(HNM) - Mặc dù xuất khẩu điều của Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu thế giới nhưng bức tranh ngành điều không phải hoàn toàn sáng sủa. Tình trạng thiếu nguyên liệu, diện tích sụt giảm, giá cả bấp bênh… cho thấy ngành này còn rất nhiều việc phải làm.
Một xưởng chế biến điều tại Bình Phước. |
Nâng cao tính chuyên nghiệp
Một nghịch lý là trong khi ngành điều Việt Nam đang thiếu nguyên liệu, phải nhập khẩu thì diện tích trồng điều lại giảm. Theo Cục Trồng trọt, năm 2006 diện tích cây điều đạt cao nhất với 444.217ha. Tuy nhiên, cũng từ năm này diện tích bắt đầu giảm, năm 2009 chỉ còn 393.290ha. Theo dự báo, diện tích điều sẽ tiếp tục giảm và trong 5 năm tới chỉ còn khoảng 350.000ha. Không chỉ giảm diện tích, năng suất bình quân của ngành điều cũng không ổn định, năm 2005 đạt gần 1,1 tấn/ha, cao gấp 2 lần bình quân thế giới, nhưng năm 2009 chỉ còn 0,86 tấn/ha. Nguyên nhân người dân chặt bỏ cây điều là do thu nhập thấp hơn cây cao su và cây sắn. Mỗi năm người trồng điều thu nhập khoảng 12 triệu đồng/ha trong khi cây cao su có thể cho thu nhập cao đến gấp 5 lần. Một nghịch lý nữa là trong khi phải nhập khẩu đến 50% nguyên liệu, nhưng các doanh nghiệp chế biến điều chỉ thu mua, không gắn bó với vùng nguyên liệu, không hỗ trợ cho vùng nguyên liệu điều phát triển. Chính điều này càng làm cho ngành điều phụ thuộc vào thị trường bên ngoài.
Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, trên thực tế cây điều có những lợi thế mà cây cao su hay những loại cây khác không thể có được. Tuy nhiên, thu nhập thấp là do phần đông bà con vẫn trồng và để phát triển tự nhiên, đến mùa thì thu hoạch chứ không chăm sóc nên sản lượng thấp. Với các diện tích điều ghép, điều hạt được thâm canh thì năng suất tại tỉnh này vẫn đang đạt từ 2 đến 2,4 tấn/ha. Vì vậy, để nâng cao năng suất, từ tháng 6-2009, tỉnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm Phát triển giống cây điều với mục đích lai tạo giống điều cao sản để thay thế diện tích điều kém năng suất hiện nay. Tỉnh đang có nhiều biện pháp để khuyến khích ngành điều phát triển bằng các chính sách khuyến nông, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ lãi suất...
...và tăng cường hợp tác quốc tế
Công nghệ chế biến hạt điều chính là "chìa khóa' thành công của cây điều Việt Nam trên thị trường thế giới. Với gần 100% thiết bị chế biến sản xuất trong nước, ngành điều Việt Nam đã làm những nước có truyền thống xuất khẩu điều như Ấn Độ, Môdămbích phải nhường lại vị trí dẫn đầu! Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, khi các nước khác cũng sở hữu được công nghệ chế biến như Việt Nam thì vị trí số 1 này sẽ có sự thay đổi. Đây là tương lai rất gần vì các nước xuất khẩu điều cũng đang tích cực tìm kiếm công nghệ, kể cả đến Việt Nam khảo sát, tìm hiểu và mua công nghệ. Chính vì vậy, việc phát triển vùng nguyên liệu cây điều là điều kiện tiên quyết để có đủ nguyên liệu cho ngành chế biến, giữ vững vị trí hạt điều Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch diện tích trồng điều ở các tỉnh, cần tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với hai nước bạn Campuchia và Lào nhằm phát triển diện tích và sản lượng điều trong năm tới. Việt Nam cũng đã đề xuất và tham gia sáng lập Hiệp hội Điều thế giới.
Tại Lễ hội Quả điều vàng, Sàn giao dịch điều đã được thành lập. Đây là sàn giao dịch về điều đầu tiên không chỉ của Việt Nam mà cả trên thế giới. Sàn giao dịch sẽ là nơi thể hiện chỉ số tham chiếu để doanh nghiệp nhanh chóng và kịp thời nắm được giá cả thị trường, mở ra hướng mới cho ngành điều trong chuyên nghiệp hóa mua bán và nâng cao giá trị mặt hàng điều. Tính cung cầu trên thị trường sẽ được bảo đảm khi doanh nghiệp sẽ được bảo hiểm giá nhằm tránh những rủi ro biến động trên thị trường.
Nhu cầu của thị trường điều còn rất lớn, cả nguyên liệu và chế biến xuất khẩu. Đây là lợi thế mà không phải ngành nào cũng có được. Bên cạnh đó, phát triển cây điều không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc khi đây là loại cây "xóa đói giảm nghèo" rất hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.