(HNMO) - Báo cáo trước Quốc hội sáng 21/7 về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, 2011, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực.
Lạm phát trong nước đã có xu hướng giảm, xuất khẩu và thị trường hàng hóa trên đà tăng mạnh; thu ngân sách tăng, bội chi ngân sách nhà nước giảm, thị trường ngoại hối từng bước ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng; tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý; an sinh xã hội được chú trọng.
Theo Phó Thủ tướng, 6 tháng đầu năm 2011, mức tăng giá tiêu dùng đã chậm lại và có xu hướng giảm (tháng 4 là 3,32%, tháng 5 là 2,21%, tháng 6 là 1,09%); kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao; tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 42,33 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được Quốc hội thông qua; tỷ lệ nhập siêu trong 6 tháng là 15,72% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua (không quá 18%).
Đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục được duy trì, nhất là đầu tư cho giảm nghèo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ước 6 tháng đầu năm 2011, tổng vốn đầu tư phát triển đạt 409,7 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3% GDP.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 5,57%, mặc dù thấp hơn tốc độ tăng 6 tháng đầu năm 2010 và thấp hơn chỉ tiêu cả năm 2011 đã được Quốc hội thông qua nhưng đây là một nỗ lực rất lớn của cả nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Các ngành kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch tiếp tục đà tăng trưởng; trong đó sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch năm 2011; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 22,6% so với cùng kỳ năm 2010.
Thu ngân sách tiếp tục tăng khá, bảo đảm nguồn chi ngân sách và góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt khoảng 327,8 nghìn tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 355,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49% dự toán năm. Bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011 ước khoảng 27,78 nghìn tỷ đồng, bằng 23% mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2011.
Về việc rà soát, sắp xếp đầu tư công để tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hiệu quả, đến cuối tháng 5 năm 2011, tổng số vốn đầu tư các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cắt giảm là 80.550 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 còn diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn do tác động, ảnh hưởng của cả những tồn tại, hạn chế nội tại của nền kinh tế và tác động do diễn biến khó lường từ bên ngoài. Phó Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm 2011 còn là thách thức lớn. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kiên trì, quyết liệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong những tháng cuối năm 2011 và một số năm tiếp theo.
Phó thủ tướng cho rằng, việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong 6 tháng cuối năm phải tiếp tục kiên trì bám sát các nội dung Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các giải pháp; trong đó tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, phát huy sức mạnh, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn và dự báo xu hướng biến động kinh tế trong nước và thế giới, Chính phủ đã định hướng chỉ đạo điều hành một số chỉ tiêu cơ bản của cả năm 2011 theo hướng phấn đấu để tốc độ tăng trưởng cả năm đạt mức hợp lý khoảng 6%, bảo đảm nguồn lực cần thiết thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội và giải quyết việc làm, đồng thời tạo điều kiện và tiền đề phấn đấu năm 2012 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,5%, các năm tiếp theo ở mức cao hơn; Kiên trì, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và thực hiện các giải pháp kiềm chế, giảm dần lạm phát để CPI năm 2011 tăng ở mức 15 - 17%, phấn đấu để năm 2012 và các năm tiếp theo lạm phát ở mức thấp hơn, trở về mức một con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 15 - 16%; kiểm soát nhập siêu cả năm không quá 15 - 16% kim ngạch xuất khẩu; giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP nhằm từng bước lành mạnh hoá tài chính quốc gia, tạo nền tảng cần thiết cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đáng chú ý, về chính sách tiền tệ và tài khóa, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nợ xấu và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, kiểm soát để tỷ lệ và mức cho vay tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, bất động sản, chứng khoán giảm so với hiện nay; tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt, nhằm giảm tổng cầu, giảm sức ép lạm phát trong năm 2011 và 2012; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể thúc đẩy xuất khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước và kiểm soát nhập khẩu đối với từng loại mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có kim ngạch lớn…
Nhất trí tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa thắt chặt
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XII nhất trí, với quyết tâm cao cùng việc triển khai đồng bộ, thống nhất và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự cố gắng của các địa phương, doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội, tình hình kinh tế-xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực, nhất là trong việc giảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội, quản lý thị trường ngoại hối và tỷ giá, giảm chỉ số giá tiêu dùng, đẩy mạnh xuất khẩu…
Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ, đánh giá, làm rõ nguyên nhân của việc tăng giá nhiều hàng hóa và dịch vụ, nhập siêu giảm nhưng chưa bền vững, công tác triển khai thực hiện cắt giảm đầu tư công còn hạn chế; hướng dẫn về cắt, giảm, đình hoãn, giãn tiến độ dự án không rõ ràng cũng như không có tiêu chí thống nhất, gây trở ngại cho việc triển khai thực hiện; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và lãi suất cho vay quá cao…
Trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban ủng hộ giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ, đồng thời đề xuất Chính phủ trong khâu điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa cần linh hoạt, bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần bám sát dự toán thu ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương rà soát để thống nhất tiêu chí cắt giảm, đình hoãn các dự án đầu tư công; thực hiện có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu để kiểm soát nhập siêu; tăng cường quản lý tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đã có, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.