(HNMO) - Những năm gần đây, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội tuy đạt kết quả khả quan, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, các cơ quan chức năng và mỗi người dân cùng hành động, nhằm hỗ trợ người sử dụng, người nghiện ma túy tích cực điều trị cai nghiện, hòa nhập xã hội.
Tỷ lệ tái nghiện chưa giảm
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đang quản lý hồ sơ gần 13.000 trường hợp nghiện ma túy, chủ yếu là người nghiện ma túy tổng hợp. Loại ma túy này khiến người sử dụng nó lâu ngày bị rối loạn về sức khỏe tâm thần, dễ có những hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân họ, gia đình, xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng Hà Nội triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ điều trị cai nghiện.
Những năm gần đây, mỗi năm, các cơ quan chức năng hỗ trợ điều trị cai nghiện cho khoảng 4.000-6.000 người. Quý I-2022, toàn thành phố tiếp tục tổ chức điều trị cai nghiện cho hơn 1.000 người, đạt gần 30% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021, số người điều trị cai nghiện theo cả 3 hình thức: Cai nghiện bắt buộc; cai nghiện tự nguyện; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đều giảm với số lượng giảm lần lượt là 189 người, 223 người và 171 người.
Điều đáng quan tâm, sau khi hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện, số người tái nghiện chiếm tỷ lệ cao. “Tỷ lệ tái nghiện sau thời gian 1-2 năm chiếm tới 75-77% tổng số người được điều trị cai nghiện. Việc làm thế nào để mở rộng số người tham gia điều trị cai nghiện, giảm tỷ lệ tái nghiện luôn là vấn đề băn khoăn, trăn trở của các cơ quan chức năng và toàn xã hội”, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái nói.
Lý giải nguyên nhân, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Phùng Quang Thức cho hay, bắt đầu từ năm 2022, các quy định của pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện có nhiều thay đổi, nên một số địa phương còn lúng túng trong quá trình lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Về công tác cai nghiện tự nguyện, đa số người nghiện chưa đủ quyết tâm cai nghiện, nên không dễ vận động, triển khai. Hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không phải nơi nào cũng đủ điều kiện để thực hiện bài bản...
Còn Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho hay, công tác giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được coi là giải pháp quan trọng, nhằm đưa những người từng nghiện ma túy từ bỏ con đường lầm lỡ, hòa nhập xã hội không dễ thực hiện vì nhiều lý do. Với bản thân người từng sử dụng ma túy, dù được tạo điều kiện thuận lợi, nhưng đa số họ chưa chủ động tiếp cận với cơ hội học nghề, làm những việc có ích... Điều này lý giải vì sao, số người có việc làm sau khi cai nghiện mới đạt khoảng 22%...
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả
Nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện, qua đó góp phần giảm ma túy, giảm tệ nạn xã hội, năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu có hơn 80% số người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; duy trì điều trị lũy tích cho 6.500 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Các cơ sở cai nghiện ma túy phối hợp với các địa phương, đơn vị vận động 2.100 người nghiện ma túy vào cai nghiện tự nguyện; 100% người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập đều được tiếp nhận, điều trị cai nghiện. Ngoài ra, các địa phương quan tâm hỗ trợ vay vốn, học nghề, hỗ trợ tìm việc làm với các hình thức phù hợp cho 300 người hoàn thành thời gian cai nghiện...
Để các quy định của pháp luật hiện hành về cai nghiện ma túy được thực thi đúng và trúng, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 10-3-2022 triển khai thực hiện Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên tinh thần đó, các địa phương tập trung rà soát, thống kê, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy; xây dựng hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng... Chẳng hạn, tại quận Hà Đông, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Đỗ Thị Minh Loan cho biết, với sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, gần đây, số người tự nguyện đi cai nghiện trên địa bàn tăng. Riêng 3 tháng đầu năm nay, toàn quận có hơn 50 người đi cai nghiện tự nguyện...
Dưới góc độ quản lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các bên chú trọng tuyên truyền, tập huấn về những điểm mới của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản khác liên quan đến đông đảo người dân. Những mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng, như: “Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng”, “Mô hình thí điểm tư vấn, hỗ trợ pháp lý, xã hội chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy”, Câu lạc bộ quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng, Đội công tác xã hội tình nguyện... tiếp tục được duy trì, nhân rộng...
Ngoài những giải pháp nêu trên, ông Phùng Quang Thức cho biết, các bên ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng phần mềm quản lý người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy; đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin về tệ nạn xã hội trên bản đồ số. Việc ứng dụng, triển khai các biện pháp điều trị cai nghiện ma túy hiện đại được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện trên địa bàn Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.