(HNM) - Ngày 26-3, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng Hiến pháp".
Trả lời câu hỏi về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng ban Biên tập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Lê Minh Thông khẳng định, điều này xuất phát từ thực tế và lịch sử. Đảng ta là người sáng lập lực lượng vũ trang, lãnh đạo lực lượng vũ trang. Lực lượng vũ trang phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc cũng giống như Đảng ta, không có lợi ích riêng. Việc lực lượng vũ trang trung thành với Đảng, với nhân dân là thống nhất với nhau. Ngoài ra, Chương 4 về Bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nội dung về lực lượng vũ trang gần như kế thừa toàn bộ Hiến pháp hiện hành. Việc tiếp tục khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang kế thừa Điều 12 là một vấn đề cần thiết để khẳng định tính chất, vai trò to lớn của lực lượng vũ trang trong tình hình mới.
Về đề nghị trưng cầu ý dân đối với Hiến pháp, ông Lê Minh Thông cho rằng, thực chất lấy ý kiến nhân dân cũng là trưng cầu dân ý, thông qua lấy ý kiến nhân dân thì ý chí, nguyện vọng của nhân dân sẽ được lắng nghe, tiếp thu. Đặc biệt, việc lấy ý kiến lần này đã được tổ chức với quy mô lớn, phát phiếu đến từng hộ gia đình và kéo dài đến hết tháng 9-2013. Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, trước mắt có thể không cần đến hình thức trưng cầu dân ý, nhưng sau 5-6 năm nữa, điều kiện của đất nước đầy đủ hơn, có thể tiến hành trưng cầu dân ý nếu sửa đổi Hiến pháp.
* Chiều 26-3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đã thống nhất cao về việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bày tỏ đồng tình cao với các quy định về quyền con người, đồng thời đề nghị làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của hoạt động báo chí.
* Cùng ngày, Đảng ủy Khối Du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Về Điều 2, nhiều ý kiến cho rằng cần lược bớt chi tiết, chỉ cần giữ nội dung: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân" là đủ. Điều 54, 55 đã xác lập quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đây là điểm mới, tiến bộ hơn. Một số ý kiến đề nghị giữ lại nội dung Điều 42 của Hiến pháp năm 1992: Đảng, Nhà nước và toàn dân phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.