(HNMCT) - Trong xã hội dựa trên tri thức và số hóa của thế kỷ XXI, giáo dục phải đương đầu với thách thức to lớn khi phải đổi mới phương pháp dạy và học. Người giáo viên cũng phải thay đổi để thích ứng với tốc độ hiện đại hóa của xã hội cũng như để duy trì mối quan hệ với học sinh, sinh viên nhằm tạo ra một môi trường học tập hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Beyza Himmettoglu thuộc Đại học Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), giáo dục là lĩnh vực chịu nhiều sự tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những thành tựu nổi bật liên quan tới internet, điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, kỹ thuật công nghệ cao, ứng dụng phần mềm... Chính vì vậy, mô hình giáo dục 4.0 là chủ đề được quan tâm của đại đa số các quốc gia. Nói một cách khác, giáo dục trong thời đại công nghiệp 4.0 là nền giáo dục tạo ra sự đổi mới, mang tới cho học sinh, sinh viên cơ hội phát triển năng lực theo hướng tự do, đồng thời gắn kết, vận dụng công nghệ vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình này, công nghệ giảng dạy, trường học, mối quan hệ giáo viên và học sinh được xác định lại. Nếu như trong các lớp học truyền thống, giáo viên thực hiện vai trò truyền đạt kiến thức từ cơ bản cho tới nâng cao, học sinh chủ yếu lắng nghe, sau đó thực hành, thì hiện nay, trình tự này đã được thay đổi. Học sinh có thể tìm kiếm kiến thức thông qua mạng internet, các giờ lên lớp sẽ tập trung vào kiến thức mở rộng, các bài thuyết trình, tranh luận, phân tích và giải quyết những vấn đề được đặt ra. Giáo viên được xem là người dẫn dắt, giải đáp thắc mắc và đưa ra kết luận cuối cùng. Vai trò của giáo viên đã và đang thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập. Để làm được điều này, giáo viên phải giúp sinh viên điều chỉnh chất lượng và độ giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, phải là nhà giáo chuyên nghiệp có đầu óc mở, biết phê phán độc lập, hợp tác tích cực và điều giải giữa người học với những gì mà họ muốn biết.
Nói một cách cụ thể hơn, học viên trong thế giới 4.0 đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin, có thể tự học, tự nghiên cứu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau. Trong bối cảnh đó, giáo viên không phải là người duy nhất có được kiến thức và thông tin giá trị. Thay vào đó, họ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, phân biệt sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng. Trên hết, đó là khả năng kết hợp thông tin thành một bức tranh rộng lớn về thế giới. Giảng viên dựa trên nhu cầu học hỏi của học viên để gợi mở và định hướng nhiều hơn là truyền đạt kiến thức.
Cách giáo viên nhìn nhận và tương tác với sinh viên thế nào cũng đang thay đổi. Ngày nay, giáo viên coi mỗi sinh viên là một cá nhân và thúc đẩy việc học của họ dựa trên hứng thú của từng người. Sự đa dạng hóa và cá nhân hóa này sẽ làm cho thế giới trở nên thú vị. Nghiên cứu của các giáo sư Trường Đại học Giáo dục Sultan Idris (Malaysia) cho thấy, vai trò giáo viên trong thế kỷ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận. Giáo viên phải chịu trách nhiệm không chỉ với việc dạy mà còn với việc học của trò. “Họ phải quan tâm tới nhu cầu của từng sinh viên trong lớp học không đồng nhất, tạo môi trường học tập lấy sinh viên làm trung tâm để họ học xuất sắc và có cơ hội học tập theo lối truy vấn, năng động. Nói chung, người thầy cần cải tiến phương pháp dạy và không ngừng học hỏi nghiệp vụ” - Tiến sĩ Tai Mei Kin cho biết.
Thời đại công nghiệp 4.0 giúp thúc đẩy sự tương tác giữa giáo viên với học sinh. Trước đây, người học chủ yếu tham gia các chương trình giáo dục đã được xây dựng sẵn, có khuôn mẫu chung cho số đông và tiếp cận kiến thức một chiều. Ngày nay, theo đòi hỏi của giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng kiến thức mà mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng theo đòi hỏi của từng cá nhân. Nhờ internet, các lớp học có thể diễn ra ở bất cứ đâu, thời điểm nào. Thay cho trường lớp mang tính vật lý với giảng đường, thư viện và thời khóa biểu cố định, các trường trực tuyến đang phát triển và trở thành làn sóng giáo dục mới. Tài liệu học tập, sách tham khảo đều lưu trữ trên không gian mạng. Những học viên 4.0, vì thế, không nhất thiết phải tập trung tại các giảng đường. Họ có thể làm các công việc khác và tận dụng thời gian rảnh rỗi để tham gia học qua chiếc điện thoại của mình. Nếu như trước đây, chỉ đến trường mới có thể gặp được giáo viên thì ngày nay, học sinh có thể liên hệ với giáo viên ở bất kỳ đâu. Nhờ đó, họ có thể trao đổi nhanh chóng với giáo viên về ý tưởng học tập, hoặc kiến thức khó cần lời khuyên. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả học tập, mà còn giúp quan hệ thầy trò gắn kết hơn.
Nói tóm lại, giáo dục trong thời đại 4.0 tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh, sinh viên làm việc trong môi trường đào tạo có chiều sâu. Giáo sư Tony Wagner (Đại học Harvard) từng chia sẻ: “Thế giới ngày nay không quan tâm kiến thức của sinh viên là gì, mà quan trọng là sinh viên làm được gì với kiến thức đó”. Vì thế, vai trò của người giáo viên thời 4.0 không đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Người học cần có năng lực học tập suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức và tri thức để theo kịp sự đòi hỏi công việc vốn liên tục thay đổi trong xã hội 4.0.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.