Thăng Long. Nhờ thế, những tiềm năng du lịch văn hóa của xứ Ðoài dần được "đánh thức". Trong tương lai xa hơn, triển khai Quy hoạch Phát triển Du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thành phố tiếp tục đầu tư có trọng điểm vào các quần thể di tích - di sản như: Làng cổ Ðường Lâm, quần thể chùa Hương, chùa Thầy... nhằm biến nơi đây thành các trung tâm du lịch lớn. Ngược lại, người dân Hà Tây (cũ) có điều kiện thuận lợi hơn để đến với các di sản văn hóa Thăng Long.
Văn hóa Thăng Long - xứ Ðoài đã song hành, giao thoa suốt nghìn năm lịch sử của dân tộc. Nhiều dòng họ, danh nhân xứ Ðoài đã từng góp phần làm giàu cho văn hóa Thăng Long như danh nhân Tô Hiến Thành (làng Hạ Mỗ, huyện Ðan Phượng), Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (làng Bùng, huyện Thạch Thất), dòng họ Phan Huy (làng Sài Sơn, huyện Quốc Oai), dòng họ Nguyễn Viết (làng Sơn Ðồng, Hoài Ðức) hay thế hệ sau này như cụ Lương Văn Can, nhà thơ Quang Dũng... Thuở trước, các cụ khi làm quan ở Thăng Long, nhưng luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với các làng quê, nhiều người đem những điều học được ở kinh kỳ về dạy cho dân làng. Nhiều làng nghề thủ công của Hà Tây cũng lấy Thăng Long là thị trường tiêu thụ chính. Dấu ấn của những người thợ thủ công Hà Tây in đậm trong lòng phố cổ từ nhiều thế kỷ trước, như nghề tiện Nhị Khê ở phố Tô Tịch, phố Hàng Quạt từng là nơi người làng Vác (huyện Thanh Oai) đến bán hàng, phố Hàng Hòm là do người làng Hà Vỹ (huyện Thường Tín) lập nên, phố Hàng Khay vốn có "chủ nhân" là những người thợ khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)...
Hội nhập hai dòng văn hóa đem đến những cơ hội cùng những thử thách. Trong đó, điều nhiều người băn khoăn nhất chính là văn hóa ứng xử. Mỗi vùng có những nét đẹp riêng, nhưng lại có những nhược điểm riêng. Mỗi dòng văn hóa có giữ được những nét đặc trưng hay không, có thể phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu hay không, không chỉ phụ thuộc vào chính sách, mà còn phụ thuộc vào bản lĩnh văn hóa mỗi vùng. Nhìn lại quá trình tiếp biến văn hóa trong lịch sử, dẫu có sự giao thoa mạnh mẽ, vị trí địa lý gần gũi nhưng đất Thăng Long vẫn giữ vẻ đẹp của văn hóa Thăng Long, xứ Ðoài vẫn mang hồn cốt của văn hóa xứ Ðoài, hai dòng văn hóa vẫn bổ sung cho nhau, mà vẫn giữ những nét bản sắc riêng. Cha ông ta đã gây dựng bản lĩnh văn hóa ấy. Còn hôm nay, việc giữ vững và phát huy hai dòng văn hóa ấy thế nào, trách nhiệm thuộc về chính những công dân của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.