(HNMCT) - Giống như mọi lĩnh vực khác, người thầy trong xã hội hiện đại đang chịu tác động không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 khi phải làm quen với các khái niệm như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo... Cũng từ những thay đổi này, văn hóa ứng xử giữa thầy và trò trong môi trường giáo dục cũng biến đổi theo. Không còn đóng vai trò độc tôn như trước kia, đạo thầy trò ngày nay được thể hiện qua những cách ứng xử mới mẻ, người thầy trong thời đại mới chuyển hướng sang vai trò người hướng dẫn, người đồng hành, truyền cảm hứng, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò.
Những chuyển động mới
Thời gian qua, đã có ý kiến cho rằng nên thay thế câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường bằng các khẩu hiệu khác. Các cuộc tranh luận đã diễn ra sôi nổi. Phía những người đồng tình với khẩu hiệu này cho rằng, việc giữ “lễ”, trong đó có đạo thầy trò, là một nét đẹp được hình thành từ xa xưa và rất cần thiết trong bối cảnh xã hội đang có nhiều thay đổi về giá trị như ngày nay. Phía còn lại thì cho rằng không nên đem khẩu hiệu từ thời Nho học, phong kiến để áp vào đời sống hiện đại, bởi nếu cứ tiếp tục quan niệm này thì dễ sa đà vào căn bệnh hình thức, không khuyến khích được sự sáng tạo, tư duy phản biện của học sinh...
Rõ ràng là từ hiện tượng trên, chúng ta nhận thấy, xã hội biến đổi kéo theo những thay đổi không nhỏ trong tư duy, cách ứng xử trong cộng đồng nói chung và môi trường học đường nói riêng. Bởi nhìn vào thực tế, ngày nay, phương pháp truyền thụ kiến thức nặng tính một chiều từ thầy sang trò, lấy khối lượng kiến thức làm mục tiêu chủ yếu của nền giáo dục truyền thống đang được thay thế bằng các phương pháp mới. Người thầy thời 4.0 không đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn là người đồng hành, giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Đổi lại, với vị trí là trung tâm, học sinh ngày nay đã không còn thụ động, nhất nhất nghe theo lời thầy như trước mà đã có sự phản biện nhất định, biết đấu tranh, phê phán tiêu cực để xây dựng một môi trường học tập lành mạnh...
Tuy nhiên, công nghệ có thể thay người thầy truyền thụ kiến thức nhưng không thể truyền được sự hứng thú, tình cảm như cách mà các thầy cô vẫn truyền đến học sinh. Công nghệ cũng không biết khích lệ, khen thưởng những cố gắng, tiến bộ dù nhỏ của học sinh, không biết xử lý một cách phù hợp trước những sai phạm của các em, không biết em nào nên trách phạt, em nào nên tạo cơ hội để có thể sửa chữa sai lầm. Bằng sự kiên trì, tình cảm, người thầy có thể biến một học sinh cá biệt, quậy phá thành một học sinh tích cực, tiến bộ, một học sinh yếu kém thành một học sinh khá, giỏi... Đó là những điều mà công nghệ dù có hiện đại đến đâu cũng không thay thế được người thầy trong giáo dục hiện đại.
“Kim chỉ nam” để ứng xử văn hóa
Tuy nhiên, cũng vì sự biến đổi trong môi trường học đường mà bên cạnh những thay đổi tích cực, còn xuất hiện không ít những sai lầm trong lối ứng xử giữa thầy và trò. Từ những hành động nhỏ thể hiện sự thiếu tôn trọng với giáo viên như gặp thầy giáo (cô giáo) mà không chào, dùng các từ “lóng” để ám chỉ thầy giáo (cô giáo) cho đến những hành vi lệch chuẩn như chửi bới, đe dọa, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự, uy tín, đạo đức của thầy, cô giáo...
Để xảy ra những sự việc trên phần nhiều là do môi trường giáo dục từ trong gia đình có khiếm khuyết khi nhiều bậc cha mẹ cho rằng trách nhiệm dạy bảo con em họ là của người thầy. Tiếp đó là do nhận thức thiếu sót của một bộ phận học sinh nảy sinh từ tâm lý phức tạp, nổi loạn, bồng bột của tuổi mới lớn chưa được lắng nghe, điều chỉnh kịp thời. Từ phía giáo viên, cũng có một số thầy, cô giáo chưa thực sự gương mẫu trong lối sống, sa vào chuyện tiêu cực như nhận hối lộ để nâng điểm, mở lớp dạy thêm và dùng nhiều cách để học sinh "tự nguyện" đến nhà học thêm nhằm thu tiền... Cá biệt có thầy, cô giáo còn xúc phạm nhân phẩm, đánh đập học sinh, bị dư luận lên án. Tất cả những điều đó đã làm xấu đi hình ảnh người thầy mẫu mực, mô phạm một thời của ngành Giáo dục.
Từ thực tế trên có thể thấy, ứng xử giữa thầy và trò đóng vai trò quan trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn từng khẳng định: “Văn hóa học đường là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường, khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường, hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ”. Chính vì thế, gần đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12-4-2019 về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Ở cấp vĩ mô, ngành Giáo dục đang thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ năm 2013 của Ðảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với những mục tiêu và cách tiếp cận mới mẻ. Theo đó, những xu hướng mới của giáo dục như "thầy thiết kế - trò thi công", "dạy học hợp tác" (giữa thầy và trò); "dạy học lấy học sinh làm trung tâm"... đều đặt học trò lên vị trí chủ thể của giáo dục. Người thầy đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn, gợi mở cho trò tự tìm kiếm tri thức. Không những được tự do tranh luận, trò còn có thể trao đổi, chất vấn thầy, cô giáo... Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” do Bộ GD&ĐT là cơ quan thường trực. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử... Với những thay đổi này, mối quan hệ thầy - trò sẽ dần trở nên dân chủ, công khai chứ không còn áp đặt, một chiều.
Trở lại câu chuyện nên hay không bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Vấn đề cốt yếu ở đây không phải bỏ chữ “Lễ”, mà là làm sao có lễ đích thực. Bởi cho dù là ở thời điểm nào, đạo thầy trò vẫn luôn phải được đề cao, cái cần thay đổi ở đây là bỏ đi những tư duy cũ kỹ, rập khuôn và có phần hà khắc xưa kia để tạo nhiều cơ hội hơn cho học sinh tự khẳng định mình, tự nguyện vun đắp giữ gìn chữ "Lễ". Và để làm được điều đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Học viện Quản lý giáo dục): “Quy tắc ứng xử trong nhà trường cũng cần bỏ những điều hình thức, khẩu hiệu, xa rời thực tế và khó thực hiện. Nhà trường không chỉ chú trọng giáo dục kiến thức mà còn cần làm tốt việc giáo dục văn hóa, lối sống, tác phong học tập, giao tiếp ứng xử. Thầy, cô là tấm gương thực hiện văn hóa học đường từ lời nói, xưng hô đến đạo đức, năng lực chuyên môn và quan hệ xã hội. Sự thân ái, trân trọng nhau giữa thầy và trò sẽ giúp cho môi trường giáo dục trở nên lành mạnh và thân thiện. Quan trọng hơn là sẽ tạo nên được những thế hệ học trò sống biết yêu thương, có trách nhiệm hơn với bản thân, cộng đồng và xã hội...”.
Có thể thấy, dù có sự thay đổi trong phương thức giáo dục, song mối quan hệ thầy - trò ở xã hội nào vẫn luôn được đề cao. Mối quan hệ đó không chỉ là nét đẹp văn hóa, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam, mà còn là hình thức tiếp biến văn hóa tối ưu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.