(HNMCT) - Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa nơi công sở đã và đang được đẩy mạnh tại nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề xưng hô sao cho có văn hóa trong công sở hiện nay có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức. Vậy văn hóa xưng hô nên được hiểu như thế nào, và việc xưng hô có văn hóa nơi công sở có nên trở thành một quy định cứng nhắc hay không? Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam về vấn đề này.
- Thưa PGS.TS Phạm Văn Tình, là một nhà nghiên cứu về ngôn ngữ - văn hóa, ông đánh giá thế nào về cách xưng hô của người Việt ở nơi công sở?
- Xưng hô (xưng và gọi) nơi công sở là một cách ứng xử ngôn ngữ trong giao tiếp công chức. Là nơi làm việc của cơ quan nhà nước nên các nhân viên làm việc ở đây phải tuân thủ các quy định chung (về trang phục, giờ giấc, các nghi thức...), trong đó có nghi thức nói năng khi giao tiếp. Mà muốn giao tiếp tốt thì người nói phải biết “xưng” và “hô” sao cho phù hợp.
Văn hóa xưng hô trong môi trường công sở hiện nay vẫn đang tồn tại phổ biến theo dạng những người lớn tuổi sẽ được gọi là bác, cô, chú, anh..., những người trẻ tuổi đa phần sẽ xưng cháu, em... Một bộ phận vẫn giữ nếp cũ gọi lãnh đạo là "sếp" xưng "em", hoặc thân mật hơn, lãnh đạo xưng “u”, “bố” và gọi nhân viên trẻ tuổi là "con"... Tuy nhiên, theo tôi, văn hóa xưng hô nơi công sở vẫn cần phải tuân thủ nguyên tắc xưng hô xã giao và nói chung, chúng ta đang cố gắng hướng tới một cách xưng hô công sở sao cho chuẩn mực. Đó đang và sẽ còn là vấn đề khá phức tạp.
- Có ý kiến cho rằng, do đại từ xưng hô trong tiếng Việt quá phong phú nên mới có sự phức tạp trong cách xưng hô ở môi trường công sở như hiện nay. Ông có đồng tình với ý kiến trên?
- Đúng là hệ thống đại từ xưng hô của tiếng Việt rất phức tạp. Nó phản ánh mối quan hệ khác biệt trong làng xã bao đời nay. Thực chất, đó là cách xưng hô mang tính gia tộc đã tồn tại ở Việt Nam từ xưa đến nay. Hệ thống này phân chia và phân bậc ngôi thứ rất “rắc rối” các “vai vế” trong gia đình với một tôn ti trật tự chặt chẽ (bên nội - bên ngoại, vai trên - vai dưới, người thân - người sơ...). Cách xưng hô này ảnh hưởng và chi phối tới cách xưng hô ngoài xã hội mà bao đời nay người Việt vẫn “vô tư” sử dụng như một nguyên tắc “luật bất thành văn”.
- Vậy theo ông, với cách xưng hô nơi công sở theo hướng “gia đình hóa” như vậy, liệu rằng người trẻ có nghĩ mình là bậc con cháu mà mất đi sự tự tin không?
- Xưng hô là bước đầu tiên để thiết lập một cuộc giao tiếp. Người xưng phải “định vị” vai giao tiếp hợp lý thì cuộc trao đổi mới diễn ra thuận lợi. Người Việt xưng hô thường tuân thủ nguyên tắc “xưng khiêm hô tôn” (xưng thì nhún nhường, gọi thì tôn kính). Trong bao đời nay, tuổi tác của mỗi người là một giá trị cần được tôn trọng. Vì vậy, người ít tuổi phải xưng hô làm sao để phản ánh được thói quen, được coi là phép lịch sự tối thiểu khi đứng trước người lớn tuổi hơn mình. Trong trường hợp đó, dùng các cặp từ xưng hô gia tộc là đắc dụng hơn cả. Nếu phá vỡ nguyên tắc đó, sẽ làm cho người đối thoại đánh giá mình là người không lịch duyệt, kém văn hóa và cuộc giao tiếp có nguy cơ thất bại.
