Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vai trò của phụ huynh trong việc dạy thêm, học thêm

Hải Chi| 26/11/2013 07:01

(HNM) - Ngày 22-10-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.



Trên thực tế, nhiều địa phương đã cấm giáo viên đương nhiệm dạy thêm (đặc biệt là đối với học sinh (HS) tiểu học và HS của chính giáo viên đó) trước khi có Nghị định 138/2013/NĐ-CP cả năm. Tuy nhiên, việc HS ngoài giờ học vẫn phải ở lại trường học thêm 60-90 phút, mỗi tuần 3 buổi tối cắp cặp đến nhà giáo viên học thêm... không phải là hiếm. Ngoài việc giáo viên chủ động "gợi ý" phụ huynh cho con học thêm hoặc chỉ giảng kiến thức mới, hướng dẫn bài tập khó tại các lớp học thêm... còn có một phần lỗi của phụ huynh học sinh (PHHS)?

Bà Trúc, PHHS Trường Thành Công B (quận Ba Đình) cho biết, hoàn toàn tự nguyện cho con học ở nhà cô giáo từ năm lớp 1. Đến nay cháu đã học lớp 3 và bà vẫn liên tục cho con theo học các lớp ngoài giờ do giáo viên tổ chức. Lý do bà đưa ra thật đơn giản: "Gia đình không có điều kiện kèm cặp, kiểm tra bài, đặc biệt không có khả năng hướng dẫn con viết chữ đẹp, làm bài tập…". Vì vậy, gửi con đến lớp học ngoài giờ của giáo viên cũng như… thuê gia sư!

Tại buổi họp phụ huynh đầu năm học của một lớp khối 4 Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm), nhiều phụ huynh tha thiết đề nghị cô giáo mở lớp dạy thêm cho HS bởi "chương trình học của lớp 4 rất nhiều kiến thức mới". Cô giáo thừa nhận sẽ có rất nhiều kiến thức mới nhưng theo quy định của ngành không dạy thêm cho cấp tiểu học đã học bán trú; đồng thời cô còn đưa một ý kiến rất nhân văn là "ở lớp các con đã phải học liên tục từ sáng tới chiều mới chạy hết được chương trình, ngoài giờ nên cho con nghỉ ngơi". Khi cô giáo kiên quyết từ chối, chỉ trong thời gian ngắn sau đó đã có nhiều nhóm do phụ huynh tổ chức, mời giáo viên tiểu học của trường khác dạy nhằm học trước và nâng cao kiến thức cho con mình.

Ông Huyên (phường Giang Biên, quận Long Biên) thì có quan điểm trái ngược với các phụ huynh trên. Suốt 5 năm con trai ông học tiểu học, ông không hề cho cháu theo bất cứ lớp học thêm hay nâng cao nào. Đến khi lên THCS, ông vẫn giữ nguyên quan điểm không cho con học thêm, đồng thời giám sát chặt chẽ việc học của con tại lớp. Cậu con trai xin phép bố cho học thêm, ông từ chối. Nhưng khi cô giáo thông báo cả lớp chỉ có 2 em chưa đi học thêm, trong đó có con trai ông, thì dù không muốn, ông cũng đành chấp nhận mỗi tuần 4 buổi chiều tối đưa đón con đến điểm dạy của giáo viên bộ môn văn và toán.

Vậy là trong 3 trường hợp trên, có phụ huynh vì điều kiện gia đình hoặc vì "thích" mà cho con học thêm; có phụ huynh thì không thích nhưng không đủ bản lĩnh giữ quan điểm của mình, nên cũng "đẩy" con đi học ngoài giờ. Còn rất nhiều, rất nhiều những phụ huynh khác vẫn đang hằng ngày "tiếp tay" cho việc dạy thêm, học thêm, tước đi quyền được vui chơi và nghỉ ngơi của trẻ. Nói đến dạy thêm, học thêm, xưa nay các phụ huynh vẫn lên án nhà trường, giáo viên "ép" và họ chỉ nói sự tốn kém của việc học thêm. Nếu tập thể phụ huynh cùng thống nhất từ chối lớp học thêm thì làm sao có chuyện con em mình là "cá biệt" khi không đi học? Đã bao giờ các ông bố, bà mẹ đặt vấn đề ngược lại: Nếu phụ huynh kiên quyết bảo vệ quyền được nghỉ ngơi, vui chơi của con em mình thì "cung" sẽ tự bị triệt tiêu, chứ không ngày càng phát triển như nấm gặp mưa?

Phụ huynh và nhà trường (giáo viên) có trách nhiệm cũng như quyền ngang nhau trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Tại sao phụ huynh lại chịu sự lép vế, rồi đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục như vậy?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của phụ huynh trong việc dạy thêm, học thêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.