(HNM) - Tham nhũng tại Việt Nam đang đe dọa sự tăng trưởng và ổn định, làm tổn hại người nghèo, người dễ bị tổn thương và đe dọa tương lai của đất nước. Trong đó, tham nhũng liên quan đến các lĩnh vực đất đai vẫn còn đáng quan ngại. Cảnh báo trên được các đối tác, tổ chức quốc tế đưa ra tại Đối thoại Phòng chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 10 khiến chúng ta một lần nữa phải nhìn lại chính mình…
"Chẩn bệnh"…
Ở Việt Nam, tham nhũng trong quản lý đất đai lâu nay vẫn được ví như căn bệnh kinh niên khó chữa mặc dù các cấp có thẩm quyền đã có nhiều nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Đã có hẳn một kỳ đối thoại chuyên đề được tổ chức với nội dung PCTN trong quản lý và sử dụng đất đai. Và tại đây các ý kiến đều thừa nhận thực tế buồn là tham nhũng trong lĩnh vực này đang có chiều hướng gia tăng và vẫn là một nguy cơ thường trực.
Tham nhũng đất đai là vấn nạn cần được xử lý một cách triệt để. Ảnh: Nhật Nam |
Qua công tác thanh tra, kiểm tra và kết quả điều tra xã hội học cho thấy các hành vi tham nhũng trong quản lý đất đai đầu tiên thường phát sinh do cơ chế chính sách không đồng bộ, quản lý chồng chéo. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua Bộ đã tăng cường công tác tổ chức cán bộ trong lĩnh vực đất đai, rà soát cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý đất đai, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản như sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003… góp phần nâng cao tính minh bạch trong quản lý sử dụng đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến đất đai khá nhiều nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ do đó đã tạo ra những kẽ hở để tham nhũng phát triển như việc cho các nhà đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất, hay "quy hoạch treo". Việc ban hành giá đất không theo quy luật thị trường gây nên sự chênh lệch giữa giá đền bù và giá thị trường đã gây thiệt hại nặng cho người bị thu hồi đất, ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, sự chồng chéo trong phân công quản lý nhà nước về đất đai như ngành tài nguyên môi trường được giao quản lý đất nhưng xác định thuế đất, giá đất… lại do ngành tài chính ban hành nên cũng tạo ra những cơ hội để tham nhũng. Gần đây nhất, kết quả 3 cuộc thanh tra do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện về việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất tại Quảng Ninh, Khánh Hòa và Đà Nẵng đã kiến nghị thu hồi 30 nghìn mét vuông đất đô thị, 450ha đất rừng tự nhiên tại Quảng Ninh; thu hồi 17.900m2 đất sản xuất kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa.
Nói đến tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai không thể không kể đến lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo kết quả khảo sát của các tổ chức quốc tế cho thấy tham nhũng trong việc cấp "sổ đỏ" cho các hộ gia đình và doanh nghiệp chiếm khoảng 35%. Khi viết bài này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và trong 10 người được hỏi thì có tới 6 người cho biết khi làm thủ tục "sổ đỏ" đều có "chút cảm ơn" người đã giúp đỡ. Điều đáng nói là hành vi tham nhũng trong lĩnh vực này tuy mức độ không lớn nhưng lại diễn ra một cách phổ biến và thường xuyên đã làm giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp mỗi khi có giao dịch. Đây được ví như một dạng tham nhũng vặt ai cũng ghét nhưng sẵn sàng thỏa hiệp để cho xong việc. Ngoài ra, cũng cần kể đến tham nhũng xuất hiện trong quá trình quy hoạch sử dụng, thu hồi, giao và cho thuê đất, cách tính toán bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Tại hội nghị tổng kết 5 năm Luật PCTN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng cảnh báo, những nhũng nhiễu trong lĩnh vực đất đai, cấp sổ đỏ, thủ tục hành chính đang làm nhức nhối trong PCTN ở Hà Nội. 5 năm qua, Hà Nội đã thu hồi 19.721m2 đất trong các vụ tham nhũng.
Và "cắt thuốc"
Theo GS, TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện nay chúng ta cũng đã đạt tiến bộ khá nhiều trong quản lý đất đai song vẫn còn rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Nguyên lý quản trị tốt trong cơ chế thị trường mà thế giới hiện nay dùng đặt trên 3 nền tảng: Tính minh bạch trong toàn bộ hệ thống quản lý và thực tế triển khai; người quản lý phải có trách nhiệm giải trình cao nhất về mọi quyết định của mình, thu nhập riêng và mức sống hiện tại; cộng đồng được tham gia nhiều nhất, chủ động nhất trong vai trò tác động tới thành công cũng như vai trò người giám sát thực thi pháp luật. Muốn loại bỏ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai cần xây dựng hệ thống pháp luật liên quan trên cơ sở phát huy cao nhất những tiêu chí như phá bỏ tính độc quyền của cơ quan quản lý, xác định rõ trách nhiệm của người quản lý và công khai, minh bạch hóa thông tin.
Còn các đối tác nước ngoài tham gia đối thoại về tham nhũng tại Việt Nam cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 dự kiến thực hiện trong năm 2013 là điều kiện tốt để Việt Nam tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý đất đai. Theo đó, Việt Nam nên thay đổi hệ thống quản lý đất đai thành quản trị đất đai và chú trọng vào sự tham gia của người dân. Hệ thống thông tin về đất đai cũng cần được công khai để người dân có thể tiếp cận; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và phân công việc quản lý, trách nhiệm giữa cấp TƯ và địa phương tốt hơn.
Số liệu điều tra tại 61 nước (chủ yếu là các nước đang phát triển) về tham nhũng đất đai do Tổ chức Lương thực - Nông nghiệp Liên hợp quốc và Tổ chức Minh bạch quốc tế vừa công bố trung tuần tháng 12 cho thấy, cứ 10 người được hỏi thì có một người thừa nhận có hối lộ khi gặp các quan chức để giao dịch đất đai. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng trong quản lý đất đai không chỉ là vấn đề và mối lo của riêng Việt Nam. Giải pháp đưa ra đã nhiều nhưng kết quả thực hiện lại phụ thuộc vào quyết tâm của bộ máy hành chính khi thực thi nhiệm vụ. Và mỗi người dân cũng có vai trò rất quan trọng khi không thỏa hiệp, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.