Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn khó xử lý chó thả rông

Bảo Hân| 10/04/2019 17:12

(HNMO) - Tại quận Thanh Xuân, đơn vị đầu tiên của Hà Nội thành lập tổ bắt chó thả rông hay tại Hoàn Kiếm, trong không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, các tổ trật tự liên tục tuần soát, nhưng cho đến nay, số chó thả rông, không đeo rọ mõm bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nguy hiểm rình rập ở nhiều nơi!

“Không phải sau vụ em bé 7 tuổi bị chó tấn công dẫn đến tử vong thì mình mới ý thức về sự nguy hiểm của những con chó dữ bị thả rông hoặc không được đeo rọ mõm, mà ngày ngày, mình thực sự hoảng sợ khi đi qua khu vực vườn hoa đối diện Khách sạn Hilton. Buổi tối, nhiều bác dắt chó ra đây chơi, toàn con to đùng mà chẳng đeo 'khẩu trang'... Vườn hoa công cộng, chỗ thư giãn, nơi tập thể dục của bao người từ già đến trẻ nay đành... nhường lại cho các bạn 'gâu gâu'” - Nội dung này được chia sẻ trên Facebook cùng những hình ảnh được quay lại bằng điện thoại của chị Nam Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong ngày 4-4 đã nhận được sự đồng tình của cư dân mạng.

Trên thực tế, bất chấp các quy định, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm tự do chạy nhảy vẫn phổ biến ở những khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho nhiều người, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.


Nhiều loại chó to, chó dữ được chủ thả rông, không đeo rọ mõm gây bất an cho nhiều người tại các vườn hoa, công viên, khu vui chơi công cộng tại Hà Nội. Ảnh: Quang Thái


Lý do những chủ nuôi đưa ra thường là chó của họ "hiền lành, thân thiện", "gần gũi với mọi người", "chưa cắn ai bao giờ"... nên không cần đeo rọ mõm. Tuy nhiên, hàng loạt vụ việc chó cắn người gây chấn thương, thậm chí tử vong hoặc chính chó tấn công chủ nuôi xảy ra thời gian qua cho thấy, những lý do trên chỉ là ngụy biện. Những vụ việc đau lòng đã xảy ra một phần bắt nguồn từ cách nghĩ chủ quan như thế.

Số liệu được UBND thành phố Hà Nội đưa ra vào cuối năm 2018 cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 493 nghìn con chó, mèo. Số chó nuôi để giữ nhà chiếm khoảng 87,5%, còn lại là nuôi với mục đích khác.

Liên quan đến việc quản lý vật nuôi, Hà Nội đã ban hành hệ thống văn bản pháp lý khá đầy đủ, quy định rõ trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo: Phải đăng ký với chính quyền địa phương; thực hiện việc xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh thú y, môi trường; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm...

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ với mức phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. 


Chó thả rông: Vì sao khó xử lý?

Bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Thanh Xuân cho biết, theo quy định, chó nuôi của gia đình thả rông, không đeo rọ mõm, không có xích giữ, không có người dắt, khi ra đường đều bị Đội bắt chó thả rông, hiện đang hoạt động trên địa bàn phường Khương Đình, bắt giữ, xử lý.

Quy trình xử lý của quận là khi bắt giữ chó thả rông, các cán bộ thú y sẽ thông báo qua loa phường đề nghị chủ sở hữu mang chứng minh thư, sổ theo dõi tiêm chó đến nộp phạt theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu chủ chó chưa tiêm, đơn vị sẽ yêu cầu phải tiêm phòng dại, sau đó mới cho nhận, đem chó về. Sau 48-72 tiếng, chó không có người nhận sẽ được đưa về Trung tâm Nghiên cứu và bảo vệ vật nuôi để tìm chủ mới hoặc tiêu hủy.


Hơn một năm qua, hoạt động của Đội bắt chó thả rông này đã nhận được nhiều sự đồng tình của dư luận xã hội, nhân dân. Tuy nhiên, bà Hương cũng nhận định, mô hình thí điểm này còn nhiều hạn chế, vì nhân lực mỏng, phương tiện và dụng cụ bắt tự chế thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người làm nhiệm vụ...

