Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững"

HNMO| 09/11/2018 06:20

(HNMO) - Sáng nay 9-11, Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương lần thứ VII - năm 2018 với chủ đề "Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững" do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong thỏa thuận hợp tác, luân phiên tổ chức giữa 5 cơ quan báo Đảng: Báo Hànộimới, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và Sài Gòn Giải Phóng.

11:35 09/11/2018

Phát biểu bế mạc, đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho biết, sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, bàn thảo có trách nhiệm với chủ đề “Vai trò báo chí trong tuyên truyền xây dựng và phát triển thành phố thông minh, hướng tới phát triển bền vững”, Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương lần thứ VII năm 2018 tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp.

12 báo cáo tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo của 9 cơ quan Báo Đảng cùng 3 sở ngành của Hà Nội là những nội dung hết sức phong phú, thiết thực, tâm huyết, bám sát chủ đề Hội thảo ở nhiều khía cạnh, nêu bật vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí nói chung cũng như các cơ quan báo Đảng nói riêng trong tuyên truyền xây dựng thành phố thông minh, hướng tới phát triển bền vững ở các địa phương trong cả nước.

“Chúng tôi tin tưởng qua hội thảo lần này, các cơ quan báo chí 5 thành phố trực thuộc trung ương, cùng khách mời là các cơ quan báo Đảng đại diện cho các khu vực, vùng miền trong cả nước đã có thêm những góc nhìn, những cách tiếp cận mới về công tác xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Từ đó, chúng ta cùng nhau chia sẻ những cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động nghiệp vụ nghiệp để các cơ quan báo Đảng thực sự trở thành kênh thông tin có trách nhiệm, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm xây dựng mô hình đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm tự nhiên của từng địa phương”, Tổng Biên tập Báo Hànộimới nhấn mạnh.

Thay mặt Ban tổ chức, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cảm ơn các nhà tài trợ đã nhiệt tình tham gia tài trợ cho Hội thảo gồm: Tập đoàn Vingroup; Công ty Vedan Việt Nam; Tập đoàn BRG và Ngân hàng SeABank; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank); Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Long Giang).

Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long phát biểu kết thúc hội thảo.


11:33 09/11/2018

Tại hội thảo, Ban tổ chức đã trao Cờ luân lưu đăng cai tổ chức Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương lần thứ VIII - năm 2019 cho Báo Hải Phòng.


Các đại biểu chụp hình lưu niệm.




11:32 09/11/2018

Báo chí cần đổi mới, sáng tạo để góp phần vào tiến trình xây dựng thành phố thông minh

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên TBT Báo Hànộimới cho rằng, chủ đề của Hội thảo rất kịp thời, có tính thời sự, thể hiện sự nhạy bén của người làm báo đối với những vấn đề đất nước đang quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành phố thông minh không phải là cái gì đó quá xa xôi mà là cái gắn với người dân, với doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp phải là ở vị trí trung tâm, muốn xây dựng thành phố thông minh phải có hệ thống dữ liệu, đây là điều có tính quyết định. Thành phố thông minh là cơ thể sống, con người cần trao đổi chất thì thành phố thông minh cần có sự trao đổi hệ thống dữ liệu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về thành phố thông minh - ASOCIO 2018 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, các chuyên gia cho rằng, với Việt Nam, có thể nghiên cứu 3 mô hình phát triển thành phố thông minh phù hợp với đặc điểm Việt Nam, đó là: Mô hình phát triển toàn diện phù hợp với những đô thị lớn, có tiềm lực về kinh tế, khoa học kỹ thuật như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; Mô hình phát triển theo lợi thế riêng của từng thành phố; Mô hình theo sau học hỏi kinh nghiệm từ các đô thị khác. Ba mô hình đó chiếu vào thực tế Việt Nam đều phù hợp.

Vì vậy, thành phố thông minh không phải chỉ của đô thị lớn mà của nhiều thành phố, người dân ở đâu cũng có thể tham gia xây dựng thành phố thông minh và hưởng lợi từ quá trình đó.

