(HNM) - Giết mổ gia súc, gia cầm là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, lâu nay việc quản lý hoạt động này bộc lộ nhiều lỗ hổng, khiến các cơ sở giết mổ không phép luôn trong tình trạng bị buông lỏng.
Theo thống kê của cơ quan quản lý, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Điều đáng nói, trong số đó chỉ có khoảng 60% lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát và giết mổ tại các cơ sở đủ điều kiện; số còn lại được phó mặc cho các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không phép tại các khu chợ cóc, chợ dân sinh không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tình trạng mua, bán gia súc, gia cầm qua giết mổ không bảo đảm chất lượng trở nên phổ biến tới mức phần lớn người dân chỉ mua, bán theo thói quen mà không quan tâm đến chất lượng vệ sinh, sự an toàn…
Điều này lý giải vì sao, thành phố hiện có tổng 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chỉ có 168 cơ sở được cấp phép; còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không phép. Do người dân vẫn giữ thói quen mua thực phẩm tươi sống hằng ngày nên một lượng lớn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn len lỏi trong các khu dân cư, khó kiểm soát.
Đến bất cứ khu chợ "cóc", chợ tạm nào trên địa bàn thành phố cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những lồng gà, vịt, chim bồ câu… được nuôi nhốt và giết mổ ngay vệ đường, trên nền gạch, ngay cạnh hệ thống cống rãnh... Một nồi nước sôi có khi được chủ cơ sở giết mổ sử dụng từ sáng tới chiều, dùng giết mổ hàng chục con gia cầm cùng lúc. Với điều kiện giết mổ như thế, tình trạng lây nhiễm chéo, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường sống là không tránh khỏi.
Trong hàng loạt lý do khiến các cơ sở giết mổ không phép hoạt động tràn lan phải kể đến là sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương. Tuy nắm rõ tất cả chợ "cóc", chợ tạm, các điểm giết mổ… trên địa bàn, song phần lớn chính quyền cơ sở chỉ chú trọng quản lý trật tự công cộng mà bỏ ngỏ công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Mặt khác, các chủ cơ sở kinh doanh, giết mổ chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà bất chấp việc giữ gìn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Về phía người tiêu dùng, phần lớn còn dễ dãi, đơn giản trong khâu lựa chọn thực phẩm nên càng tạo điều kiện cho những cơ sở này tồn tại.
Để chấm dứt tình trạng này, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, xử phạt, tiến tới chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức quản lý chặt các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để các chủ cơ sở kinh doanh giết mổ nâng cao trách nhiệm trước cộng đồng, đồng thời định hướng người tiêu dùng lựa chọn các thực phẩm bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.