(HNM) - Tuần qua, thông tin Bệnh viện Bạch Mai đóng cửa hai điểm gửi xe để lấy đất mở rộng nơi khám chữa bệnh đã khiến nhiều bệnh nhân và người nhà lo lắng.
Sau khi các phương tiện truyền thông, trong đó có Báo Hànộimới, đăng tải phản ứng của dư luận, Bệnh viện đã tổ chức họp báo, xin lỗi vì quyết định này. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là phải có giải pháp thay thế hiệu quả. Báo Hànộimới trích đăng một số ý kiến của người dân.
Bãi gửi xe tại Bệnh viện Bạch Mai luôn quá tải. Ảnh: Hà An |
Trung tá Nguyễn Hà Trung (Phó trưởng Công an phường Phương Mai, quận Đống Đa):
Đóng cửa bãi xe, phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, an toàn giao thông
Bệnh viện Bạch Mai có một cổng ra vào nằm trên địa bàn phường. Hằng ngày, lượng người và phương tiện lưu thông khá lớn. Do vậy, vào các khung giờ cao điểm rất hay xảy ra xung đột luồng giao thông, dẫn đến tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến đường Phương Mai. Hằng ngày, Công an phường đều bố trí lực lượng để duy trì trật tự ở khu vực ngoài cổng và trong Bệnh viện Bạch Mai. Do số lượng người ra vào bệnh viện đông (ước tính trên 40.000 người/ngày) nên Công an phường phải xây dựng kế hoạch cụ thể để có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), trật tự công cộng, trật tự đô thị. Dù vậy, Công an phường cũng không nhận được thông báo từ phía bệnh viện về việc dừng trông giữ xe. Với một bãi giữ xe đã bị đóng cửa, từ nhiều ngày nay đã xảy ra tình trạng quá tải dẫn đến ùn tắc tại bãi gửi xe duy nhất trong bệnh viện. Tình trạng nhốn nháo tại bãi gửi xe kéo dài khiến người bệnh và khách đến bệnh viện rất bức xúc.
Ông Phạm Thanh Tùng (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên):
Gây áp lực đối với bệnh nhân và người nhà
Khi đọc được thông tin Bệnh viện Bạch Mai sẽ đóng cửa hai điểm trông giữ xe phục vụ bệnh nhân và người nhà, tôi thấy thực sự sốc. Đóng cửa bãi gửi xe sẽ gây áp lực đối với bệnh nhân và gia đình. Nếu đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, mở rộng nơi khám chữa bệnh thì tại sao trước đó, bệnh viện không nghĩ đến việc tìm các phương án điểm đỗ thay thế rồi mới cho đóng cửa bãi xe? Tại sao bệnh viện không hợp tác với một bãi xe gần đó nhất và có biển báo hướng dẫn cho bệnh nhân và người nhà điểm gửi xe mới ngay từ ngoài cổng ra vào?
Chị Lê Thu Hà (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa):
Tính phương án trông giữ xe khi xây dựng
Người dân đi khám bệnh, thăm bệnh nhân mà không có chỗ để xe thì quả thật rất bất tiện. Theo tôi, Bệnh viện Bạch Mai không nên xây dựng theo kiểu "phình" ra như vậy mà hãy xây dựng các bệnh viện vệ tinh tại các vùng lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh,…, hoặc ngoại thành Hà Nội thì tốt hơn và chắc chắn sẽ đẹp hơn. Trong khi chưa tìm được giải pháp, bệnh viện đã tự ý ngừng trông giữ xe là thiếu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Minh Chương (huyện Quốc Oai):
Cần xem là một nhiệm vụ của bệnh viện
Tôi đi xe máy từ nhà chở bố tôi năm nay 73 tuổi tới Bệnh viện Bạch Mai khám bệnh, mất có một tiếng đồng hồ. Thế nhưng, đến bệnh viện lòng vòng mất cả tiếng đồng hồ rồi còn chưa biết có gửi được xe máy hay không. Nếu gửi được xe vào làm thủ tục, chắc đứng xếp hàng chờ đợi đến lượt khám bệnh thì hết giờ làm việc luôn. Trường hợp như tôi, không khám được hôm nay thì tối đi về nhà còn gần, chứ những người dân tỉnh lẻ lên Bệnh viện Bạch Mai khám đã muộn, bây giờ không có chỗ gửi xe, khi tìm được chỗ gửi xe xong thì hết buổi sáng, chiều đăng ký khám hết ngày cũng không được đến lượt vì số lượng người đăng ký khám rất đông. Tôi cho rằng việc trông xe phục vụ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh cũng cần xem ra là một nhiệm vụ quan trọng của bệnh viện.
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam):
Vẫn là bài toán quy hoạch, tầm nhìn
Là bệnh viện lớn nhất miền Bắc, hằng ngày có tới 6.000 người đến khám ngoại trú và 4.000 bệnh nhân điều trị nội trú, chưa kể lượng người đến thăm người bệnh, do vậy nhu cầu gửi xe ở đây là rất lớn. Việc đóng cửa bãi xe ở đây trong khi chưa bố trí địa điểm mới thay thế để lấy đất mở rộng nơi khám chữa bệnh là thông tin nóng. Từ sự việc này, có thể thấy chúng ta vẫn đang yếu trong công tác xây dựng, quy hoạch, nhất là quy hoạch có tầm nhìn dài hạn. Song với việc ngày càng “phình to” ở vùng “lõi”, mà không đẩy mạnh từng bước di dời, hay nhanh chóng phát triển các bệnh viện vệ tinh, cơ sở 2 của bệnh viện ra vùng “đệm”, ngoại thành hay các tỉnh lân cận thì chắc chắn tình trạng quá tải sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.