(HNMCT) - 15 tuổi tham gia cách mạng, hoạt động bí mật trong tổ chức Việt Minh tại Nông Cống (Thanh Hóa), 18 tuổi vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng..., đến nay nhạc sĩ Văn Ký đã có 74 mùa xuân theo Đảng và đối với ông đó là những năm tháng đáng tự hào.
Cũng vì lẽ đó mà sau này ông luôn đau đáu mảng ca khúc cách mạng ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại cùng niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai của đất nước. Đó là cơ sở cho sự ra đời của loạt tác phẩm tiêu biểu như: Bài ca hy vọng, Trời Hà Nội xanh, Tiến bước dưới cờ Đảng...
1. Được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Văn Ký trước thềm kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), với tôi là một may mắn. Người nhạc sĩ tên tuổi, người đảng viên lão thành năm nay đã bước vào tuổi 92 nhưng vẫn rất mạnh khỏe, minh mẫn và ấp ủ nhiều dự định sáng tác. Gần đây, ông liên tiếp ra mắt các tác phẩm mới như: Quốc hội Việt Nam (đoạt giải Ba trong Cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), Bình yên Hà Nội, Sóng Tây Hồ, Tiếng sáo diều, Yêu biển đảo quê em, Hà Nội - nỗi nhớ trong tôi, Hưng Yên mùa nhãn chín…
Nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928 trong một gia đình bần nông tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cùng xã với nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, do bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên lúc bé Văn Ký ở với người chú ruột đang làm chủ một cửa hàng tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Sống trong thời kỳ đất nước bị ngoại xâm, chứng kiến người dân bị áp bức, bóc lột, chàng thanh niên Văn Ký sớm nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và lòng căm thù quân xâm lược. Vì thế, khi đồng chí Trịnh Huy Tự (cán bộ cách mạng được Trung ương cử về Thanh Hóa xây dựng căn cứ) giác ngộ, Văn Ký hoàn toàn tin tưởng đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ. Cậu và một số bạn bè cùng trang lứa đã thành lập tổ Việt Minh bí mật với nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho cán bộ Việt Minh đang hoạt động tại Thanh Hóa.
Năm 1944, Văn Ký cùng các bạn trong tổ bị mật thám Pháp bắt. Bị giam giữ 6 tháng, tra tấn dã man nhưng Văn Ký vẫn không khai nửa lời. Khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Văn Ký và các bạn được thả tự do. Ra tù, Văn Ký bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở địa phương, tiếp tục hoạt động bí mật. Mùa thu năm 1945, ông cùng nhân dân huyện Nông Cống tham gia giành chính quyền. Sau cách mạng, ông được bầu làm Huyện đội trưởng huyện Nông Cống. Năm 1946, Văn Ký gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời người thanh niên khi ấy mới 18 tuổi.
2. Là cán bộ quân sự nhưng Văn Ký bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Ông sáng tác tác phẩm đầu tay là một bản tình ca mang tên Trăng xưa và thể hiện sở trường chơi guitar rất cừ. Hồi ấy, ông cùng một số cán bộ đã thành lập ban nhạc nghiệp dư. Mỗi khi trong tỉnh tổ chức hội nghị, ban nhạc lại tình nguyện phục vụ cán bộ và bà con. Thế rồi, Văn Ký lọt “mắt xanh” của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Văn Thân khi ấy và được tạo điều kiện đi học âm nhạc tại Liên khu 4. Tại đây, ông được sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của các nhạc sĩ đàn anh như Nguyễn Văn Thương, Lê Yên...
Được lĩnh hội kiến thức cơ bản về sáng tác, biểu diễn, Văn Ký tự tin hơn trên con đường âm nhạc. Kết thúc khóa học, ông được tuyển vào Đoàn Văn công Liên khu 4 (do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Trưởng đoàn). Ông cùng hai người bạn là Minh Hiến, Nguyễn Hải Châu thành lập ban nhạc và biểu diễn tại vùng tạm chiếm Bình - Trị - Thiên. “Đêm nào chúng tôi cũng nghe tiếng còi báo động, phải di chuyển chỗ ngủ liên tục. Có những hôm ngủ dậy thấy mình nằm trên bờ biển ở cửa Tư Hiền, tự nhiên thấy tâm hồn thật bay bổng. Và đó cũng là thời khắc giúp tôi nuôi dưỡng tâm hồn sáng tác, biểu diễn âm nhạc”, nhạc sĩ Văn Ký nhớ lại.
