Xã hội

Vẫn "gặp khó" trong triển khai chế định thừa phát lại

Hà Phong 20/07/2023 - 14:40

Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại (TPL), góp phần giảm thiểu áp lực công việc cho tòa án, cơ quan thi hành án. Song dù đã được Nhà nước đưa ra chính sách ưu tiên và ủng hộ, 38 văn phòng thừa phát trên địa bàn không ngại khó, ngại khổ nhưng các đơn vị vẫn còn vấp phải không ít khó khăn về thể chế, nhiều công việc được giao vẫn “đắp chiếu để đấy”, khách hàng vắng bóng.

Đó là thông tin đáng lưu ý tại Tọa đàm: Thực hiện chế định thừa phát lại - Hướng đi đúng về xã hội hóa hoạt động tư pháp do Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức ngày 20-7.

10.054 vi bằng: Nguồn chứng cứ dồi dào cho tòa án

Bà Nguyễn Phương Nam - Phó Trưởng phòng Quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, UBND thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp, cơ quan quản lý hoạt động của TPL đã có nhiều hình thức đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức trong việc thực hiện chế định TPL. 

Về phía các văn phòng TPL cũng có sự chủ động nhất định trong công tác tuyên truyền. Ví dụ như Văn phòng TPL Hai Bà Trưng, Ba Đình, đã tự xây dựng đội ngũ báo cáo viên có đủ trình độ, năng lực, chủ động đăng ký phối hợp với các Phòng Tư pháp UBND quận, huyện, UBND cấp phường và các tổ chức đứng ra tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TPL cho cán bộ chủ chốt, cán bộ Tư pháp, Địa chính, Thanh tra xây dựng, Ban quản lý dự án, tổ trưởng tổ dân phố, tổ hòa giải; gửi thư ngỏ đến ngân hàng, phòng giao dịch thuộc hệ thống ngân hàng; cơ quan tòa án, các văn phòng luật sư, công chứng, đấu giá, giám định, trọng tài kinh tế trên địa bàn thành phố; các tổ chức xây dựng, kinh doanh bất động sản…

z4532127589126_dc5ee799653e456ac571d3673e905c5e.jpg
Ban tổ chức tặng hoa khách mời tham dự tọa đàm.

Theo thống kê, nếu tháng 2-2014, Hà Nội mới có 5 văn phòng TPL, đến nay đã có 38 văn phòng TPL đang hoạt động trên địa bàn. Song theo ông Quách Sỹ Hiển, Trưởng Văn phòng TPL Thăng Long - Hà Nội, dù được giao phạm vi hoạt động rộng, từ tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của các cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án, Viện kiểm sát đến lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, quy định hiện hành cũng cho phép TPL xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án, nhưng... lại thiếu biện pháp bảo đảm.

z4532127590577_ca3993aaf07becf4f75f1580ca0dd037.jpg
Bà Nguyễn Phương Nam, Phó Trưởng phòng quản lý các hoạt động bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) chia sẻ tại tọa đàm.

Do đó, nhiều Văn phòng TPL chủ yếu lập vi bằng - văn bản do TPL lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. 6 tháng đầu năm 2023, 38 văn phòng đã lập được 10.054 vi bằng.

Trên thực tế nhiều vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam hay những vụ việc liên quan nói xấu nhau trên mạng xã hội, TPL đã lập vi bằng ghi nhận nội dung trên internet, trên thiết bị điện tử… đều được tòa án sử dụng làm chứng cứ. Dù vậy, ngay cả triển khai lập vi bằng cũng còn không ít khó khăn.

z4532127611796_f0dd966f1716f2b698c2554c2b57db8f.jpg
Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội TPL Hà Nội, Trưởng Văn phòng TPL Ba Đình.

Theo quy định hiện hành, vi bằng phải đăng ký ở Sở Tư pháp mới được công nhận. Nếu đăng ký chậm muộn thì bị xử phạt hành chính, nên những Văn phòng TPL ở xa trung tâm Thủ đô muốn gửi dữ liệu để được xác nhận vô cùng khó khăn về thời gian, nhân lực. Có đơn vị từ khi thành lập đến nay chỉ lập được 2 đến 3 vi bằng.

