(HNM) - Trong các văn bản trả lời đơn của công dân thôn Quế Dương, UBND xã Cát Quế và Phòng VH&TT huyện Hoài Đức đều khẳng định: Việc công dân đề nghị UBND xã trả lại diện tích đất công ích quanh Đình Đấu (còn gọi là Đền Vật), chấm dứt việc cho các hộ thuê thầu đất quanh đình để sản xuất
Hàng rào lưới mắt cáo được quây sát Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Đấu. |
Không có cơ sở giải quyết việc đòi đất di tích
Ông Nguyễn Khắc Cường, Trưởng ban Khánh tiết thôn Quế Dương cho biết: Đình Đấu là nơi thờ danh tướng Phạm Tu (Lý Phục Man), danh tướng có đức, tài và giàu lòng yêu nước, có nhiều đóng góp trong việc đánh giặc giữ nước, lập nước Vạn Xuân (thế kỷ thứ VI). Đình còn thờ ông tổ nghề vật họ Nguyễn Kim. Đình Đấu đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Theo lý lịch di tích thiết lập ngày 1-2-1994 do ông Cường cung cấp, trước đây Đình Đấu như một rừng cây, rộng 18.095m2 với các loại cây ăn quả, cây lâu năm như vải, nhãn, quế, lan, gạo… Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, chính quyền địa phương cho chặt gần hết số cây quanh đình, lấy đi trên 14.000m2 đất cho một số hộ dân trong thôn thầu trồng cây ăn quả. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Cường, việc chính quyền địa phương chuyển đất di tích thành quỹ đất 2 để cho nhân dân thuê đã làm cho di tích bị "teo tóp" lại. Không những thế, các hộ thuê đất còn quây lưới mắt cáo sát tường di tích; bón phân, phun thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi thờ tự…
Để làm rõ những thông tin công dân phản ánh, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với đại diện UBND xã Cát Quế. Qua trao đổi và nghiên cứu các văn bản được biết, năm 1990, xã Cát Quế đo đạc bản đồ địa chính. Theo đó, thửa đất số 61, tờ bản đồ số 320-D-I thuộc thôn Tháp Thượng, xã Cát Quế có tổng diện tích 18.095m2. Trên diện tích này có công trình thờ tự Đình Đấu (3.394m2), diện tích còn lại do UBND xã Cát Quế quản lý và sử dụng từ tháng 12-1993. Tháng 2-1994, Sở VHTT và Bảo tàng tỉnh Hà Tây (cũ) lập hồ sơ xếp hạng di tích Đình Đấu. Trong biên bản khoanh vùng di tích lập ngày 1-2-1994, vùng bảo vệ di tích Đình Đấu có diện tích 3.394m2 thuộc thửa số 61a; 14.701m2 đất xung quanh đình là đất công ích do UBND xã Cát Quế quản lý và sử dụng, thuộc thửa số 61b.
Ông Phạm Thừa Ninh, cán bộ địa chính xã Cát Quế khẳng định: UBND xã Cát Quế quản lý, cho các hộ dân thuê đất sản xuất NN là đúng theo quy định của pháp luật về đất đai, không xâm phạm diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích Đình Đấu. Do vậy, các ông bà trong Ban Khánh tiết và Chi hội Người cao tuổi thôn Quế Dương đề nghị UBND xã chấm dứt việc cho các hộ dân thuê thầu đất và trả lại đất thuộc di tích lịch sử Đình Đấu là không có cơ sở, không đúng quy định và không đủ thẩm quyền.
Sớm hoàn chỉnh hồ sơ quản lý di tích
Trở lại việc sử dụng thửa đất số 61b, từ đầu năm 1994, sau khi nhận bàn giao từ HTX NN Quế Dương, UBND xã Cát Quế đã giao thầu cho một số hộ gia đình để sản xuất NN, thời hạn thầu 5 năm (1994-1999). Năm 1999, UBND xã Cát Quế tiếp tục tổ chức đấu thầu công khai cho các hộ gia đình thuê trồng cây ăn quả. Căn cứ nhu cầu thuê đất của các hộ nhận thầu trước đó, UBND xã Cát Quế tiếp tục ký hợp đồng với các hộ. Đến nay, có 4 hộ nhận thầu để trồng cây ăn quả và sử dụng đất đúng mục đích. Từ năm 2005-2012, căn cứ vào quy hoạch đã được phê duyệt, UBND xã Cát Quế đã cắt 5.000m2 (khu vực trước cửa đình, nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích) thuộc thửa đất số 61b làm sân vận động; đồng thời cắt 994m2 để mở rộng khuôn viên di tích Đình Đấu. Theo báo cáo của UBND xã Cát Quế, hiện nay tổng diện tích Đình Đấu sử dụng là 4.388m2.
Tại văn bản số 3563/VHTTDL-BQLDT ngày 28-10-2014 của Sở VHTT&DL Hà Nội về việc giải quyết đơn kiến nghị việc sử đụng đất liên quan đến khu vực bảo vệ Đình Đấu, Sở VHTT&DL Hà Nội cũng khẳng định: Căn cứ vào hồ sơ xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật lịch sử hiện lưu tại Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hà Nội, hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử Đình Đấu lập năm 1994 thể hiện khu vực bảo vệ di tích chỉ có khu vực I, thuộc thửa số 61a, diện tích 3.394m2.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chánh thanh tra huyện Hoài Đức Cao Văn Tâm cho biết, qua xác minh thực địa, kiểm tra tài liệu chứng cứ hồ sơ di tích cho thấy diện tích di tích Đình Đấu chỉ có 3.394m2, do đó việc công dân đề nghị trả lại trên 13.000m2 đất xung quanh đình là không có cơ sở xem xét, giải quyết. Để giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài, đề nghị UBND xã Cát Quế và Ban Quản lý di tích xã tập trung tuyên truyền, vận động để người dân thôn Quế Dương, đặc biệt là Ban Khánh tiết thôn hiểu rõ và đồng thuận trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn; yêu cầu các hộ dân thuê đất tháo dỡ hàng rào lưới mắt cáo quây sát di tích và có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, căn cứ vào hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích được lập năm 1994, đề nghị UBND huyện Hoài Đức (đơn vị quản lý trực tiếp di tích theo phân cấp của thành phố) chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã Cát Quế sớm hoàn chỉnh hồ sơ quản lý đất đai của di tích theo quy định hiện hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.