(HNM) - Quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới... dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn, khiến tình trạng khai thác cát, sỏi vẫn "nóng" ở nhiều địa phương. Mặt khác, lợi nhuận thu được từ việc khai thác loại vật liệu này rất lớn, nên nhiều người bất chấp quy định của pháp luật để trục lợi... Vậy, đâu là giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi, giảm thiểu ẩn họa với hệ thống đê điều trong mùa mưa bão?
Diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh
Ông Nguyễn Minh Châu, ở xã Minh Châu (huyện Ba Vì) cho biết: “Các đối tượng khai thác cát trái phép thường sử dụng tàu hút công suất lớn, hoạt động trong thời gian ngắn, chủ yếu vào ban đêm để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Việc khai thác cát lòng sông, khu vực gần bờ khiến vùng bãi luôn đối mặt với nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn công trình kè”.
Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết: Địa bàn huyện đang tiềm ẩn 2 điểm “nóng” khai thác cát trái phép ở lòng sông Hồng, thuộc địa bàn các xã Cam Thượng và Đông Quang (giáp ranh huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); xã Chu Minh, khu bãi nổi xã Minh Châu, xã Tản Hồng và Phú Châu (giáp ranh các tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Những khu vực này thường xuất hiện 4-5 tàu hút cát của một số đối tượng lợi dụng đêm tối, địa bàn giáp ranh để khai thác cát trái phép. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Phương Văn Liểu thông tin thêm: Xã Tản Hồng nằm cạnh ngã ba sông Hồng, sông Đà; giáp ranh tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Do đó, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng của huyện và thành phố trong tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm khai thác khoáng sản trái phép trên sông Hồng, đoạn 1,8km qua địa bàn xã.
Ở thị xã Sơn Tây có 5km sông Hồng chảy qua địa bàn, giáp ranh huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc); 2 cảng bốc xếp hàng hóa và hàng chục bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng không phép đang hoạt động. Đây là điều kiện “thuận lợi” để các đối tượng lợi dụng, thực hiện khai thác cát trái phép.
Còn tại huyện Đông Anh có 3 tuyến sông Hồng, Cà Lồ, Đuống đều xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản, trong đó có cát, sỏi, trái phép. Các đối tượng chủ yếu chọn thời điểm đêm tối, từ khoảng 21h hôm trước đến 3h sáng hôm sau để hoạt động. Tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 9 vụ vi phạm, trong đó riêng ngày 30-5 bắt được 2 vụ, xử phạt hành chính 454 triệu đồng.
Theo đánh giá của Công an thành phố Hà Nội, năm 2019, số vụ vi phạm khai thác cát, sỏi giảm nhiều so với những năm trước. Từ đầu năm đến nay, Công an thành phố và các quận, huyện, thị xã đã phát hiện, xử lý 181 vụ khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu tại địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, do lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát nên nạn khai thác cát trái phép giảm thiểu. Tuy nhiên, tại Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng… tình trạng này vẫn tái diễn.
Để ngăn chặn tình trạng này, Công an thành phố đã phối hợp với công an các quận, huyện, thị xã thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đồng thời mật phục trên các tuyến sông vào ban đêm để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, do các tỉnh giáp ranh (Phú Thọ, Hòa Bình, Vĩnh Phúc) có nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát và nạo vét luồng đường thủy kết hợp tận thu sản phẩm, dẫn đến việc phát sinh hoạt động khai thác cát trái phép.
Cũng theo Công an thành phố Hà Nội, vì chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố trong việc cấp phép, quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản dẫn đến cấp phép chồng lấn địa giới hành chính. Mặt khác, số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự còn thấp, nên chưa tạo được sức răn đe. Việc tạm giữ phương tiện cũng bất cập bởi vi phạm xảy ra ở nhiều tuyến sông, nhưng thành phố chỉ có 2 bãi tạm giữ phương tiện vi phạm ở thị xã Sơn Tây và huyện Thường Tín, quá xa nơi kiểm tra, xử lý…
Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương
Trước thực trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn huyện, từ đầu năm đến nay, Công an huyện Ba Vì đã phối hợp với lực lượng chức năng của thành phố kiểm tra, xử lý 16 vụ với 30 đối tượng, tạm giữ 10 tàu hút, 2 máy múc, 4 ô tô... Để tiến tới ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Chính quyền sở tại cần kiên quyết giải tỏa các bến bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông hoạt động trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, không có trong quy hoạch… Việc này sẽ góp phần ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép và tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ven sông vi phạm Luật Đê điều.
Với thị xã Sơn Tây, Thượng tá Ngô Đình Ngũ, Trưởng Công an thị xã cho biết, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho các doanh nghiệp và người kinh doanh bãi chứa, bãi trung chuyển vật liệu ký cam kết không kinh doanh trái phép; không kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc xuất xứ… Thời gian vừa qua, Công an thị xã Sơn Tây phát hiện, bắt giữ 9 vụ, xử lý vi phạm hành chính 119 triệu đồng…
Nhằm tăng cường công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông, UBND thành phố Hà Nội ngày 10-9 vừa qua đã có Văn bản số 3916/UBND-ĐT, yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, nhất là hành vi khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thực hiện không đúng nội dung giấy phép. Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký giữa UBND thành phố Hà Nội với UBND các tỉnh giáp ranh về quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các cơ quan chức năng thuộc UBND các tỉnh lân cận trong việc ngăn chặn hoạt động khoáng sản khu vực giáp ranh địa giới hành chính, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông. UBND thành phố cũng yêu cầu kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài mà không xử lý, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết: Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, kết quả giải tỏa bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố… “Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Sở sẽ xử lý hoặc kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông; báo cáo, đề xuất với UBND thành phố những nội dung cụ thể để giải quyết các tồn tại, vướng mắc” - ông Lê Thanh Nam khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.