Đồng chí Hồ Quang Lợi đánh giá, hội thảo báo này đã nói lên vấn đề thiết thực, trực tiếp về quyền lợi của mỗi người dân. Thành phố thông minh chính là những vấn đề gắn với y tế, giáo dục, an ninh trật tự, môi trường… mà mỗi người dân được trực tiếp tham gia.

Trong đó, đồng chí Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, báo chí có vai trò quan trọng là góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề xây dựng thành phố thông minh gắn với việc xây dựng Chính phủ điện tử, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, để làm tốt vai trò tuyên truyền, các toà soạn cũng phải thông minh, thay đổi hình thức tổ chức thông tin, tuyên truyền. Báo chí tham gia vào quá trình này để cung cấp thông tin, phản ánh những kết quả, thành tựu của việc xây dựng thành phố thông minh; nêu lên những hạn chế, bất cập của quá trình này; đồng thời nêu ra những bài học để tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam.

Cuối cùng, thay mặt Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Hồ Quang Lợi hoan nghênh Báo Hànộimới và 5 báo Đảng trực thuộc Trung ương cùng các báo Đảng ở nhiều địa phương đã thống nhất chọn chủ đề hội thảo mang đầy tính thời sự. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tin tưởng sau cuộc hội thảo này, những người làm báo sẽ có những khích lệ để tăng cường năng lực đổi mới, sáng tạo, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình xây dựng thành phố thông minh ở địa phương với tinh thần đổi mới, sinh khí mới.

Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

11:16 09/11/2018

Báo chí cần xây dựng toà soạn thông minh

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao chủ đề tuyên truyền của hội thảo là “Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng thành phố thông minh, hướng tới phát triển bền vững”. Điều này thể hiện báo chí đã tích cực bám sát vào các vấn đề “nóng” hiện nay.

Thời gian qua chúng ta đã quen với cụm từ “Cách mạng 4.0”, “Chính phủ điện tử”, “Đô thị thông minh”... thể hiện sự cần thiết của Hội thảo, là vấn đề cần quan tâm sát sườn không chỉ đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mà còn của tất cả các thành phố trong cả nước. Qua đó thể hiện, báo chí đã bám sát đẩy mạnh tuyên truyền về việc xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững.

“Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, người dân có vai trò quan trọng trong việc phát triển dữ liệu đô thị thông minh. Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần quản lý đô thị thông minh. Tuy nhiên, qua các tham luận cho thấy việc tuyên truyền mới chỉ là các cấp chính quyền vào cuộc còn chưa tuyên truyền cho người dân sử dụng để phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, thành phố thông minh là rất quan trọng. Do đó, báo chí cần phải tăng cường hơn nữa tuyên truyền đến người dân, để người dân hưởng ứng nhiều hơn trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh. Báo chí cũng cần phải xây dựng toà soạn thông minh trước”, Phó Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông.


10:59 09/11/2018

Vai trò của báo chí trong triển khai hình thức “Đấu thầu qua mạng”

Đóng góp cho hội thảo, Tổng Biên tập Báo Sơn La - Lê Huy Nghĩa tham luận về “Vai trò của báo chí trong triển khai thành công hình thức đấu thầu qua mạng cho các dự án mua sắm tại Sơn La”. Đồng chí Lê Huy Nghĩa cho biết, áp dụng đấu thầu qua mạng là một ưu tiên trong cải cách đấu thầu mua sắm công ở nhiều quốc gia đang phát triển. Tại Việt Nam, hình thức đấu thầu qua mạng đang dần thay thế đấu thầu trực tiếp và là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang theo đuổi.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của tỉnh, thời gian qua, bám sát chủ trương và mục tiêu của tỉnh về triển khai hiệu quả Quyết định số 1402/QĐ-TTg (ngày 13-7-2016) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể và lộ trình đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025, Báo Sơn La đã tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí về ứng dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Những nội dung thông tin, tuyên truyền về đấu thầu qua mạng trên Báo Sơn La đa dạng, phong phú, như: Các chủ trương, chính sách và giải pháp về triển khai đấu thầu qua mạng của Trung ương, của tỉnh; mục tiêu và lộ trình thực hiện của tỉnh; tính ưu việt của hình thức đấu thầu qua mạng; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật về nội dung cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng; việc triển khai các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu qua mạng; các biểu mẫu và quy trình cung cấp và công khai thông tin về quá trình thực hiện hợp đồng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia…

Để việc thông tin, tuyên truyền về đấu thầu qua mạng đạt hiệu quả, Báo Sơn La đã phối hợp chặt chẽ với các ngành như: Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin - Truyền thông… trong quá trình định hướng, xây dựng kế hoạch, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nội dung này.

Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo Sơn La cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, so với một số nội dung khác, việc tuyên truyền về triển khai đấu thầu qua mạng trên các ấn phẩm của Báo Sơn La vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Cụ thể, số lượng các tác phẩm còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho người đọc, nội dung khô khan, chưa hấp dẫn; nhiều bài viết thông tin mang tính một chiều, chủ yếu theo hướng tuyên truyền tích cực, trong khi những bài viết phản ánh đúng thực chất, phân tích, đánh giá những khó khăn và yếu kém của hoạt động này của các địa phương, đơn vị còn chưa nhiều; một số thông tin phản ánh chưa đầy đủ…; việc phối hợp với các ngành trong công tác tuyên truyền còn chưa chặt chẽ, phóng viên còn gặp khó khăn khi thu thập tư liệu viết bài…

Đồng chí Lê Huy Nghĩa, Tổng Biên tập Báo Sơn La.

10:53 09/11/2018

 Xây dựng đô thị du lịch thông minh tại thành phố Vũng Tàu

Với tham luận “Xây dựng đô thị du lịch thông minh tại thành phố Vũng Tàu”, đồng chí Đỗ Nguyễn Hoàng Dung, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, mô hình đô thị du lịch thông minh là một xu thế của thời đại khi mà cuộc cách mạng công nghệ tiến như vũ bão. Và, du lịch thông minh cũng đã được xác định là một phần không thể thiếu của mô hình đô thị thông minh.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, thông qua Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có hơn 10 đơn vị tư vấn trình lãnh đạo tỉnh các phương án “Khung kiến trúc và demo giải pháp xây dựng đô thị thông minh”. Là một thành phố thu hút gần 7 triệu lượt khách/năm, doanh thu 2.500 tỷ đồng từ dịch vụ du lịch, việc Vũng Tàu được tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chọn thí điểm xây dựng mô hình đô thị du lịch văn minh trong giai đoạn 2018- 2020 cũng là một điều dễ hiểu. 


Để đáp ứng nhu cầu du lịch thông minh, theo đồng chí Đỗ Nguyễn Hoàng Dung, từ chính quyền địa phương, mà cụ thể là các cơ quan quản lý nhà nước, đến các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch, cũng như du khách, đều cần thay đổi toàn diện về nhận thức và khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại.

Thời gian gần đây, trong bước khởi động mang tính chất thử nghiệm, TP Vũng Tàu đã liên kết với các tập đoàn viễn thông để bàn bạc, thảo luận đưa vào sử dụng phần mềm du lịch thông minh trên địa bàn thành phố. Cụ thể là xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu dùng chung cho ngành Du lịch, xây dựng cổng thông tin chung để truyền tải thông tin đến từng du khách (như địa chỉ tham quan, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực, khu vui chơi, giải trí, điểm chụp ảnh đẹp…). Từ đó, tạo ra các nền tảng ứng dụng để khách hàng có thể chủ động đặt phòng, xây dựng hành trình du lịch. Ứng dụng này còn nhắm đến việc phục vụ du khách thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc cung cấp tiện ích, hệ thống hóa các thông tin địa điểm, tạo sự kiện mới, thông báo khuyến mãi và nhận sự phản hồi từ du khách, giúp các doanh nghiệp du lịch cải thiện chất lượng dịch vụ, xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Bên cạnh đó, một phần mềm ứng dụng của du lịch trên cơ sở những tiến bộ của công nghệ thực tế ảo cũng được khởi động để giúp khách du lịch chưa quen đường có thể tìm các điểm tham quan, nhà hàng, trung tâm mua sắm, khu giải trí, nghỉ dưỡng... một cách dễ dàng.

Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tin tưởng, mô hình thành phố du lịch thông minh cùng sánh vai với các dịch vụ tiện ích thông minh khác trong hàng loạt ứng dụng công nghệ cho một mô hình thông minh toàn thành phố như giao thông vận tải, y tế, hải quan, xuất nhập cảnh, khai báo thuế, thanh toán dịch vụ phí qua mobile…, sẽ giúp kích cầu các gói sản phẩm du lịch theo sự lựa chọn của du khách, tăng lợi nhuận, tăng nguồn thu cho ngành công nghiệp không khói - du lịch; đồng thời, hỗ trợ tích cực cho các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Đồng chí Đỗ Nguyễn Hoàng Dung, Phó Tổng Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

10:51 09/11/2018

Xây dựng chính quyền điện tử phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Với tham luận “Báo Đà Nẵng tuyên truyền hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử”, đồng chí Trương Công Định, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng chia sẻ, từ nhiều năm nay, Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố đáng sống”. Điểm đột phá trong việc xây dựng Chính quyền điện tử của Đà Nẵng là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị cùng người dân, doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính là do đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả tích cực trong công tác quản lý chính quyền điện tử.

Với nền tảng hạ tầng căn bản, Đà Nẵng bắt đầu phát triển các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử. Nổi bật là Hệ thống thông tin chính quyền điện tử (CQĐT) Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn), giúp lãnh đạo, chính quyền các cấp, trên địa bàn dễ dàng kiểm tra, xử lý công việc bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Tính đến tháng 10/2018, Đà Nẵng đã trao đổi gần 731.500 văn bản qua mạng, giải quyết gần 100% hồ sơ đúng thời hạn. 


Điểm đột phá trong việc xây dựng CQĐT của Đà Nẵng là sự đồng lòng, chung sức của toàn bộ máy chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng tiên phong phát triển “Phần mềm lõi Chính phủ điện tử trên nền nguồn mở”, góp phần quan trọng để hình thành “Hệ thống thống thông tin chính quyền điện tử” cho Đà Nẵng từ năm 2013 và một số tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp theo sau đó.

Có thể thấy, xây dựng CQĐT được xem là một trong các trọng tâm ưu tiên phát triển của thành phố. Do đó, đây cũng là một nội dung quan trọng, được Báo Đà Nẵng quan tâm, tập trung tuyên truyền thường xuyên trên cả 3 ấn phẩm hằng ngày, cuối tuần và online.. Không chỉ tuyên truyền theo sự kiện thời sự kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, mà còn tập trung tập trung tuyên truyền theo chuyên đề, nhằm “khoan sâu” vào từng vấn đề mới, nóng, hoặc vấn đề nổi cộm, bất cập.

Ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT liên quan trực tiếp đến 2 lĩnh vực: CNTT và cải cách hành chính. Đây là 2 vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của 2 phòng chuyên môn của báo, tuy vậy các phóng viên chủ động trao đổi thông tin, tài liệu, phối hợp làm việc để tạo ra các tác phẩm báo chí chất lượng, có chiều sâu.

Năm 2017, loạt bài 5 kỳ về “Đột phá xây dựng chính quyền điện tử” của phóng viên Báo Đà Nẵng đã giành giải Nhất Giải Báo chí thành phố. Đây cũng là tác phẩm duy nhất trong nhóm giành giải Nhất viết về đề tài này. Trên thực tế, tuyên truyền về CQĐT không dễ, bởi nó đòi hỏi sự am hiểu về chuyên môn, khả năng tổng hợp, phân tích sâu và cần tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, số liệu cụ thể. Ngoài ra, người viết cũng cần có khả năng diễn đạt một vấn đề vốn “khô khan” để trở nên sinh động, dễ hiểu đối với bạn đọc.

