(HNM) - Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), ngoài 6 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố, hơn 600 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của các quận, huyện và xã, phường, thị trấn đã được thành lập trên địa bàn Hà Nội.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra bếp ăn tập thể trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. |
Đóng cửa khi bị… kiểm tra
UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, trong thời gian triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP), các đoàn liên ngành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của quận, đội quản lý thị trường số 5, UBND của 20 phường đã tiến hành kiểm tra được 174 lượt cơ sở, trong đó xử phạt 28 cơ sở với số tiền hơn 61 triệu đồng, tạm dừng hoạt động 5 cơ sở, thu giữ và tiêu hủy hơn 400kg thực phẩm không bảo đảm an toàn…
Các vi phạm bị phát hiện chủ yếu như: Kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, giấy khám sức khỏe nhân viên, giấy xác nhận kiến thức ATTP; không bảo đảm ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh như thực phẩm quá hạn sử dụng, không kiểm nghiệm mẫu định kỳ, kinh doanh rượu hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc…
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt đánh giá, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận cố tình vi phạm pháp luật về ATTP, chống đối cơ quan quản lý. Thành phố đang tăng cường việc thanh, kiểm tra và xử phạt mạnh tay đối với các vi phạm liên quan đến lĩnh vực ATTP. Trên thực tế, khi tiến hành kiểm tra, bất kỳ cơ sở nào dù lớn hay nhỏ đều có sai phạm.
“Công tác kiểm tra hiện nay đang triển khai theo hai hình thức, gồm: Kiểm tra định kỳ có kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Tuy nhiên, việc kiểm tra định kỳ gặp nhiều khó khăn vì cơ quan chức năng phải thông báo với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước 24 giờ. Khi đã nắm được thông tin, thời gian bị kiểm tra, chủ cơ sở sẵn sàng đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc”, ông Vũ Văn Hoạt nói.
Đề cập đến khó khăn trong công tác kiểm tra ATTP, bà Tạ Thị Thanh Huyền, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành cho rằng, trong Tháng hành động vì ATTP, lực lượng chức năng quản lý ATTP tại địa bàn được tăng cường gấp đôi. UBND phường còn dành riêng ngày thứ năm hằng tuần để tổ kiểm tra liên ngành đi kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ngoài lãnh đạo phường, tổ kiểm tra có sự tham gia của lực lượng y tế, công an, quản lý thị trường.
Tuy nhiên, khi thiếu một trong các thành phần trên, buổi kiểm tra buộc phải hủy bỏ. Trong khi trên thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác quản lý ATTP của phường chính là thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP. Không ít buổi kiểm tra đã không được tiến hành vì thiếu cán bộ y tế thực hiện các test nhanh.
Trên địa bàn huyện Gia Lâm có hơn 1.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ và siêu thị cũng như các vùng sản xuất rau. Trong Tháng hành động vì ATTP, 25 đoàn kiểm tra liên ngành các cấp của huyện đã kiểm tra 364 lượt cơ sở, xử phạt 40 cơ sở với số tiền trên 56 triệu đồng, đồng thời tạm dừng hoạt động của một cơ sở. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, Gia Lâm là địa bàn đông dân, trình độ dân trí chưa đồng đều, trong khi cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm nhiều khiến công tác quản lý ATTP gặp khó khăn.
Kiện toàn bộ máy cơ sở
Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho rằng, so với các địa phương khác, Hà Nội đã quyết liệt trong công tác quản lý ATTP. Thế nhưng, do việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn nhỏ lẻ nên dù vào cuộc quyết liệt cũng khó triệt để. Vì vậy, bên cạnh giải pháp “nóng” là tăng cường kiểm tra, việc quản lý cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm phải có sự thay đổi. Trước hết, UBND xã, phường, thị trấn đã được giao trách nhiệm trong việc quản lý ATTP phải nắm rõ các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó có bao nhiêu cơ sở được cấp phép, từ đó khi xảy ra sai phạm sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Thực tế triển khai Tháng hành động vì ATTP trên địa bàn Thủ đô đã cho thấy, vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát vấn đề ATVSTP. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, quá trình triển khai kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả, rượu trên địa bàn các quận, huyện và xã, phường, thị trấn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ yếu nhỏ lẻ, cùng với đó là nhiều chợ cóc, chợ tạm… thường xuyên biến động, trong khi nhân lực chuyên trách quản lý ATTP của chính quyền cơ sở còn mỏng.
Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Khắc Hiền đề cập, là qua kiểm tra vẫn còn tình trạng “trên quyết liệt, dưới lơ là”. Thời gian qua, vấn đề tăng cường quản lý, kiểm soát, không để thực phẩm “bẩn” tuồn vào thị trường được lãnh đạo thành phố triển khai quyết liệt. Dù quyết tâm là vậy nhưng việc có kiểm soát được hay không lại phụ thuộc vào các xã, phường, thị trấn. Bởi, khi kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh hầu hết cán bộ quản lý trên địa bàn không trả lời được câu hỏi của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố, cũng không nắm được cơ sở bị kiểm tra đã được cấp phép hay chưa, hoạt động được bao lâu (?).
Trước thực tế đó, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP của lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Trước mắt, thành phố sẽ tiến tới kiện toàn bộ máy quản lý ATTP tại các xã, phường, thị trấn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.