Sau sự việc ở tỉnh Hưng Yên cũng như một số địa phương, đơn vị sẽ kiến nghị quận có biện pháp tăng cường trong xử lý chó nuôi ở gia đình vi phạm. Dự kiến, trong tháng 5-2019, từ mô hình hoạt động tại phường Khương Đình, quận sẽ mở rộng thêm tại địa bàn 5 phường: Nhân Chính, Hạ Đình, Khương Trung, Kim Giang và Thượng Đình.

Dù số lượng xử phạt ít nhưng bà Hương đánh giá, thông qua tuyên truyền, nhắc nhở, đến nay tình trạng chó thả rông trên địa bàn đã giảm tới 80%. Ý thức của nhiều chủ nuôi đã có chuyển biến. Nhiều chủ nuôi có chó bị bắt đã không còn nóng giận, bức xúc, mà bình tĩnh, chấp nhận nộp phạt để mang chó về.

Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, việc xử lý các loài chó lớn thả rông hoặc có chủ dắt nhưng không đeo rọ mõm đã và đang “làm khó” các lực lượng chức năng trong xử lý. Trung tá Nguyễn Đức Doanh, Tổ trưởng Tổ trật tự hồ Hoàn Kiếm cho biết, các lực lượng chức năng vẫn chủ yếu nhắc nhở mà chưa tiến hành lập biên bản xử phạt vì nhiều vướng mắc, đặc biệt thiếu các lực lượng hoạt động chuyên trách, chưa có các văn bản hướng dẫn đầy đủ, cụ thể về quy trình xử lý, và quận chưa bố trí được khu vực tạm thời nuôi, nhốt chó vi phạm.

Lực lượng chức năng nhắc nhở một chủ nuôi vi phạm quy định không đeo rọ mõm cho vật nuôi  khi dắt chó đi dạo tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.


Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú ý quận Hoàn Kiếm cho biết, đã nhiều lần nhận được phản ánh một số trường hợp chó thả rông trên đường phố vào các buổi sáng sớm hoặc chiều tối. Lực lượng thú y quận đã đến tận nơi kiểm tra và nhắc nhở. Tuy nhiên, do không xác định được chủ chó nên khó xử lý. Những trường hợp này phải báo cáo lên Chi cục Thú y để có lực lượng và công cụ phù hợp bắt giữ chó.

Còn tại các tuyến phố đi bộ, cán bộ thú y, dù đã đeo thẻ, nhưng nếu hoạt động đơn lẻ vẫn khó nhắc các chủ chó chấp hành. Chỉ khi có sự kết hợp với các tổ cảnh sát trật tự thuộc Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm... mới mang lại hiệu quả rõ rệt. Gần đây, những con chó lớn, chó dữ không đeo rọ mõm đã ít xuất hiện hơn tại các tuyến đi bộ. Các chủ nuôi chó cảnh nhỏ khi mang chó vào đi dạo đa số có dây xích dắt cẩn thận.

Hiện, Trạm Chăn nuôi và Thú y quận Hoàn Kiếm đang tham mưu cho quận lập quy trình về việc bắt giữ, nuôi nhốt chó, trong 48 giờ nếu không có chủ nhận, chó sẽ được chuyển sang Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã huyện Sóc Sơn.

Các loài chó cảnh, chó nhỏ khi được chủ đưa đi dạo tại phố đi bộ cũng được nhắc nhở phải xích, dắt cẩn thận.


Về dự định thành lập đội bắt chó thả rông chuyên nghiệp của Cục Thú y Hà Nội, bà Hằng cho biết, quận Hoàn Kiếm mong muốn hình thành các tổ như vậy, khi đó mới giải quyết được hàng loạt vướng mắc liên quan đến con người, phương tiện hoạt động xử lý vi phạm trong lĩnh vực này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn khó xử lý chó thả rông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.