Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn thời gian để tác động đến kết quả

L.H| 28/12/2010 16:11

(HNMO) – Tháng 9/2010 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt

(HNMO) – Tháng 9/2010 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã có quyết định sơ bộ kết quả đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá cá phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ (giai đoạn từ 1-8-2008 đến 31-7-2009), nhiều doanh nghiệp bị tăng thuế rất cao.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp bị áp mức thuế phải đóng đến 4,22 USD/kg phi lê đông lạnh là rất cao, trong khi thực tế giá bán ở thị trường Mỹ thấp hơn giá chịu thuế; các doanh nghiệp lỗ nặng và tình hình xuất khẩu cá tra sang Mỹ gặp nhiều khó khăn.

Vào tháng 3/2011, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong vụ kiện thương mại quốc tế gây nhiều tranh cãi này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thủy sản, hiện vẫn còn có thời gian để tác động đến kết quả của DOC nếu chúng ta hành động nhanh chóng và quyết liệt.

Theo đó, hãy đánh giá tác động của quyết định sơ bộ này. Đối với những ai đã tham gia hoặc theo dõi vụ kiện, quyết định bất ngờ dùng nước Philippines làm “nước thay thế” thay vì Bangladesh như các năm trước là sự kiện bất ngờ và đồng thời không thể tiên đoán được, mặc dù DOC đặc biệt đã bác bỏ dùng Philippines làm nước thay thế cho đến ngày 7/7/2010.

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng: “Mức thuế chống bán phá giá trên là không hợp lý, bởi lần này DOC chọn Philippines - một nước nuôi cá rất ít, chi phí giá thành cao để so sánh với Việt Nam. Trong khi nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL phát triển mạnh, được đầu tư lớn từ nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu… từ đó giảm chi phí giá thành so với những nước khác”.

Đối với nhiều nhà xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ, việc công bố quyết định sơ bộ, đã đưa đến mức thuế lên đến 130% hoặc trên 2 USD/pound (4,22 USD/kg), đã gây ra vụ lộn xộn đáng kể trên thị trường, cũng như một tổn thương đáng kể cho các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và người mua – hầu hết họ xem quyết định sơ bộ của DOC hồi tháng 9 là một chứng cớ thêm nữa của chiến dịch bảo trợ phối hợp của Hội người nuôi cá da trơn Mỹ.

Phản ứng đối với công bố kết quả sơ bộ này, Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tham dự bằng cách ra một thông cáo mạnh mẽ tố cáo quyết định trên và nhấn mạnh đến nhu cầu về công bằng và về những nỗ lực để phát triển một mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam.

Nhóm pháp lý của VASEP, cùng với Viện Ngư Nghiệp Quốc Gia Mỹ (NFI) và nhóm truyền thông PR chiến lược của VASEP đã tiếp tục kêu gọi chú ý đến nhu cầu về công bằng khi ra quyết định cuối cùng, làm việc với báo chí thương mại và truyền thông quốc gia tại Mỹ.

Bên cạnh đó, các thông điệp chủ yếu từ VASEP và Chính Phủ Việt Nam đã và đang chuyển đến các quan chức Mỹ và truyền thông tập trung vào các kết quả tiêu cực cho quan hệ Mỹ - Việt nếu quyết định sơ bộ này được giữ lại trong quyết định cuối cùng.

Tại Việt Nam, trong khu vực tư nhân, có những công ty bị ảnh hưởng như công ty Vĩnh Hoàn, một trong những công ty dẫn đầu tại Việt Nam cung cấp công ăn việc làm trực tiếp cho trên 3.600 người. Nếu thuế sơ bộ được phép giữ vững, điều này sẽ tác động tiêu cực đến các doanh số. Kết quả là nhiều công ty sẽ phải giảm bớt lực lượng lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế và môi trường sống của người dân tại các vùng nuôi thủy sản hiện nay.