Một vướng mắc khác là, hiện nay, Thông tư 05 của Bộ Tư pháp (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL) mới chỉ quy định một cách chung chung mà chưa nêu rõ TPL được lập vi bằng trong những trường hợp nào. Trong khi đó, nhu cầu lập vi bằng của người dân thì muôn hình vạn trạng. Việc lập vi bằng hầu hết dựa vào cảm tính của TPL nên tính pháp lý của vi bằng khi ra tòa vẫn chưa biết sẽ ra sao.

Còn ngổn ngang trăm bề

Để tháo gỡ "điểm nghẽn" giao nhiều việc nhưng thiếu cơ sở thực hiện, ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng TPL Việt Hưng cho rằng, rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị. Trong đó, có các cơ quan tố tụng bao gồm: Tòa án, kiểm sát, thi hành án. Theo hướng đi này, nên giao các vụ việc thi hành án nhỏ, dân sự cho văn phòng TPL thực hiện để giảm tải công việc cho các chấp hành viên, có thời gian tập trung vào các vụ án lớn, thu tài sản lớn.

z4532127594767_3f76589b34d55f97e060f3ae962ab84b.jpg
Ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng TPL Việt Hưng thông tin tại tọa đàm.

Bởi lẽ, về việc xác minh điều kiện thi hành án do chấp hành viên thực hiện sẽ phù hợp với các khoản thu ngân sách nhà nước. Còn bồi thường thiệt hại, thanh toán hợp đồng giữa công dân với công dân, giữa các tổ chức Nhà nước… thì nên để cho TPL đi xác minh tài sản của bên phải thi hành án sẽ phù hợp xu thế của các nước phát triển.

Trưởng Văn phòng TPL Việt Hưng Phạm Anh Dũng cho biết thêm, đối với công việc tòa án tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự qua bưu điện chất lượng không cao, dễ thất lạc và gặp nhiễu cho việc mở phiên tòa xét xử, hoặc khó cho biện pháp kê biên, phát mại, xử lý tài sản... Giao việc cho TPL sẽ đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, bảo đảm được việc tống đạt đến tận tay người nhận, không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, truy tố, thi hành án, xử lý thu hồi tài sản của bên phải thi hành án…

Một khó khăn khác nhiều ý kiến phản ánh tại tọa đàm, đó là chế định TPL đụng chạm đến nhiều lĩnh vực: Đất đai, môi trường, kinh doanh thương mại, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng… mà các lĩnh vực này đều đã được điều chỉnh bằng luật, trong khi tổ chức và hoạt động của TPL mới được điều chỉnh bằng nghị định nên không tránh khỏi xung đột pháp luật trong quá trình thực hiện.

Đồng tình với quan điểm tổ chức và hoạt động của TPL, quy định chức năng nhiệm vụ của TPL hiện nay còn hạn chế, bà Nguyễn Phương Nam cho biết, sẽ kiến nghị đề xuất mở rộng công việc cho TPL trong quá trình sửa đổi Nghị định 08 hoặc xây dựng Luật TPL. "Có thể đề xuất thêm công việc như đấu giá viên để TPL hoạt động hiệu quả hơn", bà Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội TPL Hà Nội cũng cho hay, cùng với sự phát triển của chế định TPL, nhu cầu có một môi trường hoạt động chuyên nghiệp cho những người làm nghề TPL là tất yếu. Thời gian tới, Hội TPL thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện các nội dung liên quan đến các chủ trương chính sách về TPL, đặc biệt là phản ánh những bất cập các văn phòng TPL nêu. Đích đến là duy trì sự ổn định, phát triển hoạt động TPL trên địa bàn Hà Nội, thiết thực góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn "gặp khó" trong triển khai chế định thừa phát lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.