Sau ngày Thủ đô được giải phóng, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát (sau là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã đề nghị đưa Văn Ký ra Hà Nội để chuẩn bị nhân sự cho việc thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam vào năm 1957. Được về “ngôi nhà lớn” của giới hoạt động âm nhạc cả nước, nơi quy tụ nhiều nhạc sĩ tài danh như Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao..., Văn Ký càng thêm hứng khởi dấn thân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Và cũng từ đây, ông gắn bó cuộc đời mình với Thủ đô yêu dấu.
3. Mùa xuân năm 1958, khi nhân dân miền Bắc đang hối hả dựng xây cuộc sống, là hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác ca khúc Bài ca hy vọng. Tại thời điểm đó, các sáng tác hướng vào phục vụ chiến đấu và sản xuất, ít ai viết những ca khúc lãng mạn như thế. Bài hát, với niềm tin tưởng của tác giả vào ngày mai tươi đẹp của đất nước, có câu kết ý nhị, nhẹ nhàng “Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan”, như lời tổng kết miền Nam sẽ chiến thắng và hòa bình sẽ lập trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Khánh Vân chính là ca sĩ đầu tiên thể hiện ca khúc này. Mặc dù khi đó thông tin liên lạc còn rất hạn chế nhưng tiếng hát của Khánh Vân đã vượt xa cách nghìn trùng “bay” vào miền Nam, nơi đồng bào và chiến sĩ đang căng mình đấu tranh trong sự đàn áp của đế quốc. Mãi sau này, khi đất nước thống nhất, trong một đêm nhạc mang tên chính ca khúc này được tổ chức tại sâu khấu hồ Thiền Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trương Mỹ Hoa (sau là Phó Chủ tịch nước) đến dự và bộc bạch với nhạc sĩ Văn Ký rằng: “Trong suốt 11 năm (từ 1964 - 1975) bị giam giữ trong các nhà tù của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tôi và các đồng chí của mình đã liên tục ca vang Bài ca hy vọng với niềm tin tưởng, lạc quan vào hòa bình thống nhất đất nước. Bài hát đã nói đúng tâm trạng của người cách mạng, mang một sức mạnh tinh thần to lớn để chúng tôi vượt qua đòn roi của kẻ thù, sống và đấu tranh trong lao tù”.
Trong cuộc trò chuyện ấm cúng vào dịp đầu năm, nhạc sĩ Văn Ký cho tôi xem bài viết hết sức cảm động của đồng chí Nguyễn Anh Liên, nguyên Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam với tựa đề “Ra đi nguyện giữ lời thề, bao giờ miền Nam sạch bóng giặc Mỹ mới về hậu phương”. Trong đó, đồng chí Nguyễn Anh Liên có viết: “Suốt 10 năm liên tục ở chiến trường miền Nam, Bài ca hy vọng đã giúp tôi giữ trọn lời thề bao giờ miền Nam quét sạch giặc Mỹ mới về hậu phương. Bài ca như có một sức mạnh thần kỳ, dù không có một từ nào nói về chiến đấu hy sinh, về Đảng và Bác Hồ nhưng khi hát lên ai cũng thấy con đường Bác Hồ đã chọn sẽ đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng”.
Giờ đây, khi đã chuyển sang sinh sống ở khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang, Hưng Yên nhưng nhạc sĩ Văn Ký vẫn không bỏ buổi sinh hoạt chi bộ nào ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông thường quan niệm rằng sự nghiệp và tên tuổi có được hôm nay là nhờ Đảng, bởi thế mà mỗi buổi sinh hoạt chi bộ với ông vẫn hết sức thiêng liêng và cao quý. Và ở tuổi 92, nhạc sĩ Văn Ký vẫn đau đáu với thế sự, với vận mệnh của đất nước bằng những tác phẩm tràn đầy lạc quan, tin tưởng như cách ông trân trọng, nuôi dưỡng tình yêu son sắt, thủy chung với Đảng suốt 74 năm qua.
Nhạc sĩ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 với 5 tác phẩm: Bài ca hy vọng, Tây Nguyên bất khuất, Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh. Ngoài ca khúc, ông còn viết ca kịch Nhật ký sông Thương, Đảo xa, viết nhạc cho các bộ phim Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, Bác Hồ muôn vàn tình thân yêu và Tổ khúc múa K’Nhi (gồm 7 chương, viết cho dàn nhạc giao hưởng, đã được biểu diễn nhiều lần tại Liên Xô trước đây...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.