(HNMO) - Hiện nay ngoài bằng cấp và kinh nghiệm thì tiếng Anh đã trở thành tiêu chí tuyển dụng của một số doanh nghiệp dành cho ứng viên. Ngoài ra cho dù không bắt buộc thì cũng có sự ưu tiên nhất định dành cho những ứng viên có vốn tiếng Anh tốt hơn so với những người còn lại.
Xu thế hội nhập của doanh nghiệp trong nước
Ngày nay với xu thế hội nhập, việc kinh doanh của mỗi cơ quan, doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong nước, mà còn có sự hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, kéo theo đó là những nhà lãnh đạo, nhân viên người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.
Do vậy, trong môi trường làm việc đó không chỉ có người Việt, không chỉ có tiếng Việt mà đó là môi trường làm việc quốc tế, ngôn ngữ quốc tế, trong đó tiếng Anh dường như là ngôn ngữ trung gian phổ biến và được ưa chuộng nhất để mọi người giao tiếp và trao đổi công việc với nhau. Người ta mặc định, nếu không biết tiếng bản xứ của nước đầu tư vào Việt Nam thì tiếng Anh ngôn ngữ thay thế.
Vì vậy, việc một doanh nghiệp yêu cầu ứng viên cần có vốn tiếng Anh cũng là điều dễ hiểu. Đây chính là chìa khóa quan trọng để giao tiếp với đối tác quốc tế, và nếu bạn có vốn tiếng Anh tốt thì bạn sẽ là một trong những chiếc “chìa khóa” quan trọng ấy.
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu người xin việc cần có tiếng Anh mà các cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng yêu cầu cần phải biết ngoại ngữ này. Đây dường như là yêu cầu bắt buộc với người lao động khi ứng tuyển xin việc làm dù có thể ít khi dùng đến tiếng Anh. Nó thể hiện xu thế hội nhập quốc tế lớn của các công ty, doanh nghiệp Việt Nam.
Biết tiếng Anh, nắm ưu thế từ vòng phỏng vấn
Làm việc trong những công ty quốc tế là mơ ước của rất nhiều bạn trẻ, bởi vừa có mức lương hấp dẫn, vừa có tính chuyên nghiệp cao. Tuy nhiên, để được vào làm việc trong môi trường đó không hề đơn giản. Yêu cầu đưa ra với mỗi ứng viên vào làm việc trong các doanh nghiệp nước ngoài thường khá cao, bên cạnh yêu cầu chuyên môn, cần phải biết sử dụng thành thạo ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh. Nếu bạn không biết tiếng Anh hoặc tiếng Anh hạn chế mà người phỏng vấn bạn là một người nước ngoài thì gần như chắc chắn bạn sẽ bị loại ngay từ vòng phỏng vấn.
Hoặc khi bạn ứng tuyển vào một công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì bạn cũng sẽ phải trải qua vòng phỏng vấn với các câu trả lời bằng tiếng Anh dù người phỏng vấn bạn là người Việt. Nguyễn Hồng Linh (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về việc mới trúng tuyển vào Công ty Samsung Vina, ở vị trí lập trình viên. Linh cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, cậu làm việc trong một công ty truyền thông, không liên quan đến vị trí lập trình viên mà cậu ứng tuyển vào Samsung. Nhưng với vốn tiếng Anh khá, cậu đã trả lời được các câu hỏi của nhà tuyển dụng bằng tiếng Anh, trong khi những ứng viên khác không được chọn dù có kinh nghiệm làm việc hơn, nhưng vốn tiếng Anh hạn chế.
Linh chia sẻ: “Tôi nhận thức được tiếng Anh có vai trò quan trọng khi đi tìm việc sau này nên đã chú trọng học tiếng Anh khi còn đang học Đại học. Kinh nghiệm cho thấy, học tiếng Anh cần thường xuyên luyện tập, thực hành các kỹ năng để tạo được phản xạ tự nhiên. Để được như thế cần có môi trường tiếng Anh để rèn luyện các kỹ năng, trong đó việc học tại các quốc gia sử dụng tiếng Anh như phương pháp Live language mà EF Education đang áp dụng. Đây là phương pháp học tiếng Anh ngay trong môi trường bản địa, được giao tiếp trực tiếp với những người bản xứ”.
Như vậy, vai trò của tiếng Anh trong xã hội nói chung và lúc đi xin việc nói riêng là rất lớn. Nó không chỉ là ngôn ngữ mà nó còn là chìa khóa để những ứng viên mới tuyển dụng có thể dễ dàng tiếp nhận những kiến thức mới trong môi trường ngoại ngữ quốc tế. Đơn vị tuyển dụng sẽ dễ dàng đào tạo thêm với những nhân viên mới biết tiếng Anh hơn là những người có vốn tiếng Anh hạn chế dù người đó đã có kinh nghiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.