(NSHN) - Trước tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi ven đường, bờ sông, ao, hồ, khu dân cư... khiến môi trường bị ô nhiễm, mất mỹ quan, huyện Thanh Trì đã triển khai nhiều biện pháp xử lý, từng bước xây dựng huyện trở thành đô thị văn minh.
(NSHN) - Trước tình trạng rác thải sinh hoạt phế thải vứt bừa bãi ven đường, bờ sông, ao, hồ, khu dân cư... khiến môi trường bị ô nhiễm, mất mỹ quan, huyện Thanh Trì đã triển khai nhiều biện pháp xử lý, từng bước xây dựng huyện trở thành đô thị văn minh.
Nâng cao nhận thức
Quyết tâm không để rác thải tồn đọng, tiến tới làm sạch, đẹp môi trường, khu dân cư, ao, hồ, sông…, trước hết, huyện Thanh Trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Điển hình là xã Hữu Hòa. Trước đây, ở đầu thôn Cầu của xã có bãi tập kết rác tự phát. Ngày qua ngày, đống rác phình lên, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu dân cư. Theo Trưởng thôn Cầu Lê Thị Mai, thực hiện chủ trương của huyện, chỉ đạo của xã về bảo vệ môi trường, tháng 9-2017, thôn tổ chức họp dân, phân tích rõ tác hại của bãi rác tự phát nên hầu hết ý kiến đều thống nhất dọn sạch bãi rác này là việc cấp thiết. Ngay sau cuộc họp, nhân dân trong thôn tự nguyện đóng góp gần 100 triệu đồng cùng nhiều ngày công lao động để vận chuyển rác, san nền, đổ bê tông làm thành sân chơi rộng hơn 240m2...
Ngoài ra, xã Hữu Hòa còn có 4,7km sông Nhuệ chảy qua, trước đây luôn trong tình trạng ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt lấn sông. Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa Tưởng Văn Chúc cho hay: Ở thôn Phú Diễn và Thanh Oai có một khu đất ven sông Nhuệ nơi trước kia nhiều hộ dân tự ý xây nhà ở, dựng lều lán kinh doanh vật liệu xây dựng và xả rác. Sau khi xã và các tổ chức, đoàn thể tích cực vận động, đã có gần 80 hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, chỉ có 3 trường hợp phải tổ chức cưỡng chế. Đến tháng 9-2017, bãi đất với diện tích hơn 2.000m2 này được cán bộ, nhân dân trong xã đóng góp mua hơn 400 cây bưởi Diễn về trồng và giao cho chi hội người cao tuổi hai thôn cùng trông nom, chăm sóc. Đến nay, Hữu Hòa đã giải tỏa gần 3km bờ sông Nhuệ, san gạt làm đường hoa, trồng cây bóng mát, vừa tạo cảnh quan sạch, đẹp, vừa chống tái lấn chiếm.
Tương tự, xã Yên Mỹ cũng có gần 6km đường luôn rực rỡ với hoa hồng, dạ thảo, ngũ sắc... vừa làm đẹp cảnh quan môi trường, vừa hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi, lấn chiếm lề đường. Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh phấn khởi, nói: "Kinh phí mua hoa gần 200 triệu đồng đều do một số hộ gia đình, cơ sở kinh doanh trên địa bàn đóng góp. Để duy trì, phát triển đường hoa, từ tháng 4-2017, xã xây dựng “Quỹ chăm sóc cây xanh và tuyến đường hoa” với sự chung sức của nhân dân với mức đóng góp 2.000 đồng/người/tháng.
Giải pháp cụ thể
Sau khi giải tỏa các bãi rác tự phát, huyện Thanh Trì tập trung rà soát từng điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng… để có điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, kiên quyết không để rác tồn đọng. Hiện, hằng ngày, toàn huyện thu gom hơn 210 tấn rác thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, đạt 98% khối lượng phát sinh.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Trì Nguyễn Danh Huy thông tin: Với phương châm xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, tính riêng năm 2018, toàn huyện đã cải tạo, nạo vét, kè bờ, làm sạch nguồn nước ao Tàu (thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai); ao Đình (thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng); ao Hổm và ao Đình (xã Ngọc Hồi) với tổng diện tích 1.537m2, kinh phí 2,255 tỷ đồng, trong đó có 70% nguồn vốn xã hội hóa. Hiện các xã: Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai tiếp tục cải tạo, nạo vét, kè bờ các ao, hồ với tổng diện tích gần 15.800m2…
Điểm đặc biệt ở Thanh Trì là công tác giữ vệ sinh môi trường được báo cáo bằng hình ảnh và văn bản. Từ đầu năm 2018, thông qua mạng xã hội, huyện lập nhóm vệ sinh môi trường huyện Thanh Trì do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng nhóm. Mỗi phòng, ban chức năng của huyện được giao phụ trách một xã, thị trấn. Khi địa phương thực hiện vệ sinh môi trường, cán bộ phụ trách phải trực tiếp tham gia và báo cáo công việc với lãnh đạo huyện bằng hình ảnh trước - sau khi làm, số lượng người thực hiện... Đến nay, trên địa bàn huyện, việc tổng vệ sinh chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần đã trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên trong cán bộ, nhân dân.
Có thể nói, với các giải pháp cụ thể, thiết thực, môi trường ở Thanh Trì đã được cải thiện rõ rệt và bước đầu hình thành một đô thị văn minh, góp phần làm đẹp Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.