Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói không với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã

Nhóm phóng viên| 02/02/2023 06:18

(HNM) - Khác với mọi năm, thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm, đốt hình nhân thế mạng để giải trừ sao xấu, năm nay nhiều chùa ở Hà Nội đã thay đổi bằng hình thức cầu an. Việc này đã hạn chế một lượng lớn vàng mã được đốt dịp đầu năm gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và đang góp phần thay đổi tư duy của người dân, phật tử theo chiều hướng tích cực.

Người dân đi lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm). Ảnh: Tuấn Minh

Thay đổi hình thức, hạn chế đốt vàng mã

Đến chùa Vân, thôn Yên Viên, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), hầu hết mọi người đều cảm thấy rất thư thái, bình an. Hơn 20 năm nay, phật tử và người dân về lễ tại chùa Vân hoàn toàn không mua, không đốt vàng mã. Mọi người biết rõ tác hại của việc đốt vàng mã nên rất nhiều gia đình đã bỏ hẳn thủ tục này.

Tương tự, tại các chùa: Phụng Lộc, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân); Phổ Quang, Ngọc Quang (huyện Phú Xuyên) từ lâu đã nói không với việc cúng dâng sao giải hạn đầu năm. Bà Nguyễn Thanh Hồng, người dân đến lễ tại chùa Phụng Lộc, phường Khương Đình cho biết, từ lâu chùa không thực hiện việc cúng dâng sao giải hạn đầu năm nên việc đốt vàng mã cũng không còn. Nhờ sự tuyên truyền của người phụ trách hoạt động tôn giáo của chùa, nên người dân đã hiểu và không mang vàng mã đến thắp hương nữa...

Ghi nhận tại chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ), năm nay nhà chùa thực hiện làm lễ cầu an cho người dân vào ngày 30-1 (tức mùng 9 tháng Giêng), không thực hiện cúng dâng sao giải hạn, đốt vàng mã. Theo quan sát, nhiều gia đình đến đăng ký cầu bình an cho gia đình, mong cả năm suôn sẻ. Khi được hỏi về việc cúng dâng sao giải hạn cho gia đình vì có nhiều sao xấu trong năm, bà Nguyễn Thanh Loan, người dân đến lễ tại đây cho biết, từ nhiều năm qua gia đình bà đều đến chùa chỉ đăng ký cầu bình an chứ không làm lễ dâng sao giải hạn.

Còn tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) ngày 29-1, nhiều người dân đến đăng ký cầu bình an cho gia đình. Ngay khi bước chân vào cổng chùa, một bảng thông báo nêu rõ, lễ cầu an, cầu tài lộc đầu năm được tổ chức vào 18h30 các ngày 6, 9, 13, 18 tháng Giêng âm lịch. Tại khu vực đăng ký cầu an, nhiều người đứng xếp hàng chờ đến lượt. Đa số đều đồng tình với việc không cúng dâng sao giải hạn mà chỉ nên cầu bình an cho các gia đình, hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho khu vực.

Nghi lễ cầu an phải bảo đảm trang nghiêm

Chia sẻ về việc này, sư cô Thích Đàm Hợp tu hành hơn 20 năm ở chùa Vân, thôn Yên Viên, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) chia sẻ: "Tôi khuyên tất cả mọi người không mua vàng mã cúng lễ và hóa vàng mã, kể cả cúng lễ ở nhà hay ở chùa. Làm như vậy là lãng phí, mê tín, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Do đó, tại chùa Vân chưa từng xảy ra tình trạng dâng sớ, vàng mã để dâng sao giải hạn đầu năm".

Đại đức Thích Thanh Huy, phụ trách hoạt động tôn giáo tại các chùa: Phụng Lộc, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân); Phổ Quang, Ngọc Quang (huyện Phú Xuyên) cũng cho biết, trong việc dâng sớ, đốt vàng mã, cần hiểu rõ để phân biệt về văn hóa tín ngưỡng và mê tín dị đoan. Người đốt vàng mã mang ý nghĩa tín ngưỡng thì sử dụng rất ít, chỉ mang tính đặc trưng như khi nhà có người qua đời, gia chủ mua vài bộ quần áo, vài thếp tiền vàng bằng giấy khơi gợi lòng tín tâm về tâm linh thì không nên chê trách, phê phán. Còn nếu dùng nhiều tiền mua nhiều đồ mã về cúng lễ với tâm mong cầu điều gì đó thì là mê tín dị đoan, cần bài trừ. “Với góc độ người hướng dẫn hoạt động tôn giáo ở chùa, tôi hướng dẫn người dân, phật tử không dùng mã trong cúng lễ, vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường mà vẫn bảo đảm nghi thức lễ bái trang nghiêm, thanh tịnh” - Đại đức Thích Thanh Huy chia sẻ.

Đầu năm 2023, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có thông báo về tổ chức nghi lễ cầu nguyện bình an trong dịp Tết cổ truyền xuân Quý Mão 2023. Theo đó, thông báo đề nghị các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni tổ chức tụng kinh cầu an và thuyết giảng về ý nghĩa của luật nhân quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt. Đồng thời, khi tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu an phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.

Việc ban hành văn bản ngay khi các nghi lễ đầu năm tại các chùa bắt đầu diễn ra của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực sự kịp thời, đúng lúc, yêu cầu các nhà chùa phải thực hiện nghiêm để tránh mê tín dị đoan và lãng phí. Đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa tiếp tục kiểm tra, giám sát và nhắc nhở ban quản lý các di tích, ban quản lý lễ hội thực hiện nghiêm chỉ đạo về việc không tổ chức dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tại các lễ cầu an, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng, văn hóa theo hướng văn minh mà vẫn duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nói không với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.