Hành trình xây dựng CQĐT trải dài qua nhiều năm, nhiều chặng đường. Do đó, phóng viên cần có một thời gian tìm hiểu về lĩnh vực này, nắm bắt các thông tin về những khó khăn, thuận lợi khi triển khai mô hình CQĐT tại địa phương. Trong quá trình đó, phóng viên ghi chép, góp nhặt các tư liệu theo hệ thống để có cái nhìn toàn cảnh. Cũng phải nhận thức rõ, chính quyền điện tử dù mang tầm vĩ mô, nhưng lại tác động đến từng người dân, từng đơn vị doanh nghiệp, từng cán bộ chính quyền dù ở cấp nhỏ nhất. Do vậy, không thể bỏ qua việc khai thác tư liệu từ những nhân vật này, bởi họ chính là những người trực tiếp sử dụng, trực tiếp hưởng lợi hay bị ảnh hưởng bởi mô hình chính quyền điện tử.

Quan điểm của Đà Nẵng trong xây dựng CQĐT là phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là người đồng hành và cũng là đối tượng phục vụ. Do đó, Báo Đà Nẵng có nhiệm vụ kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong lĩnh vực này. Thông qua các bài báo viết về hành trình của doanh nghiệp trong việc xây dựng các phần mềm CQĐT, về những hiến kế của người dân qua Tổng đài 1022, Báo Đà Nẵng mong muốn truyền cảm hứng, tiếp thêm sức để xã hội tiếp tục đồng hành với chính quyền.

Đóng góp không nhỏ vào hành trình xây dựng mô hình chính quyền điện tử của thành phố, song công tác tuyên truyền trên Báo Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất vẫn là chưa “mềm hoá” được đề tài. Trong thời gian tới, Báo Đà Nẵng sẽ triển khai một số giải pháp để tăng cường vai trò của báo chí trong tuyên truyền về CQĐT, khắc phục các điểm yếu hiện nay.

Đa dạng hoá các đề tài trong lĩnh vực ứng dụng CNTT để xây dựng CQĐT. Khai thác góc nhìn từ người dân, doanh nghiệp, từ đó “mềm hoá” văn phong, giúp bạn đọc dễ hiểu, dễ cảm vấn đề.

Hoàn thiện tòa soạn điện tử với hạ tầng CNTT hiện đại, thúc đẩy triển khai mô hình toàn soạn hội tụ, tăng tương tác giữa báo in truyền thống và báo điện tử. Báo Đà Nẵng sẽ linh hoạt, gần gũi và tiếp cận sát hơn với nhu cầu của bạn đọc, tiếp tục phát huy những hình thức diễn đạt vốn thu hút người xem như infographic, photo gallery, video đăng tải trên báo điện tử, hoặc mạng xã hội.

Đồng chí Trương Công Định, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng.


10:30 09/11/2018

Hiệu quả từ ứng dụng CNTT trong quản lý giao thông thông minh

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) Ngô Mạnh Tuấn trong tham luận “Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý giao thông thông minh” cho biết, hiện nay thành phố Hà Nội đã, đang triển khai một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh.

Theo đồng chí Ngô Mạnh Tuấn, Sở đang tập trung triển khai dự án án thẻ vé điện tử; thí điểm triển khai sử dụng hệ thống vé điện tử trên tuyến BRT; thí điểm lắp đặt hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm tại các bến xe; thí điểm camera giám sát hỗ trợ công tác quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện áp dụng công nghệ Iparking…

Về định hướng phát triển giao thông thông minh trong thời gian tới, đồng chí Ngô Mạnh Tuấn cho biết, Sở đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục đôn đốc, tăng cường công tác giám sát đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư đối với các dự án bến, bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố; tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa đầu tư, đồng thời kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư đề xuất xây dựng bãi đỗ xe;

Đầu tư bãi đỗ xe có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các khu vực đang bức xúc, quá tải về nhu cầu bãi đỗ xe; khẩn trương hoàn thành các thủ tục thông qua HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm 2018 đối với đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ưu tiên việc đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có….

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn.

