(HNM) - Kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2013) đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân sôi nổi tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Có thể thấy, bản dự thảo đã thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động lập hiến của Quốc hội, nhiều vấn đề mới được hiến định. Tuy vậy, theo chúng tôi, thế và lực đất nước hôm nay đã hội đủ những tiền đề để làm sâu sắc thêm vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Điều 4 (dự thảo Hiến pháp sửa đổi) nói về sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết, bởi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhân dân ta tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ hy sinh, giành thắng lợi vẻ vang trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và giành nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nên Hiến pháp và pháp luật phải là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Vì vậy, thực chất việc tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật là sự thực hiện đường lối của Đảng trong mọi hoạt động của Nhà nước, trong đời sống xã hội và có như vậy mới bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng. Logic ấy đòi hỏi, trước hết, tổ chức Đảng các cấp và mọi đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, không được tùy tiện hành động vượt ra ngoài phạm vi đó. Đồng thời, ở mức độ cao nhất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội cũng cần được luật hóa để xác định phạm vi, giới hạn, cách thức Đảng lãnh đạo Nhà nước làm cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, trước xã hội, trước đất nước và dân tộc.
Nội dung Điều 4 (dự thảo Hiến pháp sửa đổi) không những khẳng định vai trò lãnh đạo thông qua việc xác định tôn chỉ, mục đích, sứ mệnh của Đảng, mà còn khẳng định chân lý dân là gốc, là chủ thể của quyền lực nhà nước và là cội nguồn sức sống của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng, xét đến cùng, do niềm tin và quyền lực nơi nhân dân gửi gắm và ủy thác nên việc Đảng "gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân", nhất là phải "chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" cũng là một tất yếu khách quan.
Tuy nhiên, việc "chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" của Đảng được quy định trong Hiến pháp mà không được cụ thể hóa bằng các đạo luật thì chẳng những vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội không ngang tầm bổn phận của Đảng, mà còn chưa gắn quyền của các cấp ủy Đảng với trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước và xã hội; không thể kiểm soát, hạn chế sự lạm quyền của cấp ủy Đảng, của các đảng viên nắm giữ quyền lực; không khắc phục được tình trạng tùy tiện, vô nguyên tắc của cấp ủy Đảng và những đảng viên lợi dụng danh nghĩa Đảng để mưu cầu lợi ích riêng; không có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm khi cấp ủy hay đảng viên làm sai. Cũng chính vì vậy mà niềm tin và quyền lực nhân dân được gửi gắm và ủy thác cho Đảng chưa có cơ sở bảo đảm.
Khoản 3, Điều 4 quy định: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" cũng là nội dung được thể hiện trong Điều lệ Đảng. Trong điều lệ, điểm này vừa là quy định trong nội bộ Đảng, vừa là sự cam kết của Đảng với xã hội. Tuy vậy, đây cũng là một vấn đề tất yếu trong xã hội Việt Nam: Mọi công dân, mọi tổ chức đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật! Song, hiến định hóa một quy định của nội bộ Đảng mang tính đương nhiên của mọi công dân, mọi tổ chức, rõ ràng chưa làm nổi bật, chưa thể hiện sự gắn kết giữa vị thế lãnh đạo với trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. Bổn phận luôn đi kèm trách nhiệm.
Từ cách lập luận trên, chúng tôi kiến nghị trình bày Điều 4 như sau:
"1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
3. “Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”.
Khoản 3, Điều 4 do chúng tôi đề xuất với ý nghĩa là một nguyên tắc của Hiến pháp có giá trị bảo đảm về mặt pháp lý cho vị thế của Đảng là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" duy nhất, tạo cơ sở để việc "chịu sự giám sát của nhân dân", nhất là "chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" của Đảng được cụ thể hóa bằng các đạo luật của Nhà nước. Chỉ có như vậy mới có cơ sở để yêu cầu các cấp ủy, mọi đảng viên chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về những hành vi lãnh đạo của mình. Nếu không dễ rơi vào trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm chính trị chung chung trong Đảng.
Đây không phải vấn đề mới, nhiều cán bộ, đảng viên đã bày tỏ tư tưởng này. Trong xu thế hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chúng tôi cho rằng đây là một trong những vấn đề nền tảng của minh bạch chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.