Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tri ân nhân chứng lịch sử trận bom B52 dội xuống Bệnh viện Bạch Mai

Thu Trang| 21/12/2022 13:51

(HNMO) - Ngày 21-12, Bệnh viện Bạch Mai - nơi từng là địa chỉ oanh tạc của B52 khiến 28 nhân viên y tế hy sinh đã tổ chức lễ gặp mặt, tri ân các nhân chứng lịch sử nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022).

Các thế hệ cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai tưởng niệm các nạn nhân của bom B52 tại tượng đài liệt sĩ trong khuôn viên Bệnh viện.

Cách đây 50 năm, đêm 21, rạng sáng 22-12, máy bay B52 trút hơn 100 quả bom xuống Bệnh viện Bạch Mai - một trong những cơ sở y tế hàng đầu miền Bắc nước ta, cướp đi sinh mạng của 28 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên và khiến nhiều người bị thương. Trận bom hủy diệt ấy còn khiến 3 khu nhà cao tầng kiên cố bị đổ sập, nhiều nhà khác bị hư hại, hàng nghìn ô cửa kính nát vụn, hàng nghìn máy móc, thiết bị, dụng cụ y tế bị vùi lấp và hư hỏng khiến bệnh viện gần như bị san phẳng. 

Trong diễn văn tại buổi lễ, bà Bùi Thị Hằng Nga, Chủ tịch UBND phường Phương Mai, quận Đống Đa cho biết, những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên của bệnh viện bị bom đạn địch sát hại, mỗi người một hoàn cảnh riêng, song đều là những tấm gương sáng tận tụy với công tác và phục vụ bệnh nhân. 

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự kiện ngày nào ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn còn đó như nhắc nhở mỗi chúng ta và những thế hệ hôm nay và mai sau về một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc”, bà Bùi Thị Hằng Nga xúc động nói.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai là nhân chứng lịch sử trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 số tiền 288 triệu đồng.

50 năm đã qua, nhưng trong ký ức của Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1969-1983) năm nay đã 97 tuổi, hình ảnh bệnh viện đổ nát và các đồng nghiệp thân yêu bị vùi sâu dưới hầm trong lòng bệnh viện như mới hôm qua… Ông đã bám trụ tại bệnh viện liên tục 12 ngày đêm.

“Thời điểm đó, hoang tàn nhất là khu phía trung tâm bệnh viện. Hơn một nửa bị bom đánh sập. Bom dội qua tầng 2 xuống tầng 1 và khoét sâu vào tầng hầm, lấp kín mọi lối ra vào. Các khu khoa Ngoại, khoa Sản, khoa Tai Mũi Họng đều bị bắn phá, mọi dụng cụ đều hư hỏng, vùi lấp. Nơi tổn thất và đau thương nhất là 2 khoa Nội tổng hợp và khoa Da liễu”, Giáo sư Đỗ Doãn Đại kể.

Những tiếng la hét cầu khẩn được cứu lan khắp khu bị đánh phá ác liệt nhất là ở tầng hầm khu B, nơi nằm ngay dưới khoa Nội tổng hợp và khoa Da liễu. Giáo sư Đại lách người bò được vào đường hầm, gặp được nạn nhân đầu tiên là bác sĩ Nguyễn Thị Ninh bị khối bê tông chèn lên chân. Phía trong tầng hầm, có vài chục người bị mắc kẹt, thương tích nặng nề…

“Phía trong không ngừng la hét, gào khóc, phía ngoài cũng nước mắt lưng tròng. Có những chỗ không thể dùng máy móc để đào bới, các anh em bệnh viện dùng tay không để đào, bới, bê từng cục gạch, khối bê tông ra ngoài để nhanh chóng tiếp cận được vào trong”, Giáo sư Đỗ Doãn Đại nhớ lại.

Trong ký ức của vị giáo sư 97 tuổi, khi ấy, bệnh viện tan hoang, các trang thiết bị bị tàn phá, đồ đạc văng khắp nơi. Vào thời điểm đó, đau thương bao trùm bệnh viện, nhưng mọi người đều khẩn trương khôi phục lại từ đống đổ nát vì có hơn 300 bệnh nhân vẫn cần phải chữa bệnh. Bệnh viện đã không ngừng hoạt động một ngày nào...

 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bệnh viện Bạch Mai tặng quà, tri ân Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Bày tỏ niềm khâm phục, tự hào về sự dũng cảm, kiên cường và sáng tạo của các thế hệ cha anh, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, 50 năm đi qua, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ Bạch Mai đã xây dựng bệnh viện từ đổ nát trong chiến tranh trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt hàng đầu cả nước với quy mô 3.200 giường kế hoạch. 

“Trong đại dịch Covid-19 thời gian qua, bệnh viện cũng đã cử nhiều đoàn công tác với gần 1.000 lượt cán bộ, chuyên gia đầu ngành và nhân viên y tế mang theo trang thiết bị y tế, hỗ trợ các địa phương trên cả nước nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Có thể nói, trong thời bình, các chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nối truyền thống cha ông,  tham gia trên mọi trận tuyến để chiến đấu với kẻ thù vô hình - giặc Covid-19”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Xuân Cơ nhấn mạnh.

Dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tặng cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai là nhân chứng lịch sử trận chiến “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 số tiền 288 triệu đồng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tri ân nhân chứng lịch sử trận bom B52 dội xuống Bệnh viện Bạch Mai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.