Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Mỗi quận, thị xã có không quá 2 Văn phòng Thừa phát lại

Hoài Thu| 16/07/2021 12:05

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội ngày 14-7-2021 đã ban hành Quyết định số 3545/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo tập trung phát triển Văn phòng Thừa phát lại gắn với địa bàn dân cư; bảo đảm tổng số Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố không quá 43 tổ chức; mỗi địa bàn quận, thị xã có 2 Văn phòng Thừa phát lại, địa bàn huyện có 1 Văn phòng Thừa phát lại.

Trong trường hợp có sự điều chỉnh về loại hình đơn vị hành chính cấp huyện (nâng cấp từ huyện thành quận) thì số lượng Văn phòng Thừa phát lại được điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp so với quy định.

Văn phòng Thừa phát lại thực hiện các hoạt động: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu, lập vi bằng theo quy định; xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo quy định.

Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại, thì nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại Sở Tư pháp Hà Nội. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đã tiếp nhận, căn cứ quy định, Sở Tư pháp xét duyệt hồ sơ, trình UBND thành phố cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án trên, UBND thành phố yêu cầu, việc phát triển Văn phòng Thừa phát lại phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp của tổ chức, cá nhân, cũng như các điều kiện cần thiết để Văn phòng Thừa phát lại phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Mỗi quận, thị xã có không quá 2 Văn phòng Thừa phát lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.