10:23 09/11/2018

Báo Thái Nguyên đang tập trung phát triển chuyên sâu báo điện tử

Theo đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Thái Nguyên có thuận lợi là những năm gần đây, tỉnh đã thu hút đầu tư khá lớn, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Hiện nay, khi nói đến Thái Nguyên, nhiều người thường nhắc đến Samsung, núi Pháo (mỏ lớn, khai thác đa kim) và chè. Vì vậy, Thái Nguyên kỳ vọng những năm tới, mảng xuất khẩu của tỉnh sẽ tăng nhiều.

Hiện nay, Thái Nguyên đang có đề án xây dựng đô thị văn minh cho tỉnh Thái Nguyên. Đề án đang được duyệt từng phần.

Về công tác tuyên truyền nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đô thị thông minh, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên thừa nhận, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ tuyên truyền của Báo vẫn còn hạn chế. Với xu hướng phát triển nhanh chóng của CNTT, Báo Thái Nguyên đã có nghị quyết tập trung phát triển chuyên sâu báo điện tử. Hai năm gần đây, khi lựa chọn phát triển báo điện tử, Báo đã tận dụng thế mạnh của CNTT để độc giả biết đến báo điện tử nhiều hơn như chia sẻ các bài viết của báo trên fanpage, zalo...Tuy nhiên, để báo điện tử phát triển hơn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên cho rằng, Báo vẫn cần học hỏi nhiều từ các báo bạn.

Đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên.

10:03 09/11/2018

Báo chí phát triển cùng xu hướng xây dựng đô thị thông minh

Với tham luận “Báo Cần Thơ phát triền cùng xu hướng xây dựng đô thị thông minh”, Phó Tổng Biên tập Báo Cần Thơ Thạch Khên cho biết, thành phố Cần Thơ triển khai xây dựng, phát triển trở thành đô thị thông minh trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 11-4-2017) của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025.

Về lộ trình triển khai thực hiện: Giai đoạn 2018-2020, thành phố thiết lập nền tảng hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung cho đô thị thông minh. Hình thành trung tâm điều hành đô thị thông minh để tích hợp các dữ liệu hiện có; tập trung triển khai các nhiệm vụ, dự án đã có kế hoạch và nguồn lực (như Chính phủ điện tử...)

Giai đoạn 2021-2023, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp trên khung nền tảng dùng chung, mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thông tin...

Giai đoạn 2024-2025, việc đổi mới, sáng tạo trong cung cấp các dịch vụ cho đô thị sẽ xuất phát chủ yếu từ khối tư nhân; thành phố đóng vai trò thu thập, cập nhật và chia sẻ dữ liệu mở, phân tích, dự báo để ban hành chính sách và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin...

Để hướng đến xây dựng đô thị thông minh mang lại hiệu quả cao, UBND thành phố Cần Thơ cũng đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức hội thảo xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016-2025. Cùng đồng hành thực hiện lộ trình xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, Báo Cần Thơ phối hợp với Ban Chỉ đạo Đề án xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh xây dựng kế hoạch tuyên truyền về tiến trình xây dựng thành phố thông minh trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, cùng với xu hướng xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, Báo Cần Thơ cũng không ngừng đầu tư phát triển. Ngày 2-9-2017, Báo Cần Thơ điện tử ra mắt bạn đọc. Hiện nay, Báo Cần Thơ có 3 sản phẩm: báo in tiếng Việt, báo in tiếng Khmer và báo điện tử, quy trình tác nghiệp hoàn toàn trên tòa soạn điện tử. Báo Cần Thơ điện tử đã được nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, đang ngày càng thu hút nhiều người xem.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có trên 50 cơ quan báo chí Trung ương, thành phố, hoạt động tại Cần Thơ và ở cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đó là điều kiện tốt để khai thác mọi hoạt động báo chí và cung cấp nguồn thông tin, quảng bá của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành đô thị thông minh.

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Báo Cần Thơ sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức, tăng tính thuyết phục, tính định hướng, nhằm góp phần tạo tiếng nói đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Đồng chí Thạch Khên, Phó Tổng Biên tập Báo Cần Thơ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.