(HNM) - Vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận xã hội, thời gian qua một số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành buộc phải hủy bỏ hoặc tạm dừng thi hành. Không chỉ gây lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc, điều này nếu lặp lại nhiều sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự nghiêm minh của luật pháp...
Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhưng xa thực tế, thiếu quy chuẩn sẽ khó khăn cho người thi hành và ảnh hưởng tới sự nghiêm minh. Ảnh: Linh Ngọc |
Xa thực tiễn
Đến thời điểm này, rất nhiều nội dung của các thông tư, nghị định vừa được ban hành đang là tiêu điểm thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Gần nhất phải kể đến Nghị định số 94 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu. Nghị định quy định, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép, trên sản phẩm có dán nhãn. Nếu bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất. Theo quy định, khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra khi cần thiết. Đây là một chủ trương đúng đắn, hướng tới bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng song dù chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 nhưng việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả như mong muốn. Tại đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn mới đây cho thấy, nghị định trên mới chỉ đến các cơ quan quản lý, còn với chính quyền địa phương, việc quản lý, kiểm soát các hộ nấu rượu không hề đơn giản. Hầu hết các gia đình nấu rượu đều là điểm nhỏ lẻ, mỗi ngày vài chục lít để bán lẻ và lấy bã rượu phục vụ chăn nuôi. Vì vậy, họ có sao làm vậy, không tuân theo bất cứ quy định nào về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, do chưa có quy chuẩn về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, phòng chống cháy nổ đối với các hộ nấu rượu nhỏ lẻ nên chính quyền muốn quản cũng khó. Quy định không rõ ràng, người nấu rượu vẫn tiếp tục chưng cất bởi Tết đã cận kề, khiến nhiều người lo ngại, quy định ban hành ra để đấy...
Không chỉ làm xong để đấy, có những văn bản pháp luật sau khi ra đời một thời gian đã "chết yểu". Có thể kể tới Nghị định 71 của Chính phủ quy định từ ngày 10-11-2012, CSGT sẽ áp dụng mức xử phạt từ 6 đến 10 triệu đồng với ô tô và 1 triệu đồng với xe máy không sang tên đổi chủ. Trước phản ứng của dư luận cho rằng khó khả thi, Chính phủ đã yêu cầu Bộ CA soạn thảo hướng dẫn và các bộ ngành liên quan xem xét giảm mức phí sang tên đổi chủ. Chính phủ cũng yêu cầu khi chưa có hướng dẫn, lực lượng chức năng tạm thời chưa phạt. Trong danh sách các văn bản thuộc diện chết yểu sẽ là thiếu sót nếu không kể đến Thông tư 33, 34 của Bộ NN&PTNT khi quy định thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ, hay các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm phải có địa điểm riêng biệt, có thiết bị xử lý, bảo quản trứng ở nhiệt độ thích hợp, có thiết bị vệ sinh, xử lý chất thải và phải rửa trứng, khử trùng trước khi bán. Ngay tại Hà Nội, quy định cấm đăng ký xe máy khu vực nội thành sau hơn 2 năm thực hiện cũng phải tạm dừng do không phù hợp với thực tế.
Thiếu quy chuẩn
Một chính sách mới ban hành để vào được cuộc sống không hề đơn giản, ngay cả những chủ trương đúng như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông phải mất một thời gian dài tuyên truyền cũng như nỗ lực của các cơ quan chức năng mới đi vào nề nếp. Đặc biệt, với những chính sách liên quan trực tiếp tới đông đảo người dân để việc thực thi hiệu quả lại càng khó khăn gấp bội. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm ngay từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến cho đến khi ban hành.
Theo quy định của luật, để bảo đảm tính khả thi trong thực hiện, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành phải có ý kiến đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này đôi khi chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ. Mặt khác, việc thống kê, tập hợp xử lý ý kiến góp ý của người dân hiện vẫn là khâu yếu. Người dân khi gửi ý kiến đến các cơ quan chức năng thường không nhận được phản hồi có được tiếp thu hay không, nếu không thì vì lý do gì? Ngược lại, phần lớn người dân cũng ít quan tâm đến việc góp ý cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như Nghị định 105 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức vừa được ban hành thay thế Nghị định 62, tuy chỉ có điều chỉnh 2 điều nhưng sau 60 ngày đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và trang điện tử Bộ VHTT&DL mới chỉ có 9 ý kiến góp ý. Tuy nhiên, khi ban hành nghị định này đã gặp sự phản ứng của người dân về quy định không để ô cửa có lắp kính trên quan tài hay không rắc vàng mã lúc đưa tang.
Từ những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành rồi chết yểu, ban hành có mà như không hay thiếu khả thi có thể thấy, muốn được người dân đón nhận, ủng hộ trước hết văn bản đó phải xuất phát từ chính quyền lợi của người dân, phục vụ cho sự phát triển của xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thấu đáo mọi tác động của chính sách đối với xã hội, đừng đợi thấy sai, thấy dư luận phản ứng mới sửa. Có như vậy mới mong người dân không nhờn luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.