(HNM) - So với thời điểm trước khi có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, hiện việc quảng cáo thuốc lá không còn rầm rộ. Tuy nhiên, hình ảnh về loại
Đủ chiêu trò lách luật
Ngày 18-6-2012, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Thực thi văn bản này, đến nay, Việt Nam đã cấm hoàn toàn các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá công khai trên báo, đài, pa nô, áp phích... Tuy nhiên, hình ảnh các loại thuốc lá vẫn đến được với người tiêu dùng, bởi các “chiêu” lách luật quảng cáo rất tinh vi, nhất là hình thức trưng bày bắt mắt tại các điểm bán lẻ.
Việc quảng cáo, khuyến mãi thuốc lá không còn công khai nhưng tại các điểm bán lẻ lại đang bị thả nổi. Ảnh: Khánh Huy |
Tại hội thảo tổng kết dự án “Vận động và hỗ trợ thực thi quy định cấm quảng cáo và khuyến mãi thuốc lá tại các điểm bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam 2015-2016” diễn ra ngày 17-11, Trường Đại học Y tế công cộng (Bộ Y tế) đã công bố kết quả nghiên cứu tại 2.106 điểm bán lẻ thuốc lá trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố. Kết quả là, có 37% số điểm bán trong diện nghiên cứu vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá. Trong đó, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội là các địa phương có tỷ lệ vi phạm cao nhất (lần lượt là 86,1%; 69,5% và 55%). Ngoài ra, phần lớn các điểm bán lẻ này đều vi phạm các quy định về trưng bày thuốc lá (chiếm 88,5%). Một số tỉnh có tỷ lệ vi phạm rất cao (trên 95%) như: Thái Bình, Đồng Tháp, Bình Định, Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Hải Dương.
TS Lê Thị Thanh Hương, điều phối viên dự án Hướng tới một Việt Nam không có quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá cho rằng, sau khi có Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, vi phạm khuyến mãi thuốc lá có xu hướng giảm nhưng vi phạm quảng cáo lại tăng lên (từ 36,5% năm 2009, lên 37% vào năm 2015). Vi phạm nổi bật nhất là trưng bày quá một bao hoặc một tút của một nhãn hiệu thuốc lá với tỷ lệ điểm bán vi phạm là 74,1%. Ngoài ra, có 74,3% điểm bán không thực hiện treo biển “Không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” theo quy định.
Thạc sĩ Trần Khánh Long, Trường Đại học Y tế công cộng chia sẻ, chiến thuật của ngành công nghiệp thuốc lá ngày càng đa dạng, tinh vi và liên tục thay đổi. Các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quy định hiện hành đưa ra chiêu thức “trốn” luật. Chẳng hạn như tại Điều 25 của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá quy định, việc trưng bày sản phẩm được giới hạn ở một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Cụm từ “một sản phẩm” trong quy định này là kẽ hở mà các công ty thuốc lá khai thác triệt để. Trên thực tế, mỗi nhãn hiệu thuốc lá thường có từ 5 đến 10 sản phẩm, thậm chí nhiều hơn.
Ngoài ra, các công ty còn thuê các nữ nhân viên tiếp thị có hình thức bắt mắt để quảng bá sản phẩm. Mặc dù không mang theo túi đựng thuốc lá, nhưng sau khi mời chào, nếu khách hàng có nhu cầu, họ mới đưa sản phẩm ra tiếp thị và mời dùng thử sản phẩm.
Theo Bộ Y tế, thuốc lá là nguyên nhân khiến 40.000 người tử vong mỗi năm và trung bình mỗi ngày tại Việt Nam có 100 người tử vong do hút thuốc lá. Số người trưởng thành hút thuốc lá tại Việt Nam là 15,3 triệu người, chiếm gần một nửa tổng số người ở độ tuổi này. Tỷ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá tại gia đình là 47,7% và tại nơi công cộng là 66,5%. Đến nay, đã thiết lập đường dây tư vấn cai nghiện thuốc lá 1800-6606. |
Tiến tới cấm hoàn toàn việc trưng bày thuốc lá
Khó khăn nhất trong việc thực thi quy định cấm quảng cáo và khuyến mãi thuốc lá là kiểm soát vi phạm tại các điểm bán lẻ, nhất là bán thuốc lá dạo. Theo Thạc sĩ Trần Khánh Long, nguyên nhân chủ yếu là nhiều người chưa nắm được luật hoặc nắm được luật nhưng hiểu sai bản chất. Trong khi đó, lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn rộng, thiếu cán bộ chuyên trách nên việc xử phạt hầu như không có. Mặt khác, rất khó xử phạt trực tiếp các đối tượng vi phạm do thiếu văn bản hướng dẫn xử phạt tại chỗ, dẫn tới việc tái phạm, lách luật. Thậm chí, đối tượng của chế tài như: Các đối tượng quảng cáo trung gian, nhân viên tiếp thị… chưa được quy định đủ. Sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan chưa hiệu quả, còn tình trạng e dè, nể nang trong việc xử phạt…
Trước thực trạng nêu trên, TS Lê Thị Thanh Hương đề xuất, để thực thi có hiệu quả quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán lẻ rất cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, phải xem xét ban hành bổ sung một số văn bản hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm tại điểm bán. Đối với các công ty thuốc lá, trên các vật dụng quảng cáo chỉ cho phép niêm yết tên sản phẩm và giá bán, ngoài ra không được có bất kỳ yếu tố quảng cáo khuyến mãi nào. Mặt khác, cần tiến tới lộ trình cấm hoàn toàn việc trưng bày thuốc lá tại điểm bán.
Ngoài ra, một công việc cần phải làm thường xuyên, liên tục và bền bỉ là tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để duy trì, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của sử dụng thuốc lá và hướng tới thay đổi hành vi của người hút thuốc. Cùng với đó là đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá để khuyến khích và giúp người hút thuốc từ bỏ việc sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.