(HNM) - Tục đốt vàng mã đã có từ lâu và trở thành nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Tuy nhiên, những năm gần đây, nét văn hóa tín ngưỡng này đã và đang bị lạm dụng, biến tướng. Nhiều người quan niệm
Đốt vàng mã vẫn diễn ra tràn lan
Đến Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) ngày đầu năm Ất Mùi 2015, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến dọc tuyến đường vào Phủ, các ki ốt bán vàng mã la liệt. Nhiều người còn đội cả mâm vàng mã mang vào dâng lễ. Do số lượng người mang vàng mã đến quá nhiều, chỗ đặt lễ trong phủ không đủ, Ban quản lý Phủ Tây Hồ còn đặt thêm bàn ở ngoài sân để phục vụ du khách. Tại nhà hóa mã, ngọn lửa luôn bập bùng, người dân chen chúc nhau tung các tệp "tiền vàng âm phủ" vào "lò". Có lúc, mọi người phải tạm dừng hóa vàng để nhân viên ở đây cào tro, té nước để giảm nhiệt độ, tránh nguy cơ cháy nổ. Nhiều du khách rất khó chịu vì khói, bụi và tro vàng mã bay mù mịt khắp nơi. Theo ước tính, mỗi ngày lượng "tiền vàng âm phủ" bị đốt ở đây quy ra tiền thật lên đến nhiều triệu đồng…
Việc đốt vàng mã vẫn diễn ra tại nhiều nơi, gây lãng phí lớn. |
Còn tại Khu di tích đình - chùa - Bia bà La Khê (phường La Khê, quận Hà Đông), phóng viên ghi nhận số lượng người đổ về đây đi lễ cũng khá đông. Tiết trời đẹp, cùng với việc thời gian nghỉ Tết kéo dài nên không xảy ra tình trạng quá tải, chen nhau để có chỗ đứng lễ bái như những năm trước. Để tránh việc hết chỗ đặt lễ, Ban quản lý di tích cũng bố trí thêm bàn lễ ở ngoài sân và dựng nhà khung sắt lợp bạt để chống mưa gió cho người dân đến lễ bái. Các lò hóa vàng tại đây lúc nào cũng đỏ lửa bởi các sấp tiền mã, vàng mã của khách sau khi lễ đem đi hóa.
Ra Tết, người dân đi vãng cảnh, lễ chùa khá đông. Tình trạng cúng lễ, đốt vàng mã tràn lan cũng diễn ra tại nhiều đình, đền, chùa, di tích lịch sử - văn hóa: Chùa Hà (quận Cầu Giấy), chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Tổ đình Phúc Khánh (quận Đống Đa)… khiến cho khói bụi bốc lên, gây ảnh hưởng đến VSMT khu vực cũng như sức khỏe của người đến du xuân, vãng cảnh.
Buông lỏng quản lý
Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã tại các lễ hội, ngày 12-10-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Theo đó, việc đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Mặc dù vậy, việc xử phạt đối với việc đốt quá nhiều vàng mã tại các lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa rất ít khi được thực hiện.
Tục đốt vàng mã là một hình thức thực hành nghi lễ của người dân, là nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Cần phải khẳng định rằng: Vàng mã từ xưa đến nay đơn giản chỉ là những đồng tiền địa phủ, những tờ giấy vàng đỏ… Nhưng hiện nay, nhiều người đã "biến tướng", quan niệm "trần sao âm vậy" nên "sắm" thêm tiền âm phủ in hình đô la hoặc in hình tiền Việt Nam đồng theo các mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, thậm chí mua đủ các loại đồ mã như nhà tầng, xe máy, ô tô… để dâng cúng và hóa vàng. Nét đẹp văn hóa bị đi quá "giới hạn" tín ngưỡng, trở thành mê tín và gây lãng phí rất lớn khi tại các dịp lễ, hội như thế này, mỗi ngày là con số tiền triệu, thậm chí chục triệu bị hóa thành tro.
Khi được hỏi về việc đốt vàng mã tràn lan tại các lễ hội, nhiều người dân đưa quan điểm: Nhà nước cần cấm và xử lý nghiêm các trường hợp đốt đồ mã theo kiểu "phú quý sinh lễ nghĩa". Còn với vàng mã truyền thống, do gắn liền với tín ngưỡng và là hình thức hành lễ của người dân nên cần tuyên truyền để người dân sử dụng hợp lý, tránh gây lãng phí, tốn kém.
Thiết nghĩ, việc hạn chế đốt vàng mã tại các lễ hội, khu di tích lịch sử - văn hóa là một việc làm cần thiết. Mỗi năm chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, số tiền thật để chi tiêu cho việc hóa vàng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, nếu thực hiện tốt việc này cũng là một giải pháp chống lãng phí, tiết kiệm nguồn tiền đáng kể cho đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.