Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn 18 người mất tích do mưa lũ ở miền Trung

Kim Nhuệ| 25/10/2020 12:14

(HNMO) - Gặp không khí lạnh, bão số 8 đã giảm về cường độ nhưng vẫn rất mạnh. Đáng lo ngại, cơn bão mới đã hình thành với cường độ rất mạnh đang di chuyển hướng vào các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Ứng phó với bão số 8, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sạt lở đất... ngày 25-10, các tỉnh, thành phố miền Trung đang khẩn cấp triển khai các phương án.

Đường đi của bão số 8.

Hai cơn bão hướng vào khu vực miền Trung

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 10h sáng nay (25-10), bão số 8 cách đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 200km với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Khoảng đêm nay và rạng sáng mai (26-10), bão số 8 đi vào đất liền các tỉnh nêu trên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.

Do ảnh hưởng của bão nên hôm nay, trên vùng biển vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 2-4m; biển động mạnh; vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trên đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế xảy ra mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi cao hơn 200mm.

Ngoài ra, áp thấp trên vùng biển miền Trung Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Molave. Hiện, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7h ngày 27-10, bão Molave cách đảo Song Tử Tây khoảng 300km với sức gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14. Đến 7h ngày 28-10, bão cách bờ biển các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên khoảng 170km với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15...

Ứng phó với bão số 8, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 59.477 tàu thuyền với 289.298 lao động hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để vào nơi trú/tránh an toàn. Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã bắn pháo hiệu báo bão tại 32 điểm... 

Khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sạt lở đất

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, sáng nay, mực nước trên các sông lớn chảy qua địa phận các tỉnh, thành phố miền Trung đang xuống nhanh. Tình trạng ngập lụt chỉ còn trên địa bàn 3 huyện, thị xã: Lệ Thủy, Quảng Ninh và Ba Đồn của tỉnh Quảng Bình với tổng số 326 hộ dân bị ngập lụt... Tuy nhiên, nhiều vị trí trên các trục đường lớn, như: Đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 12C, 15D, 49 đi qua các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn ngập úng, sạt lở gây ách tắc giao thông.

Về thiệt hại, tính đến 10h sáng 25-10, mưa lũ, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Trung (xảy ra từ ngày 6 đến 25-10) đã làm 130 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Trị 50 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 31 người, tỉnh Quảng Bình 19 người, tỉnh Quảng Nam 13 người... Hiện 5 tỉnh còn 18 người mất tích; trong đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn 12 người, tỉnh Quảng Trị còn 4 người... Bên cạnh đó, mưa lũ, sạt lở đất còn làm 885 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; 1.418ha lúa và 7.871ha hoa màu bị ngập, hư hại; 7.039 gia súc và 927.792 gia cầm bị chết, cuốn trôi...

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố miền Trung tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi, chủ động quyết định việc cấm biển; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu vận tải, tàu vãng lai, các hoạt động du lịch, sản xuất nuôi trồng thủy hải sản... Cùng với nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố miền Trung và bộ, ngành liên quan tiếp tục tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm thiết yếu đối với những gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có nhà bị sập, mất tài sản, kiên quyết không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân dọn vệ sinh nhà ở, trường lớp, xử lý môi trường; sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng, nhất là công trình giao thông, y tế, điện, nước...

Ngoài các nhiệm vụ trên, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, khu vực sạt lở; chủ động điều tiết các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước, bảo đảm an toàn công trình, đồng thời dành dung tích phòng lũ để sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ do bão số 8 gây ra... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn 18 người mất tích do mưa lũ ở miền Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.