Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn “nóng” vấn đề ô nhiễm môi trường và kiểm dịch

Quỳnh Dung| 16/07/2012 06:41

(HNM) - Chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) là chợ kinh doanh gia cầm sống lớn nhất miền Bắc. Từ khi hoàn thành và đi vào hoạt động đến nay được gần 10 tháng nhưng chợ bộc lộ nhiều bất cập.

Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, hệ thống xử lý nước thải và rác thải hầu như không có, diện tích các ki ốt quá nhỏ, trong khi hoạt động buôn bán gia cầm của các hộ vượt công suất thiết kế, tất cả đã khiến vấn đề kiểm dịch lúc nào cũng "căng như dây đàn"…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ô nhiễm từ ngoài vào trong

Trong cái nắng oi bức của mùa hè, không khí ở chợ gia cầm Hà Vỹ như càng thêm bức bối, chưa kể đến mùi xú uế từ phân gà thải ra. Chị Nguyễn Thị Thoa, một tiểu thương ở chợ cho biết, ngày trước chợ tạm kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nên Nhà nước xây dựng chợ lớn cho bà con để hoạt động kinh doanh đi vào nền nếp. Nhưng đáng tiếc, chợ mới đi vào hoạt động mà vẫn không giải quyết được những bất cập trước đây. Mặc dù các hộ kinh doanh đã đóng 50.000 đồng/tháng tiền rác, 8.000 đồng/m3 nước, 2.500 đồng/kW điện, nhưng hầu như môi trường ở đây vẫn không được cải thiện, phân gà không được thu gom, mùa nắng cũng như mùa mưa bốc mùi khó chịu. Nước sử dụng không bảo đảm chất lượng, điện phập phù lúc có, lúc không… "Đặc biệt, các tiểu thương ở chợ rất bức xúc trước việc thu phí xe của Ban quản lý chợ. Theo quy định của Ban quản lý chợ, xe 1-2 tấn thu 20.000 đồng/xe, nhưng có hôm bảo vệ lại thu 150.000 đồng/xe; hay xe 2-3 tấn giá niêm yết là 30.000 đồng/xe, nhưng lại thu 200.000 đồng/xe, cao gấp 9 lần giá quy định" chị Thoa bức xúc nói.

Lý giải về tình trạng trên, Phó Ban quản lý chợ Lê Ngọc Ánh cho biết, vấn đề vệ sinh ở chợ rất bất cập là do thiết kế ban đầu không có nhà chứa rác mà chỉ có bể chứa phân gà, trong khi các hộ kinh doanh không chỉ mang gà vịt vào bán mà còn kèm theo nhiều rơm, trấu, nên trung bình mỗi ngày ở chợ thải ra khoảng 2 tấn rác gây khó khăn cho việc thu gom. Trong khi đó, đội vệ sinh lại chỉ có 5 người nên không thể dọn xuể. Hiện tại chợ cũng chưa có hệ thống xử lý rác thải nên rác thu gom được cũng không biết vận chuyển đi đâu. Lẽ ra hằng tuần phải tổng vệ sinh toàn bộ, không chỉ quét dọn chợ mà còn phải phun rửa, tiêu độc… nhưng do chợ kinh doanh không có ngày nghỉ nên không thể dọn vệ sinh triệt để. Đối với việc thu phí xe vào chợ quá cao, Ban quản lý chợ đã có thông báo nghiêm cấm, nhưng đến nay cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào của tiểu thương về tình trạng này!?

... Đến vấn đề kiểm dịch

Trao đổi về tình hình kinh doanh gia cầm sống, anh Nguyễn Lê Ngà, phụ trách chốt kiểm dịch động vật liên ngành số 5 cho biết, hiện tại ở chợ Hà Vỹ lúc nào cũng nóng vấn đề kiểm dịch, bởi số lượng kinh doanh gia cầm ở chợ rất lớn, trung bình mỗi ngày có tới 35.000-40.000 tấn gia cầm về chợ, lúc cao điểm lên tới 50.000 tấn. Từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y Thường Tín phối hợp với lực lượng liên ngành đã bắt và tiêu hủy 13 tấn gà nhập lậu, tăng 10 tấn so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng bất cập ở chỗ, chợ Hà Vỹ không có nơi tiêu hủy gà, nên khi bắt được gia cầm không rõ nguồn gốc nhiễm bệnh phải mang lên bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) tiêu hủy. Song, để tiêu hủy được một xe gà nhập lậu phải huy động tới 30-40 người của các cơ quan chức năng, chưa kể phải mất hai ngày mới hoàn thành công việc.

Hệ thống ki ốt bán hàng của các hộ cũng trong tình trạng quá tải. Trước khi xây dựng, mặc dù các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát 4-5 tháng, tham khảo các mô hình chợ ở Trung Quốc, Ấn Độ… mới quyết định xây 162 ô và quy mô mỗi gian hàng 21m2, đủ công suất kinh doanh 1.000 con gia cầm/ngày. Thế nhưng sau mấy tháng đi vào hoạt động các ki ốt đã quá tải, trung bình mỗi hộ bán tới 5.000 con.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới, đơn vị hỗ trợ kinh phí xây dựng chợ gia cầm Hà Vỹ đã tiến hành kiểm tra và khẳng định, vệ sinh môi trường tại chợ không bảo đảm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và nguy cơ lây nhiễm dịch cúm gia cầm. Để khắc phục những bất cập nói trên, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín Dương Xuân Tĩnh cho rằng, bên cạnh việc tăng cường nhân sự để bảo đảm thu gom rác thải, các hộ kinh doanh cũng phải nâng cao ý thức, thường xuyên tổng vệ sinh tiêu độc trong gian hàng. Đồng thời, phải hạn chế mức thấp nhất gà nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn về chợ, do vậy, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đường, phát hiện và tiêu hủy ngay gia cầm không có nguồn gốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn “nóng” vấn đề ô nhiễm môi trường và kiểm dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.