Mặt khác, ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã là một câu chuyện thành công quan trọng trong việc chống đói nghèo. Thương mại công bằng và thương mại tự do trong các sản phẩm nuôi trồng chắc chắn là một điều kiện tất yếu mà chúng ta cần tiếp tục củng cố để phát triển kinh tế và tiếp tục duy trì câu chuyện về thành công kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đã được cải tiến một cách đáng kể trong thập niên qua, tăng từ gần 1,4 tỉ USD trong năm 2001 đến trên 16 tỉ USD trong năm 2010. Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu lớn về thịt bò, đậu nành, các chế phẩm, trang thiết bị và các sản phẩm công nghệ cao từ Mỹ. Ngoài ra, hãng Hàng không Việt Nam đã và đang tiếp tục mua nhiều máy bay Boeing. Theo đó, thông điệp mà nước ta đã và đang gửi liên quan đến quyền lợi của Mỹ là thương mại công bằng và tự do làm lợi cho tất cả các bên trong một mối quan hệ thương mại, và Việt Nam đang chờ được đối xử công bằng khi nói đến một trong các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của người dân.

Mặt khác, nhìn về các quan hệ toàn cầu, một thông điệp mạnh mẽ mà chúng ta cần chuyển đi là nếu thuế chống phá giá không công bằng được phép đứng vững trên thị trường Mỹ, các nước khác nơi cá tra của Việt Nam đã thành công, đặc biệt là EU, có thể noi theo ví dụ của Mỹ để áp dụng nếu họ muốn bảo hộ thị trường sản xuất nội địa. Điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ càng bi thảm hơn cho các nhà sản xuất các mặt hàng xuất khẩu khác, người ta có thể liên tưởng đến thuế chống phá giá có thể áp dụng cho bất cứ sản phẩm nào khác từ Việt Nam, và cuối cùng là các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Thông qua các luật sư, phía Việt Nam đã và đang âm thầm làm việc tại Mỹ để chuyến đến các quan chức Chính phủ rằng chúng ta không đồng tình với quyết định vừa qua của DOC. Là một nước hiện đang hưởng một mối quan hệ thương mại tích cực với Mỹ, Việt Nam không muốn thấy mối quan hệ tích cực này bị xói mòn bởi quyết định sơ bộ rất tổn hại này.

Kinh nghiệm từ các chuyên gia kỳ cựu trong các tranh chấp thương mại khác đã rất thành công, ví như trong trường hợp cá hồi Đại Dương của Chi Lê, đã làm rõ chiến thắng (nơi có những người kiến nghị Mỹ áp mức thuế 42% thay vì 4,2% và cuối cùng mức thuế cao đã bị bác bỏ); thông qua một nỗ lực phối hợp từ ngành công nghiệp và Chính phủ trong truyền đạt thông điệp rằng thương mại công bằng và tự do sẽ làm lợi cho cả hai nước, và chắc chắn sẽ làm lợi cho người tiêu dùng Mỹ! Một sự hiện diện mạnh mẽ tại Washington D.C, của cả ngành công nghiệp và Chính phủ Chi Lê đã tạo ra sự thành công trên. Nhóm chuyên gia này đã làm việc cho những người nuôi cá hồi Chi Lê và hiện nay đang làm việc với VASEP.

Theo nhóm chuyên gia này, trong lúc quyết định cuối cùng của DOC còn chưa được thực hiện – dự tính việc công bố sẽ diễn ra vào tháng 3/2011 – điều quan trọng hàng đầu hiện nay là Chính phủ Việt Nam gửi đến Chính phủ Mỹ những quan tâm mạnh mẽ, rõ ràng và minh bạch của mình; để cho tất cả các cấp trong Chính phủ Mỹ hiểu rõ rằng người sản xuất cá tra Việt Nam đang cung cấp một sản phẩm mà thị trường Mỹ và các thị trường thế giới cần, thích và nỗ lực tìm kiếm – và rằng chúng ta đang sản xuất thủy sản theo những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Thông điệp khác mà các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp của chúng ta đã và đang cần tiếp tục truyền đạt, đó là Việt Nam không phải là nguyên nhân của các vấn đề mà các nhóm nuôi cá da trơn Mỹ đang đối mặt.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cần lắng nghe từ Việt Nam rằng ngành cá tra của chúng ta nói riêng đang tạo ra thịnh vượng kinh tế tại Việt Nam. Công nghiệp nuôi và chế biến cá tra là một yếu tố then chốt trong việc xóa đói giảm nghèo và đang cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trong nước. Chúng ta cần phải hành động ngay để tránh thảm họa có thể xảy đến cho nhân dân, cho công nghiệp sản xuất và xuất khẩu trong nước và nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn thời gian để tác động đến kết quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.