Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn đi trên con đường gập ghềnh

Chí Đạo| 05/01/2010 07:14

(HNM) - Với số dân sống ở khu vực nông thôn chiếm tới 63,5%, điều này khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc triển khai các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống dân sinh cho người nông dân.

Sản xuất hàng gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng. Ảnh: Nguyệt Ánh


Nâng cao mức sống của người nông dân

Trong đánh giá việc thực hiện Chương trình 05 của Thành ủy Hà Nội về phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn giai đoạn 2006-2010, Sở NN&PTNT cho biết: Những năm qua nền kinh tế nông thôn có sự phát triển khá, bình quân đạt khoảng 12%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - dịch vụ, chiếm trên 95%; cơ cấu lao động tiếp tục chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề nông thôn, chiếm trên 60%; thu nhập bình quân đầu người năm 2008 là 8,2 triệu đồng/người/năm thì năm 2009 tăng lên 12 triệu đồng. Những vấn đề nóng bỏng ở nông thôn như nước sạch, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm... được quan tâm đầu tư. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Việt, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế ngoại thành là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng mô hình nông thôn mới theo mục tiêu của TP đã đặt ra.

Phát triển thiếu đồng bộ

Mặc dù đời sống của người nông dân đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng theo nhận định của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm, do công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch ngành kinh tế ngoại thành còn chậm dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy hoạch về cụm, điểm công nghiệp làng nghề; du lịch; điểm dân cư nông thôn; phát triển nông nghiệp; sử dụng đất.

Trong đó phải kể đến các điểm công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng làng nghề, hiện mới có một số cụm, điểm sản xuất làng nghề tập trung như: Vân Hà, Bát Tràng, Tân Triều, Phùng Xá... hoạt động hiệu quả, còn lại chủ yếu sản xuất trong khu dân cư nên manh mún, thiếu tập trung, giá trị sản phẩm không cao, không bảo đảm về môi trường. Đặc biệt, trong chế biến thực phẩm gia súc, gia cầm (một lĩnh vực hết sức quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn) mới bước đầu hình thành một số cơ sở chế biến như Công ty Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội ở Minh Khai (Từ Liêm), Công ty cổ phần Phúc Thịnh (Đông Anh) và đang trong quá trình triển khai thêm các cơ sở ở Nguyên Khê (Đông Anh), Ngũ Hiệp (Thanh Trì) và Khu công nghiệp Hapro (Gia Lâm).


Đáng chú ý, trong 5 dự án quy hoạch quan trọng có tầm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế ngoại thành, gồm Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê trên địa bàn TP; quy hoạch hệ thống thủy lợi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp đến năm 2020; quy hoạch đê điều, khu dân cư nông thôn vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai thì mới xây dựng xong quy hoạch phòng chống lũ chi tiết cho các tuyến sông có đê.

Cũng theo đánh giá của Sở NN&PTNT, nhìn chung sản xuất nông nghiệp vẫn tiềm ẩn yếu tố kém bền vững, năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi chưa cao. Nước sạch, vệ sinh môi trường vẫn là vấn đề khó khăn, bởi hiện nay tỷ lệ gia đình được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế mới chiếm 35%. Trong khi đó, hệ thống kinh doanh thương mại, hệ thống chợ chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến lưu thông và luân chuyển hàng hóa. Toàn TP mới có 66 chợ được xây dựng kiên cố và có 4 chợ đầu mối để phục vụ nhu cầu buôn bán và lưu chuyển hàng hóa nông sản.

Tiến tới nền sản xuất hàng hóa, bền vững

Trong cuộc làm việc mới đây với Sở NN&PTNT, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn tồn tại nhiều yếu kém như chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra chậm; hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa đồng đều; năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Bí thư Thành ủy, thời gian tới cần tăng cường sự tham gia của các HTX nông nghiệp, các tổ chức, đoàn thể vào xây dựng tam nông, đưa kỹ thuật đến với người nông dân.

Trong đó vấn đề sản xuất phải bảo đảm nông sản làm ra an toàn cho người tiêu dùng. Nông nghiệp của Thủ đô phải hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, bền vững và thân thiện với môi trường. Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về tam nông cũng khẳng định rõ điều này và đưa ra mục tiêu giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; xây dựng nông thôn Thủ đô có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, phát triển theo quy hoạch, gắn kết hợp lý giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Duy Tâm cho biết, để cụ thể hóa những mục tiêu trên, Sở đang khẩn trương xây dựng 10 chương trình, đề án liên quan đến tam nông và đã có 3 chương trình được phê duyệt, gồm chương trình phát triển sản xuất rau an toàn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra cũng đã ban hành một số chính sách về đầu tư xây dựng và quản lý hoạt động cụm công nghiệp làng nghề; hoàn thành xây dựng đề án điện nông thôn; xây dựng kế hoạch giảm nghèo; xây dựng đề án tăng cường các biện pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn đi trên con đường gập ghềnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.