Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầy cô nên trở thành người bạn của trẻ

Đoan Trang| 25/11/2022 06:32

(HNMCT) - Văn hóa ứng xử nơi học đường trong thời đại số đang có nhiều biến đổi. Nhờ công nghệ, ngày nay, vị thế của thầy và trò đã không còn như trước, khái niệm “tôn sư trọng đạo” cũng được hiểu theo cách “mềm dẻo” hơn. Đó là lời khẳng định của Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến (khoa Tâm lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) trong cuộc trò chuyện với phóng viên Hànộimới Cuối tuần xoay quanh chủ đề xây dựng văn hóa ứng xử giữa thầy và trò trong thời đại số.

Các thầy cô giáo không chỉ là người truyền tải tri thức mà còn là người bạn lớn, thậm chí là người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi và hỗ trợ các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Minh

- Thưa Thạc sĩ Nguyễn Thị Hải Yến, trước tác động không nhỏ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của người thầy đã có chuyển biến ra sao so với trước kia?

- Theo quan điểm của tôi, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống lâu đời của dân tộc ta, chính vì thế, trải qua thời gian, có thể hình thức thể hiện khác nhau nhưng vị trí của người thầy sẽ không thay đổi. Cụ thể, thời xưa, người thầy đóng vai trò trọng tâm, là cầu nối duy nhất kết nối tri thức giữa thầy và trò và học trò hoàn toàn phụ thuộc vào thầy trong việc tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, người thầy thời xưa luôn là biểu tượng mẫu mực về nhân cách, về đạo đức, là khuôn mẫu để trò noi theo, tư tưởng “không thầy đố mày làm nên” là một tư tưởng xuyên suốt tại thời điểm đó. Còn ở thời điểm hiện tại, vị trí của người thầy vẫn được xã hội tôn trọng, nhưng cách thể hiện đã có sự cởi mở hơn, không bị rập khuôn, gò bó. Thậm chí, giữa thầy và trò đôi khi không còn khoảng cách, thay vào đó là sự thoải mái trong giao tiếp, trong cách chia sẻ, không chỉ chia sẻ với nhau về nội dung học tập mà còn cả về những vấn đề khác trong cuộc sống.

- Từ sự thay đổi tất yếu đó, văn hóa ứng xử giữa thầy và trò đã có những thay đổi như thế nào, thưa bà?

- Về mặt ứng xử thì tôi nhận thấy, mối quan hệ giữa thầy và trò đã có sự gần gũi hơn. Từ cách xưng hô như “thầy/cô và con”, “thầy/cô và em”, “tôi và anh/chị”, “tôi và các bạn”..., có thể thấy sự đa dạng chứ không còn rập khuôn như xưa nữa. Chính sự gần gũi này đã phá bỏ định kiến rằng giữa thầy và trò phải có khoảng cách, khiến trò sợ không dám giao tiếp với thầy, thầy bảo sao trò nghe vậy, trò không dám phản biện lại cả những vấn đề chưa hiểu trong bài học... Ngày nay, ngoài kênh tiếp nhận tri thức từ giáo viên, các em học sinh có thể tiếp nhận tri thức từ nhiều kênh khác nhau, qua internet, bạn bè, người thân, thần tượng... Người thầy trở thành người hướng dẫn, định hướng nên cách ứng xử giữa thầy và trò cởi mở hơn rất nhiều, không còn khoảng cách như trước đây nữa. Đặc biệt, chủ trương lấy “học sinh làm trung tâm” cũng phản ánh sự biến đổi trong cách ứng xử giữa thầy và trò so với ngày xưa. Tuy nhiên, dù có cởi mở, hòa đồng và thân thiện đến đâu, tôi nhận thấy, vai trò của thầy vẫn được tôn trọng.

- Vậy theo bà, truyền thống “tôn sư trọng đạo” thời đại 4.0 được hiểu như thế nào?

- Truyền thống “tôn sư trọng đạo” thời 4.0 nên được hiểu “mềm dẻo” hơn. “Tôn sư” không còn được hiểu như một sự đề cao tuyệt đối, câu tục ngữ “không thầy đố mày làm nên” cũng cần được hiểu một cách linh hoạt hơn. Thời nay, khi gặp một vấn đề chưa hiểu hoặc thầy, cô lý giải chưa thỏa đáng thì trò có quyền đưa ra ý kiến phản biện của mình, nếu thấy hợp lý thì thầy cô giáo sẽ sẵn sàng tiếp thu.

- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện thông tin về một số cách ứng xử không phù hợp với truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Theo bà, nguyên nhân là gì?

- Thực ra, những kiểu ứng xử không đẹp trong môi trường học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan nằm ở chính bản thân các em học sinh, do nhận thức của các em còn hạn chế khiến cách ứng xử giữa thầy và trò chưa phù hợp. Đặc biệt, lứa tuổi học trò rất dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, như những điều không tích cực ở trên mạng xã hội; trẻ học hỏi lẫn nhau mà không có sự kiểm soát của người lớn, dẫn đến hậu quả khó lường. Ví dụ, với những nhóm học sinh nghiện game, các em có thể bị tác động bởi những hình ảnh bạo lực nên khi gặp những tình huống cụ thể trong đời sống thì thay vì thương lượng với nhau, giao tiếp với nhau để giải quyết, các em sẽ dùng vũ lực. Tiếp đó, lứa tuổi này được nhiều chuyên gia đánh giá là rất khó kiềm chế cảm xúc. Sự khó tiết chế cảm xúc này xuất phát từ những biến đổi về tâm sinh lý, nên các em dễ nổi nóng, nhiều khi chỉ cần vài lời đôi co thôi là các em sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Còn nguyên nhân khách quan khác đến từ sự giáo dục của gia đình. Bố mẹ chưa quan tâm con đúng mực hoặc con bị ảnh hưởng khi vô tình chứng kiến cách ứng xử không phù hợp với chuẩn mực văn hóa của bố mẹ. Về phía nhà trường, hiện nay nhiều trường cũng chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống để giúp học sinh hình thành nhận thức, thái độ, hành vi theo chuẩn mực văn hóa.

Đặc biệt, hiện Phòng tư vấn tâm lý học đường trong các trường phổ thông chưa hoạt động hiệu quả. Các chương trình tuyên truyền, giáo dục mang tính phòng ngừa nạn bạo lực học đường chưa đủ sức hấp dẫn trẻ, chưa phong phú. Các hoạt động tư vấn nhóm và tư vấn cá nhân giúp học sinh vượt qua khó khăn về tâm lý trong học tập, trong ứng xử giữa thầy - trò và giữa bạn bè với nhau chưa được chú trọng đúng mức.

- Trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của khoa học và công nghệ, theo bà, thầy và trò trong thời đại 4.0 cần có cách ứng xử thế nào để vừa phù hợp với xu thế chung vừa không làm mất đi giá trị truyền thống đã được các thế hệ thầy trò từ xưa đến nay dày công vun đắp?

- Dù là trong thời đại nào, nét văn hóa ứng xử mà chúng ta cần xây dựng vẫn là “tôn sư trọng đạo”. Để có được điều đó, người thầy thời hiện đại trong giao tiếp ứng xử với học trò phải thể hiện mình là người mẫu mực, văn minh, ứng xử có chừng mực. Dù cởi mở đến đâu thì cũng phải giữ hình ảnh của người thầy, giao tiếp chừng mực ngay cả trong cách xưng hô với học sinh. Bên cạnh đó, người thầy thời hiện đại cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực để dễ dàng tiếp cận, gần gũi hơn với các em học sinh.

Hiện nay, nhiều giáo viên sử dụng facebook, zalo, telegram... để kết nối với học sinh, coi đó là kênh giao lưu với học sinh, cung cấp những ví dụ sinh động từ đời sống đang diễn ra xung quanh các em nhằm bổ trợ cho bài giảng của mình. Tôi cũng nhận thấy rằng, cách ứng xử giữa thầy và trò không còn cứng nhắc và gò bó như trước nữa. Người thầy, người cô không chỉ truyền tải tri thức mà còn là người bạn lớn, một người anh, người chị, một người thân, thậm chí ở bậc Tiểu học còn là một người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi và hỗ trợ các em học sinh vượt qua mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Đó là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các thầy, cô đã cởi mở hơn và ngày càng thân thiện hơn với các em học sinh. Chính điều này sẽ khiến khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn, giờ lên lớp trở nên thoải mái, vui vẻ hơn.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thầy cô nên trở thành người bạn của trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.