Ẩm thực

Bánh chưng lá mía Phú Sơn - Nức tiếng đặc sản xứ Đoài

Bạch Thanh 30/12/2024 - 07:11

Bánh chưng lá mía - đặc sản độc đáo của xã Phú Sơn (huyện Ba Vì) không chỉ lưu giữ hương vị truyền thống mà còn có vị lá mía tự nhiên đặc biệt khó quên.

Trắng ngà, thơm thanh dịu, dẻo mềm hòa quyện từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn... bánh chưng lá mía đã chinh phục biết bao thực khách. Đặc biệt, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, món đặc sản đầy tự hào này của người dân Phú Sơn không ngừng tăng thêm giá trị...

dong-goi-banh-chung-la-mia-.jpg
Đóng gói bánh chưng lá mía xã Phú Sơn (huyện Ba Vì).

Dù chưa bước vào cao điểm Tết Nguyên đán nhưng cơ sở sản xuất bánh chưng lá mía của Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Lâm (thôn Đông Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì) đã nhận rất nhiều đơn đặt hàng. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Lâm Phùng Đình Hồng chia sẻ: “Với mong muốn lưu truyền đặc sản địa phương, đưa sản phẩm vươn xa, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã, gây dựng lại nghề gói bánh chưng lá mía”. Bánh chưng lá mía là một phần trong đời sống văn hóa của người Phú Sơn. Trong các dịp lễ, Tết, cưới hỏi hay liên hoan... bánh chưng lá mía là món không thể thiếu trong thực đơn và cũng là món quà ý nghĩa với người nhận. Hiện nay, bánh chưng lá mía mang thương hiệu Khánh Lâm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của địa phương, có giá bán 90.000 đồng/chiếc, trọng lượng 1,5kg. Theo anh Phùng Đình Hồng, hợp tác xã không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà chủ yếu mong muốn quảng bá đặc sản của Phú Sơn đến đông đảo người tiêu dùng.

Theo chị Phùng Thị Xuân, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Lâm, nguyên liệu chính để làm bánh chưng lá mía đòi hỏi khá kỹ: Lá mía phải đặt mua từ tỉnh Hòa Bình, là loại lá bánh tẻ, không quá già hay quá non. Sau khi được luộc sơ để tạo độ dẻo dai, lá được rửa sạch trước khi gói. Nguyên liệu bên trong bánh gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu... tất cả đều phải đạt chất lượng loại 1. Gói xong, bánh được luộc trong 8 giờ, sau đó rửa sạch, treo cho róc nước, tránh nước luộc đọng trong bánh.

Theo chị Xuân, bánh chưng lá mía mang hương vị độc đáo, khác biệt so với bánh chưng gói bằng lá dong. Bánh chưng lá mía có màu trắng ngà, lớp lá mía mỏng, mềm mại, phảng phất hương mía tự nhiên. Điểm đặc biệt của bánh chưng lá mía là sự kết hợp hài hòa giữa hương vị truyền thống và cảm giác mới lạ, thanh khiết... Đây chính là lý do bánh chưng lá mía trở thành đặc sản nức tiếng xứ Đoài.

Bà Phùng Thị Liên, một trong những người gói bánh lá mía khéo nhất Phú Sơn cho biết: "Lớp trẻ bây giờ nhiều cháu không biết gói bánh chưng lá mía. Chúng tôi lo rằng, sau này, khi lớp người cao tuổi mai một, khó có người kế cận. Tuy nhiên, với việc hợp tác xã ra đời, nghề gói bánh đang được duy trì và mở rộng".

Không chỉ giữ nghề truyền thống, hợp tác xã còn tăng cường quảng bá thương hiệu bánh chưng lá mía đến khách hàng khắp nơi, từ đó, tạo hiệu quả kinh tế cao. Với sự hỗ trợ của chính quyền trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu, bánh chưng lá mía đã trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều người tiêu dùng. Ngoài việc nhận đơn lẻ từ cá nhân, hợp tác xã còn cung cấp bánh cho các sự kiện trong vùng, bảo đảm sản xuất bánh quanh năm. Bánh chưng lá mía không chỉ là niềm tự hào văn hóa địa phương mà còn góp phần đưa đặc sản Phú Sơn ra khỏi ranh giới địa lý, trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế, đậm bản sắc văn hóa vùng Ba Vì huyền thoại...

Nói về đặc sản bánh chưng lá mía, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện Ba Vì luôn chú trọng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, trong đó, bánh chưng lá mía của xã Phú Sơn là ví dụ điển hình. Việc sản phẩm này được công nhận OCOP 3 sao không chỉ là niềm tự hào của bà con xã Phú Sơn mà còn thể hiện tiềm năng to lớn về đặc sản địa phương.

Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Lâm và các cơ sở sản xuất khác thông qua nhiều chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hội chợ, triển lãm... "Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, tạo điều kiện cho đặc sản như bánh chưng lá mía vươn xa hơn nữa trên thị trường. Huyện Ba Vì luôn lắng nghe ý kiến các hợp tác xã và người dân để có chính sách hỗ trợ kịp thời, góp phần duy trì, phát triển giá trị truyền thống, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương", Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bánh chưng lá mía Phú Sơn - Nức tiếng đặc sản xứ Đoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.