(HNM) - Quản lý, sử dụng chưa theo quy hoạch; hiện tượng tranh chấp, mua bán đất bất hợp pháp xảy ra trên quy mô lớn; chính sách quản lý các nông, lâm trường còn chưa phù hợp với thực tiễn...
Công ty Xuất nhập khẩu rau quả Đồng Giao đã sắp xếp, chuyển đổi và kinh doanh hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động. Ảnh: Huy Hùng |
Sau 10 năm thực hiện nghị quyết, từ 185 nông trường, công ty nông nghiệp trên cả nước, đến nay, đã sắp xếp, giảm xuống còn 145 công ty nông nghiệp. Đối với ngành lâm nghiệp đã thực hiện sắp xếp từ 256 lâm trường quốc doanh, xuống còn 148 công ty lâm nghiệp và 87 ban quản lý rừng phòng hộ. Một số diện tích đất và cơ sở hạ tầng sau rà soát đã bàn giao về địa phương (công ty nông nghiệp bàn giao tại thực địa 60.000ha, công ty lâm nghiệp 504.788ha). Việc quản lý, sử dụng đất cũng hiệu quả hơn, trong đó diện tích đất các công ty nông nghiệp đưa vào sản xuất gần 561.100ha, chiếm 88%, chủ yếu theo hai hình thức chính là tự tổ chức sản xuất và giao khoán. Đối với 37 công ty nông nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, nhờ đổi mới cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh đều tăng, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Đăng Khoa cho rằng, nhiều doanh nghiệp mới chỉ đổi tên mô hình, chưa có sự đổi thay căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; việc rà soát trên thực địa và hoàn chỉnh hồ sơ để làm thủ tục giao đất, thuê đất, cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều công ty chưa thực hiện; đặc biệt, tình trạng tranh chấp, chuyển nhượng, mua bán đất trái pháp luật tại một số nơi vẫn diễn ra khá phổ biến...
Theo các chuyên gia và lãnh đạo các địa phương, những bất cập sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28 chủ yếu xoay quanh vấn đề cơ chế, chính sách đối với rừng nghèo kiệt; chính sách thuế, cho thuê đất, thu tiền sử dụng đất, vốn đầu tư, mô hình quản lý doanh nghiệp chưa thống nhất... Liên quan đến mô hình quản lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đề xuất, nên sáp nhập các ban quản lý rừng không hiệu quả vào công ty lâm nghiệp. Về quản lý đất đai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang cho rằng, quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường cần xem xét trên tất cả các khía cạnh, phải có chính sách giao đất hiệu quả, phát triển rừng đúng quy hoạch và hỗ trợ một phần ngân sách cho địa phương để thực hiện đo đạc cắm mốc giới, quản lý đất rừng tốt hơn. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ cho biết, trong quản lý đất đai, công ty đã thực hiện khá thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, song vẫn còn tồn tại tình trạng tranh chấp đất đai giữa hộ nông dân có đất với hộ nhận đất giao khoán... Do đó, cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất, các nông, lâm trường mới yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.