(HNMCT) - Văn Dương Thành không chỉ được biết đến là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, bà còn được xem như cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế thông qua nghệ thuật. Nhiều sáng tác của bà được Nhà nước tuyển chọn làm quà tặng quốc gia cho các vị nguyên thủ. Bà cũng đã đồng tổ chức nhiều triển lãm chào mừng Quốc khánh Việt Nam tại các nước châu Âu và châu Á. Ngày 19-3, tại V-ART space - Ciputra club (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc một triển lãm tranh đặc biệt của Văn Dương Thành với tên gọi “Hạc vàng sum vầy”.
- Thưa họa sĩ Văn Dương Thành, cho đến nay bà đã vẽ bao nhiêu bức tranh hạc?
- Tôi đã vẽ trên 100 bức về hạc. Đây là đề tài mà tôi rất thích. Bạn biết đấy, chim hạc trong ý niệm cổ xưa của châu Á là biểu tượng của hạnh phúc, nghị lực, sự viên mãn, sự thành công. Hình ảnh chim hạc gợi cho chúng ta nhiều cảm xúc. Một vẻ đẹp kỳ vĩ của ánh sáng và tình yêu. Bạn có thể hình dung, dưới chân hạc là đầm nước, là hoa lá rung rinh, phía trên là bầu trời, là mây trắng trôi qua. Sự đa dạng về màu sắc của hạc tha hồ cho tôi sáng tạo. Chim hạc có từ màu nâu đến màu ghi, lại có những đàn hạc thuộc họ cò trắng phau, mỏ vàng và chân vàng, rồi chân đỏ, cổ đỏ... Quan sát sự chuyển động của chim hạc trong tự nhiên, dưới nắng vàng, dưới ánh trăng, dưới làn mưa xuân, dưới những buổi chiều thu... đều đưa đến cho tôi cảm nhận đặc biệt, trở thành nguồn cảm hứng vô tận để tôi vẽ.
- Vẽ chim hạc khó nhất là điều gì, thưa bà?
- Vẽ chim hạc không dễ, vì chim luôn chuyển động. Chim hạc đứng yên thì rất nhỏ gọn, nhưng khi chúng bay thì có những con đôi cánh sải rộng đến 2 mét. Bút pháp của tôi khi vẽ hạc là kết hợp giữa trường phái ấn tượng và trừu tượng. Ở trong những mảng màu lung linh, nhìn xa cảm giác rất nhiều nét trừu tượng nhưng nhìn kỹ thì sẽ thấy từng con hạc có cấu tạo hoàn toàn khác nhau. Mắt, cổ, mỏ, độ cao thấp và những đôi chân của chúng như đang múa đều khác biệt. Có những bức vẽ gia đình hạc nhiều thế hệ, từ ông bà có vương miện trên đầu đến những chú hạc bé mới ra đời xúm xít bên nhau. Tôi cũng vẽ hàng trăm loại hạc khác nhau trên thế giới, trong đó có cả những con hạc vương miện gốc châu Phi.
- Người xem đặc biệt thích thú với kỹ thuật chồng màu của bà trong những bức vẽ hạc, khiến cho tranh đầy nhạc tính, hay những nét đen chảy độc đáo mang phong cách rất riêng đầy tính Á Đông?
- Tôi nghĩ, thế giới hạc cũng như thế giới con người. Có những con chim lẳng lặng cất cánh bay đi tìm những phương trời mới, và có những con chim đang hân hoan trở về quê hương. Tôi đưa các nét thủy mặc đầy tính Á Đông vào tranh để thể hiện cảm xúc đó, ngoài ra là sự dụng công trong thể hiện ánh sáng. Tuy những bức tranh luôn chuyển động nhưng tôi cũng luôn dành những mảng lặng rộng lớn phía sau tranh để người thưởng thức có thể cảm nhận sự tĩnh lặng.
- Bà có thể nói thêm về bức tranh hạc lớn nhất mà bà từng vẽ?
- Bức lớn nhất của tôi có chiều dài 3m. Một số bức vẽ bằng mosaic hiện đang trưng bày trong bộ sưu tập tranh Sao Thái Dương, Techcombank. Mỗi bức vẽ hạc của tôi có thể đếm được ít nhất là 9 chú hạc.
- Triển lãm “Hạc vàng sum vầy” lần này của bà trưng bày bao nhiêu tác phẩm về hạc?
- Tranh hạc thì tôi đã bày ở một số triển lãm ở trong và ngoài nước. Lần triển lãm này là 15 bức hạc, cùng với 10 bức tranh vẽ phố cổ và 5 bức tôi vẽ các khung cảnh nơi tôi đã từng đến như Nhà thờ Đức Bà Paris, ngôi nhà của danh họa Pháp Auguste Renoir.
- Có thể thấy những bức tranh vẽ hạc ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng được trình bày tại triển lãm lần này. Bà có kỷ niệm gì đáng nhớ trong những lần đi thực tế vẽ tranh hạc ở đó?
- Tôi nhớ trong một lần đi tham quan Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có rất nhiều gia đình hạc sinh sống, tôi được tiếp kiến nhà sư Diệu Minh. Nhà sư có kể cho tôi nghe một câu chuyện rất cảm động về tình yêu của một gia đình hạc. Khi đàn chim bay đi tránh rét, con hạc cái vì bị thương ở chân nên không thể cất cánh bay lên được, cứ một lúc lại bị rơi xuống. Con hạc đực đã cất cánh rồi nhưng quay lại, cố nâng cánh giúp con cái bay lên mà không thể. Cuối cùng, đôi hạc đã chọn ở lại một ngôi chùa trong mùa đông, và khi xuân đến, nở ra một đàn hạc con. Tôi vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện đó, và hiểu ra rằng, những đàn hạc không bao giờ sống riêng rẽ mà thường ở trong một cộng đồng thân ái với nhiều thế hệ. Tôi đặt tên cho triển lãm “Hạc vàng sum vầy” cũng vì như vậy.
- Tranh hạc và tranh phố cùng trong một triển lãm với sự tham gia của nhiều đại sứ đại diện cho nhiều quốc gia tại Hà Nội, phải chăng họa sĩ đang muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế vẻ đẹp đặc sắc của văn hóa Việt?
- Vâng! Triển lãm có sự tham gia của đại diện nhiều nước và ngoài tranh hạc, tôi cũng giới thiệu với những người bạn quốc tế về Thủ đô Hà Nội với những nét kiến trúc cổ kính, vẻ đẹp bình dị mà cũng rất sống động của phố phường qua tranh vẽ của mình.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Văn Dương Thành!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.