(HNM) - Tình trạng úng ngập nghiêm trọng hay các biến đổi nhiệt độ bất thường, các chỉ số ô nhiễm môi trường vượt quy chuẩn cho phép… cho thấy quá trình biến đổi khí hậu đã và đang gây những tác động không nhỏ đến đời sống đô thị. Theo các chuyên gia, đã đến lúc quy hoạch đô thị phải đảm nhận vai trò mới là giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hiện tại và trong tương lai.
Tác động và thách thức từ biến đổi khí hậu
Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viện Quy hoạch môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) nhận định, đô thị vừa là nguyên nhân nhưng đồng thời cũng là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu. Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu vực chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu là khu vực có tốc độ đô thị hóa và phát triển đô thị nhanh.
Tại Hà Nội, theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, do yếu tố vị trí địa lý, thành phố không bị ảnh hưởng trực tiếp, rõ rệt bởi biến đổi khí hậu như các tỉnh ven biển. Tại khu vực nội đô, ảnh hưởng này lại càng khó xác định do không có các hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố dễ đánh giá nhất là tình trạng úng ngập. Thực tiễn cho thấy, người dân Hà Nội đã gánh chịu hậu quả của úng ngập nghiêm trọng trong vài tháng gần đây do các trận mưa không theo quy luật, vượt công suất thiết kế hệ thống thoát nước.
Hiện nay, trong quá trình lập quy hoạch đô thị, các yếu tố khí hậu, khí tượng, thủy văn đã được tính đến. Tuy nhiên, tất cả các dữ liệu đầu vào thường dựa trên thống kê lịch sử mà chưa tính đến các kịch bản của biến đổi khí hậu, như lượng mưa tăng đột biến, tập trung và dịch chuyển vào một số vùng, nước biển dâng kết hợp với triều cường. Do vậy, vấn đề xác định cốt nền và thoát nước mưa, có cân nhắc đến các yếu tố biến đổi khí hậu, đóng vai trò rất quan trọng khi thiết kế kiến trúc quy hoạch.
“Trong quá trình phát triển, đô thị được cải tạo xây dựng mới nhiều dẫn đến tăng nguy cơ ngập lụt khi mưa lớn. Hệ thống nhà ở và các công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công sở, xí nghiệp, hệ thống đê điều… đã và đang được thiết kế, xây dựng với các tiêu chuẩn, chỉ tiêu, tần suất cũ, chưa cập nhật kịp thời tình hình biến đổi khí hậu gia tăng nghiêm trọng gần đây”, Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng nêu bất cập.
Lồng ghép trong tất cả các nội dung quy hoạch
Tiến sĩ Phạm Thanh Huy, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) nhìn nhận, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, quy hoạch đô thị là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống đô thị bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp trong khi dân số gia tăng vượt mục tiêu quy hoạch chung đặt ra đã gây quá tải hạ tầng. Việc chậm triển khai xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái dẫn đến thiếu không gian xanh, "lá phổi" bảo vệ môi trường. Trụ sở bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, sản xuất công nghiệp chậm di dời để dành đất cho không gian công cộng.
Trước thực tế trên, Thạc sĩ Nguyễn Việt Dũng đề xuất, trong quá trình điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang được nghiên cứu, cần lồng ghép các vấn đề bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong tất cả các nội dung, từ định hướng phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, năng lượng, cấp, thoát nước, xử lý chất thải… Trong đó, cần tập trung tính toán, bố trí hợp lý đất công viên cây xanh, các mảng xanh đô thị và quy hoạch mặt nước. Đối với các khu vực đô thị cũ cần khuyến khích cải tạo công trình theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng, tăng các không gian xanh, không gian đệm, hành lang cho hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính nhận định, để đô thị có "sức đề kháng" trước thiên tai, dịch bệnh, quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong phát triển đô thị bền vững trên cả 3 khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu là cơ hội để xem xét lại cách làm quy hoạch hiện nay đã thực sự bền vững về mặt môi trường hay vẫn coi phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là cơ hội đơn giản hóa quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; minh bạch hóa quá trình lập quy hoạch, bởi để thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng. Trên hết, đây là cơ hội để hội nhập quốc tế, tận dụng được sáng kiến, xu thế mới, tránh mắc phải những sai lầm mà nhiều nước phát triển đã gặp phải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.