Tôi không nghĩ xưng hô “hạ mình” xuống bậc con cháu sẽ làm mất sự tự tin của “đương sự”. Cái quan trọng là người nói phải thể hiện đúng tư cách của mình khi làm việc. Chính cách nói năng đúng mực, lễ phép, lịch sự và tầm hiểu biết của người nói quyết định thành công cho mọi cuộc giao tiếp. Khi đã vào cuộc rồi thì nội dung trao đổi sẽ là trung tâm câu chuyện, và lúc ấy, cách xưng hô “hạ bậc” kia không làm mất sự tự tin của ai đó. Nếu “bác” là người kém hiểu biết, non ứng xử thì chính “cháu” (người hiểu biết, chủ động hơn) sẽ là người làm chủ tình hình.
- Trước đây, đã có lần văn hóa xưng hô được nhắc đến trong việc xây dựng văn hóa nơi công sở. Theo ông, khi đưa ra những quy định một cách bắt buộc về xưng hô vào văn hóa công sở, nó có tạo nên sự cứng nhắc không?
- Trong nhiều diễn đàn trao đổi gần đây, nhiều ý kiến (của giới ngôn ngữ học, văn hóa học, xã hội học...) đề nghị áp dụng cách xưng hô trong xã giao, có nghĩa là vào môi trường công sở, bất luận trường hợp nào, người ta chỉ dùng cặp xưng hô “tôi - ông/bà” hoặc “tôi - đồng chí” cho trung tính, theo hướng chuẩn hóa. Nhưng rõ ràng, thực tế khó áp dụng triệt để vì vấp phải vấn đề văn hóa giao tiếp. Một cô sinh viên mới ra trường đi xin việc, gặp một “sếp” đạo mạo mà cứ “ông ông, tôi tôi” thì chắc “sếp” sẽ cho “out” vì kiểu nói năng bị cho là “thiếu lễ độ” này. Tất nhiên, trong bối cảnh khác (họp hành, hội nghị) thì mọi người có thể “trung hòa hóa”, xưng tôi với “các ông, các bà, các anh, các chị” hoặc với “các đồng chí”. Thái độ đúng mực sẽ làm cho người đối thoại thấy thoải mái và tôn trọng.
Chính vì thế, hướng tới sự chuẩn mực, có văn hóa trong xưng hô công sở là cần thiết, nhưng không thể có một chuẩn mực mang tính áp đặt, cứng nhắc. Khi chỉ có hai người giao tiếp tại công sở thì cần có sự linh hoạt (ở mức chấp nhận được) trong cách xưng hô. Sự nhanh trí, linh hoạt trong ứng xử, xưng hô chính là thể hiện sự thông minh và vốn văn hóa của mỗi người. Chính vì thế, tôi cho rằng, chuẩn xưng hô công sở không thể “nhất thành bất biến” mà phải tùy tình huống, mà trong điều này, vai trò của mỗi người tham gia giao tiếp rất quan trọng.
- Vậy theo ông, trong môi trường công sở nên xưng hô như thế nào cho hợp lý và thuận tiện cho công việc, nhất là với người trẻ tuổi cần sự tự tin?
- Tuổi trẻ bây giờ có điều kiện (cả về vật chất, tinh thần, giáo dục) nên họ rất thông minh, giỏi giang. Tất nhiên, có thể họ còn thiếu hụt tri thức trong “phông” văn hóa cần có, trong đó có văn hóa xưng hô, vì thế không tránh khỏi sự “lệch pha” giao tiếp. Tôi nghĩ, với bất cứ một người bản ngữ nói tiếng Việt nào, họ đều có vốn liếng từ ngữ, sự trải nghiệm nhất định. Họ sẽ nhanh chóng thích nghi và tìm được cách ứng xử thích hợp cho cách xưng hô của họ trong công sở. Xưng hô công sở - đó là vấn đề liên quan tới ngôn ngữ và văn hóa mà chúng ta đang hướng tới. Người Hà Nội vốn được coi là hiểu biết và thanh lịch, sẽ là những người đi đầu trong việc thể hiện một phong cách xưng hô công sở đúng mực và văn hóa.
- Chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.